Hài hòa như công sở Việt không cấm liên lạc ngoài giờ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việt Nam không cần ban hành quy định này bởi chúng ta tự tin quan hệ sếp và nhân viên hài hòa, như người nhà, mỗi người lao động đều có thể tự điều chỉnh được mối quan hệ này theo nhu cầu và khả năng của mình.

Theo các quy định mới, nhân viên làm việc ở Bộ Lao động - Xã hội sẽ không bị phạt hay khiển trách vì tắt máy di động hay không nhận tin nhắn điện thoại ngoài giờ hành chính. Bộ này chỉ cho phép liên lạc nếu có việc không thể trì hoãn sang ngày làm việc hôm sau.

Bộ yêu cầu các cấp lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc "can thiệp tối thiểu" vào thời gian rảnh rỗi của nhân viên, và trong trường hợp phải liên lạc thì cũng phải hạn chế ở mức thấp nhất số người liên quan.

Nói thật, tôi thực sự cảm thấy vô cùng lạ lùng khi mọi người lại lên tiếng khen ngợi quy định cấm ngớ ngẩn đó, bởi một khi đã phải đưa ra quy định có nghĩa là mối quan hệ giữa cả lãnh đạo và nhân viên đã không thể tự điều hòa.

Có thể mọi người cho rằng mục đích của quy định ấy là rất tốt đẹp khi mong muốn hạn chế để công việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, tuy nhiên tôi lại cho rằng dường như người ta đang lo sợ tình trạng quấy rối tình dục công sở nên mới đưa ra quy định này để hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế, quấy rối tình dục hiện nay không chỉ diễn ra ở công sở trong giờ hành chính mà đã lan ra ngoài giờ với nhiều hành động ở các mức độ khác nhau.

Luật Bảo vệ Người lao động (Đức) đã quy định khá rộng về quấy rối tình dục ngoài các hành vi thuộc về hình sự, đó là "các hành vi tình dục khác và yêu cầu thực hiện các hành vi này, các nỗ lực cơ thể mang tính tình dục, nhận xét có nội dung tình dục cũng như là việc cho xem và treo các hình ảnh khiêu dâm mà bị người có liên can từ chối một cách có thể nhận thấy được." (Điều 2, khoảng 2, câu 2).

Và tất nhiên, Việt Nam không cần ban hành quy định này bởi chúng ta tự tin quan hệ sếp và nhân viên hài hòa, như người nhà, mỗi người lao động đều có thể tự điều chỉnh được mối quan hệ này theo nhu cầu và khả năng của mình. Trên thực tế, rất nhiều người lao động đã xem lãnh đạo của mình như người nhà nên sẵn sàng làm nhiều việc cho sếp mà không quản trong hay ngoài giờ như đi thi hộ, phục vụ đám ma, đám cưới của gia đình trong giờ làm việc hay dẫn sếp đi giải khuây, tìm niềm vui ngoài giờ...

Đấy là chưa kể đến việc khi lãnh đạo và nhân viên có sự giao lưu ngoài giờ về cả công việc lẫn cuộc sống sẽ tạo ra những sự hiểu biết nhất định về nhau, từ đó dễ dàng trao đổi và làm việc với nhau hơn.

Quan trọng hơn, chúng ta đã có những quy định rất cụ thể về phạt quấy rối tình dục nơi công sở. Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng, đây có thể xem là mức phạt khá nặng so với thu nhập trung bình của người Việt Nam vì vậy nó có được tính răn đe cao.

Với việc hướng tới có những hình phạt rõ ràng và nghiêm khắc đối với hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam, tôi cho răng việc ban hành quy định như ở Đức là không cần thiết, và nước ta hoàn toàn không cần một quy định như thế.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn