Hàng dạt đội lốt hàng "quê" xuống phố

09:30, Chủ nhật 19/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Tâm lý "sính" hàng quê, hàng "đảm bảo" của các bà nội trợ đã tạo điều kiện cho tiểu thương, dân buôn hàng rong trà trộn hàng chợ, hàng Trung Quốc để kiếm lời.

Gần đây, dạo qua các con phố lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, người đi đường dễ dàng bắt gặp những chiếc xe thồ chở đầy măng khô, miến, nấm hương, hành khô, tỏi... bán rong và luôn được người bán giới thiệu là đặc sản quê chính hiệu.

Phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) dài chưa đầy 1 km nhưng ở đây có tới hàng chục hàng bán rong rao bán đặc sản quê. Ghé vào một hàng miến, người bán tên Tân giới thiệu: “Đặc sản miến dong quê anh ở Bắc Kạn đấy, ngon lắm. Khi nấu, sợi miến dai chứ không giống sợi miến ngoài chợ đâu. Miến đảm bảo không có chất tẩy trắng nhé”.

khoai tây, hàng trung quốc

Mặt hàng khoai tây cũng được người bán giới thiệu là hàng người nhà tự trồng chứ không phải hàng Trung Quốc

“Trước anh làm thợ phụ hồ, nay gần Tết lại hết việc nên bảo người nhà ở quê chuyển miến xuống đây bán. Giá mỗi cân 35.000 đồng, chỉ bằng giá bán buôn vì nhà tự làm được”, chủ hàng tên Tân quảng cáo.

Ở một hàng khác, chị chủ tên Mai cũng giới thiệu loại khoai tây đang bán là do người nhà ở quê chị trồng được nên củ không đều nhau, lại sần sùi tróc vỏ, không bóng đẹp như khoai Trung Quốc. Giá bán 27.000 đồng/kg. “Khoai tây nhà chị toàn người quen mua thôi nên em cứ mua về ăn thử. Ngày nào chị cũng bán ở phố này”.

Những người bán hàng bán rong cho rằng hàng đặc sản quê khá hút khách, nhiều khi chỉ đứng bán đến 3-4 giờ chiều là hết hàng.

Tuy nhiên, người mua cần hết sức cẩn thận kẻo mua phải hàng chợ.

miến dong, đặc sản,hàng quê

Đặc sản miến dong được bán tràn lan ở khắp các ngõ phố

Tại chợ đầu mối Long Biên, chủ một cửa hàng chuyên bán sỉ khoai tây thoăn thoắt phân loại: khoai tây loại một là những củ đều, nhẵn; loại hai toàn củ sần sùi to nhỏ lẫn lộn. Bà chủ tiết lộ, khoai tây loại hai thường có giá rẻ hơn loại một rất nhiều nhưng bây giờ thì giá bằng nhau. Phân ra như thế này chỉ để các mối lấy buôn dễ chọn lựa hơn. Khoai vào nhà hàng, quán ăn sẽ là loại một, còn khoai đi bán rong sẽ là loại hai.

“Người bán rong thích chọn loại hai vì loại khoai tây Trung Quốc này toàn củ sần sùi, tróc vỏ... nhìn rất giống với khoai tây của ta”, chủ hàng này nói.

Tương tự, một người bán rong cũng lấy đầy hai sọt hàng tại các kios chuyên bán hành khô, tỏi Trung Quốc ở chợ Long Biên rồi đạp xe đi thồ một mạch về phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) để bán. Đẩy xe chưa được chục mét, khi có khách hỏi mua, chủ hàng ngay lập tức đon đả: “Hành khô lấy tận gốc ở Hải Dương, giá 60.000 đồng/cân. Quê chị ở đó nên chị đảm bảo”.

Với những khách hàng khác, người bán rong này cũng giới thiệu tương tự và không quên chêm một câu “Ở chợ toàn hành, tỏi Trung Quốc đội lốt hành ta thôi”. Nhờ đó, chỉ trong chốc lát, xe hàng đã với đi nhanh chóng.

Dịp cận Tết là cơ hội để những mặt hàng đặc sản quê như măng khô, miến, tỏi, hành... được bàn tràn lan trên đường phố, thậm chí còn len tận vào các ngõ để rao bán, với mức giá không khác mấy so với ngoài chợ.

Chị Đinh Ngọc Lan ở ngõ 176 Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng tưởng đặc sản thật nên đã mua vào thứ. Nhưng tuần trước, đứa em gái bảo khi nấu thử loại miến dong đặc sản Cao Bằng bán rong, sợi miến nát ngay”, chị Lan nói.

Không chỉ có rau củ, tình trạng hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt cũng diễn ra phổ biến. Cam, quýt được nhập từ Trung Quốc sẽ được người bán hàng tại chợ khẳng định là hàng Việt, lấy từ Hà Giang, Vinh... Các loại hoa quả như xoài, táo, dưa... cũng được giới thiệu lấy từ Bắc Giang, Hà Giang, hay hàng miền Nam chuyển ra.

hàng chợ, rau củ quả

Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Song, khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành... hàng Việt!

Theo tiết lộ của một người bán hàng vì bây giờ người tiêu dùng không chuộng các mặt hàng kém chất lượng, mà thời gian qua, hàng Trung Quốc luôn bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc. Do đó, họ mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá. Thực tế, các chủ cửa hàng tại các chợ lấy hàng rẻ. Song khi được "gắn" mác Việt Nam, họ sẽ bán với giá cao hơn gấp hai, ba lần.

Tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Và nếu không có giải pháp hữu hiệu thì uy tín của hàng Việt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay ở các địa phương là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt chỉ được phát hiện sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao kết hợp lời khai của các đối tượng vận chuyển. Còn khi đã lưu thông ra thị trường thì rất khó kiểm soát. Trong khi đó, con số hàng hoá giả mạo hàng Việt phát hiện được cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng hàng hoá không được kiểm soát về chất lượng đang trôi nổi trên thị trường hiện nay.

Vì thế, mỗi người tiêu dùng nên tỉnh táo khi mua hàng để tránh tình trạng mua hàng nhái, giá cao, không đảm bảo chất lượng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link