Thời gian gần đây, một hoạt những hình ảnh hot girl Bella vừa ôm con vừa hút thuốc, bỏ mặc con nhỏ mới được 1 tháng tuổi nằm chỏng chơ ở bàn,… đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ phẫn nộ.
Qua những hành động bất thường đó của Bella đối với con trai nhỏ, không ít người đặt ra câu hỏi: Hành vi xâm hại con nhỏ của Bella sẽ bị xử phạt như thế nào? Cần làm gì để giúp con trai Bella?
Cộng đồng phải cùng lên tiếng nếu em bé bị lạm dụng
Trao đổi với báo Trí thức trẻ, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, "Theo tôi, với vụ việc này thì thứ nhất những người thân của cô Bella Đoàn hãy lên tiếng, hoặc bằng tình cảm thuyết phục cô ấy là đã có con thì nuôi con phải như thế nào, phải về nhà với người thân để người thân giúp đỡ, chăm sóc. Ngay cả người mẹ cũng đang còn yếu, con cũng yếu, thì được sự chăm sóc của người thân là tốt nhất".
"Thứ hai là cộng đồng tiếp xúc với cô Bella khi phát hiện những hành vi nguy hại đến cháu bé, chẳng hạn như trong clip cô Bella hút thuốc lá phì phèo bên cạnh bé, thì anh bảo vệ hoặc người nào đó báo cho công an. Khi đó, biên bản về việc vi phạm của Bella về việc hút thuốc lá ở nơi cấm, trước mặt trẻ em dù đó là con cô mới được lập ra. Tiếp theo, nếu thấy cô ấy đặt con ở những chỗ nguy hiểm, không an toàn cho bé thì phải gọi điện, làm chứng để ký đơn, gửi đến UBND xã, phường sở tại. Từ đó, dần dần, nhiều lần vi phạm và có biên bản thì lúc ấy cơ quan chức năng mới có cơ sở để bàn bạc, thảo luận, đưa ra giải pháp tốt nhất cho cháu bé".
Theo bà Hồng: "Chúng ta không nói là "bó tay" nhưng không được làm điều gì mà pháp luật không cho phép, chúng ta phải thận trọng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có đường dây nóng bảo vệ trẻ em 18001567, nếu ai nhìn thấy thì báo cho đường dây, họ sẽ ghi lại và báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, xã phường gần nhất. Khi nhiều người báo, lên tiếng, xử phạt nhiều lần, UBND xã phường lên tiếng hoặc cơ sở y tế chứng minh được bệnh tật thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để xác định. Khi cộng đồng đều lên tiếng thì chúng ta sẽ có biện pháp xử lý trường hợp cô Bella", bà Ninh Thị Hồng nhận định.
Về việc cộng đồng đăng tải những thông tin về Bella, Bà Hồng cho rằng cần cân nhắc vì một số người muốn nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi bằng hành động kỳ quặc để mọi người quan tâm, thể hiện là mình khác người. Nếu mọi người quan tâm quá thì đánh đúng vào mục đích của người đó sẽ trở thành tác hại.
Các cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em không phải là lúng túng trong vụ việc Bella mà trách nhiệm không quy định rõ ràng, nếu xử lý cũng được, và không xử lý thì không sao. Còn nếu gửi đơn đến đơn vị rồi mà không xử lý thì là sai.
Vụ việc này có nhiều đơn vị có thể xử lý, can thiệp được, như UBND xã phường, Công an phường, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, hội Phụ nữ, hội Bảo vệ quyền trẻ em… nhiều người xử lý được dễ dẫn đến không ai xử lý, trách nhiệm bị đá qua lại.
"Với trường hợp Bella, những người tiếp xúc với mẹ và con thì khi nào có trường hợp mang tính nguy cơ như hút thuốc lá trước mặt con thì phải báo cho công an ngay đó để họ lập biên bản, có căn cứ để xử lý.
Nếu không thì những clip, thông tin chỉ là những phản ánh, trao đổi, cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ để xử lý", Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, bày tỏ.
Bella đã có hành vi xâm hại trẻ em đối với con trai chỉ mới 2 tháng tuổi
Thông tin trên báo Thời đại, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hàng loạt những hành vi bất thường, Bella đã có hành vi xâm hại trẻ em theo quy định của Luật trẻ em 2016.
"Điều 4 Luật này quy định như sau: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác", luật sư Giang Thanh nêu dẫn chứng.
Cũng theo luật sư Giang Thanh, đó là chưa kể đến những nguy cơ gây mất an toàn đối với cháu bé khi sống cùng một người có nhiều hành vi bất thường như Bella. Đối với hành vi xâm hại trẻ em, Luật trẻ em 2016 quy định cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ trẻ em theo cấp độ can thiệp.
"Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt".
Cần cách ly Bella khỏi con trai, bố trí người chăm sóc thay thế
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, trong trường hợp của Bella, những biện pháp của cấp độ can thiệp cần phải áp dụng ngay là "Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em" (Điểm b Khoản 2 Điều 50) và "Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này" (Điểm c Khoản 2 Điều 50).
Bên cạnh đó, Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 cũng quy định: "Tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.
Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em".
"Sau khi cách ly cháu bé khỏi Bella, cơ quan chức năng có thể giao cháu cho cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế hoặc giao cho cơ sở trợ giúp xã hội.
Thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thuộc về Chủ tịch UBND xã, phường nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi xâm hại. Với mức độ xâm hại ngày càng nghiêm trọng mà Bella dành cho con trai mình, có thể khẳng định rằng sự chậm trễ trong vấn đề giải quyết sự việc này kéo dài bao nhiêu, thì an toàn đối với cháu bé mong manh bấy nhiêu", luật sư Giang Hồng Thanh nói thêm.
Bella có thể bị tước quyền nuôi con
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết trong trường hợp này, Bella đã vi phạm nghiêm trọng về quyền của trẻ em theo Luật trẻ em 2016.
Người mẹ này có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí còn bị tước cả quyền nuôi con nếu tiếp tục có những hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con nhỏ.
Cụ thể, luật sư Ngọc Nữ cho biết theo Điều 14 – Quyền được chăm sóc sức khỏe và điều 98 – Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của Luật trẻ em 2016 quy định:
1. Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.
2. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi.
4. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh cho trẻ em.
Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 7 của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cũng quy định rõ mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra đều có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Căn cứ vào các điều khoản này, có thể thấy người mẹ đã vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em về việc được chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ. Dù biết khói thuốc lá rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhưng người mẹ vẫn ngang nhiên hút thuốc rồi phả khói thuốc vào mặt con.
Theo quy định của Luật trẻ em 2016, người mẹ phải bị xử lý phạt hành chính về hành vi của mình. Nghiêm khắc hơn, trong trường hợp người mẹ không đủ khả năng để chăm sóc con cái mình một cách tốt nhất thì đứa bé sẽ có người chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là quyền nuôi dưỡng đứa bé của người mẹ sẽ bị tước đoạt.