Rau muống rất bổ dưỡng bởi nó chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, tốt cho người mắc bệnh thiếu máu, loãng xương, huyết áp thấp và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn món này.
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không phải ai ăn nhiều rau muống cũng tốt.
Những người suy thận
Những người mắc chứng viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, suy thận không nên ăn rau muống. Bởi rau muống chứa hàm lượng muối khoáng cao, canxi, Kali cao, không tốt cho người suy thận.
Người đau xương khớp
Rau muống là thực phẩm nên kiêng kỵ với người đau xương khớp, bị viêm đau vì sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức. Theo Đông Y, rau muống có tính phong, không tốt cho người đau, nhức mỏi xương khớp.
Người bị tiêu chảy
Vì rau muống thường được trồng, thả ở những nơi ao hồ nên rau muống thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Bởi thế, những người mắc các bệnh đường ruột, tiêu chảy ăn vào rất dễ nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy kéo dài.
Người hay bị ngộ độc
Rau muống là loại rau nằm trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính..
Ăn rau muống sao cho an toàn
Muốn ăn rau muống an toàn và đảm bảo sức khỏe cần phải biết cách rửa sạch rau: Ngâm nước khoảng 15 phút để làm sạch đất cát bám trong rau. Rửa thật kỹ và ít nhất 3 lần từng ngọn rau. Sau đó tiến hành ngâm nước muối độ nửa giờ để tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ thuốc trừ sâu.
Nếu thấy các công đoạn rắc rối, các bà nội trợ có thể rửa nhiều rau cùng một lúc. Sau đó chờ khô cho vào tủ lạnh ăn dần vài ngày. Ngoài ra để lâu cũng phân hủy bớt các chất có hại có trong rau.