Hoàng đế băng hà, kết cục của dàn hậu cung 3000 giai lệ sẽ ra sao?

22:35, Thứ bảy 13/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Dưới thời phong kiến Trung Quốc, Hoàng đế là người có quyền lực cao nhất. Phi tần xung quanh có hàng ngàn người. Vậy sau khi Hoàng đế qua đời, số phận của những con người ấy ra sao?

Trở thành Hoàng Thái hậu

Kết cục tốt đẹp nhất của phi tần hậu cung có lẽ là được sắc phong thành Hoàng Thái hậu. Phi tần nào sinh ra được người kế thừa ngôi vị cho tân đế có khả năng cao sẽ được tôn làm Hoàng Thái hậu, hưởng đủ loại vinh hoa, được tân đế kinh trọng.

Hoàng Thái hậu cũng không nhất thiết phải là mẹ ruột của Hoàng đế đương nhiệm. Chức vị trước đó của nàng có thể là Hoàng hậu hoặc là vị phi tần được tiên đế sủng ái nhất hoặc là Hoàng đế đương nhiệm trọng vọng.

Xuất cung về quê

Với phi tần không trở thành Thái hậu, có một cách giải quyết rất nhân đạo khác là để họ xuất cung trở về nhà. Đây là điều mà hầu như phi tần nào cũng mong muốn.

Mục đích của họ khi vào cung là để phục vụ Hoàng đế, nay Hoàng đế băng hà, bản thân cũng không được chức vị cao vậy thì buông bỏ để trở về gia đình của mình. Thời ấy, phụ nữ bước vào cung cấm là gần như không còn đường ra. Vậy nên nếu được Hoàng đế đương nhiệm ban cho đặc ân cho về quê thì hầu như ai cũng trân trọng và chớp lấy thời cơ.

Tiếp tục ở lại hậu cung

Các phi tần của Hoàng đế băng hà cũng có thể được giữ lại hậu cung và không thuộc về ai. Đây là một sự tôn trọng của tân đế đối với “vật sở hữu” của tiên đế.

Các phi tần của tiên đế sẽ có cuộc sống an nhàn, không huy hoàng, không được sủng ái nhưng cũng yên ổn, sống trong những tháng ngày êm ả. Họ sống âm thầm bên một góc hậu cung, tính lặng tận hưởng nửa đời còn lại.

Tất nhiên, điều này đối với những phi tần khát khao quyền lực lại như một loại cầm tù.

Đi thủ lăng cho tiên đế

Sau khi Hoàng đế qua đời, các phi tần có thể được phái đi sống quanh khu vực lăng mộ. Không ai mong muốn cuộc đời mình gắn liền với nơi yên nghỉ của người chết. Nhưng đây là mệnh lệnh của tân đế nên chỉ có cách tuân theo.

Họ buộc phải rời bỏ xung điện đã quen thuộc để đến nơi u ám, lạnh lẽo gần mộ phần. Cuộc sống thường ngày của họ trở nên khắc nghiệt và cô quạnh, khác hẳn cuộc sống nguy nga trước kia. Phong tục này có thể nói là rất nhẫn tâm, cướp đi tự do và hy vọng của nhiều người phụ nữ.

Trở thành phi tử của tân đế

Tân đế có thể nạp các phi tần của tiên đế vào hậu cung của mình. Điều này gây ra sự tranh cãi về mặt luân lý nhưng trong trò chơi quyền lực ở thời phong kiến, địa vị của người phụ nữ thấp kém vô cùng. Họ chỉ giống như những món đồ. Nếu được tân đế ưng ý thì tiếp tục làm phi tần trong hậu cung của ngài, còn lại thì tiếp nhận cách giải quyết khác.

Tuẫn táng

Bi thảm nhất là phi tần trở thành vật bồi táng. Họ bị ép phải chết cùng Hoàng đế và được chôn cất cùng một lăng tẩm, để đồng hành cùng ngài sang thế giới bên kia.

Trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến ở Trung Quốc, có vô vàn người phụ nữ trở thành nạn nhân của chế độ tuẫn táng này, vùi mình dưới hầm mộ trong tức tưởi.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy
Từ khóa: phi tần hoàng đế