Hoàng tử nào nhà Trần quy hàng giặc Nguyên, nuôi tham vọng soán ngôi vua?

( PHUNUTODAY ) - Một trong số những người con của vua Trần Thái Tông từng quy hàng trước giặc Nguyên Mông, đó là ai?

Trần Thái Tông (tên khai sinh là Trần Cảnh) - vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần. Ông giữ ngôi từ ngày 10/1/1226 tới ngày 30/3/1258, sau đó làm Thái Thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277. Ông có tổng cộng 14 người con (10 hoàng tử, 4 công chúa). Một số người con của ông vang danh sử sách như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Thánh Tông, Trần Quang Xưởng...

nha-tran

Trần Thái Tông là vị vua duy nhất trong sử Việt được vợ nhường ngôi

Trần Thái Tông, tên huý là Trần Cảnh, là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê. Năm 8 tuổi, Trần Cảnh được chú là Trần Thủ Độ đưa vào hầu trong cung, sau khi Chiêu Thánh công chúa của nhà Lý được lập thành nữ vương (Lý Chiêu Hoàng), trong giai đoạn vương triều nhà Lý đã suy vong cùng cực.

Vì cùng tuổi, Lý Chiêu Hoàng thích chơi đùa, trò chuyện với Trần Cảnh. Trần Thủ Độ cùng chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung đã sắp xếp cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Đến năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng, mở ra trang sử đầu tiên của triều đại nhà Trần.

Trần Thái Tông khi tại vị nhiều lần cầm quân đánh giặc Man phương Bắc, đánh chiếm Chiêm Thành phía nam, chỉ huy quân đội nhà Trần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Vua cũng ban hành nhiều chính sách về kinh tế, giáo dục, văn hoá để củng cố nền cai trị của nhà Trần.

Sau 33 năm trị vì, mùa xuân năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con trai, lên làm Thượng hoàng. Ông mất năm 1277, thọ 58 tuổi.

Khi quân Nguyên Mông tiến vào nước ra, vua Trần Thái Tông gả công chúa nào cho Thoát Hoan để cầu thân?

An Tư công chúa hay còn gọi Thiên Tư công chúa, là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược. Năm 1285, Hốt Tất Liệt phong con trai Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, dẫn đại quân tiến vào xâm lược nước ta. Giai đoạn đầu, với sức mạnh vượt trội, quân Nguyên giành thế áp đảo trên chiến trường. Trong tình thế nguy cấp, An Tư công chúa tự nguyện kết hôn với Thoát Hoan, tạo điều kiện cho vua tôi nhà Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Một số sách ghi chép rằng bà đã làm nhiệm vụ mật báo nhiều tin tức quan trọng, là một "điệp viên cao cấp" của nhà Trần. Chiến thắng quân Nguyên, triều Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Ích Tắc (1254-1329) là hoàng tử thứ năm, con vua Trần Thái Tông. Ông là em cùng cha khác mẹ với Trần Thánh Tông. Ích Tắc được đánh giá là "thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời". Ông cũng có nhiều tài lẻ như đá cầu, đánh cờ... Đến 15 tuổi, Ích Tắc đã thông kinh sử và các thuật. Tháng 5/1267, Ích Tắc được Trần Thánh Tông khi ấy đã làm vua, phong làm Chiêu Quốc Vương. Phủ đệ của ông được người đương thời đánh giá là hào hoa phong nhã bậc nhất kinh thành, dù không hẳn rộng nhất. Tuy nhiên đến năm 1285, khi Thoát Hoan kéo quân xâm lược nước tai, Trần Ích Tắc được cử làm đại tướng cầm quân lên trấn giữ miền Đà Giang, nhân cơ hội đó, đưa cả vợ con chạy sang hàng giặc và cũng được vua Nguyên phong cho làm An Nam quốc vương.

vua4

Sách Đại Việt sử ký viết: "15 tuổi, Ích Tắc thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích với Thánh Tông và Nhân Tông. Ích Tắc từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống Nam". Bởi lòng tham vọng ấy, trong lần quân Nguyên Mông đánh chiếm nước Đại Việt lần hai, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem gia thuộc đầu hàng và được cải phong làm An Nam quốc vương.

Sau khi dẹp xong giặc Nguyên Mông, thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã tổ chức định công và xét tội các quân sĩ. Với những kẻ đầu hàng nhà Nguyên từ kháng chiến lần hai, dù bản thân ở với giặc cũng bị kết án vắng mặt. Những người này hoặc xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Tuy nhiên, với trường hợp Ích Tắc, "vì là chỗ thân tình cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên khỏi tộc phả, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy", sách Đại Việt sử ký ghi lại.

Sau khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần Ích Tắc ở lại Trung Quốc sinh sống, được giao một chức quan. Sách Đại Việt sử ký ghi, năm 1292, một người là Nguyễn Đại Phạp đến nước Nguyên, tới đất Ngọc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào yết kiến các quan bình chương ở hành tỉnh.  "Lúc ấy Chiêu Quốc Vương Ích Tắc cũng ngồi ở đó. Đại Phạp chỉ không chào một mình hắn. Ích Tắc hỏi: Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương (con thứ của Trần Thái Tông, anh cùng mẹ với Ích Tắc) đó ư? Đại Phạp trả lời: Việc đời đổi thay, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc. Ích Tắc có vẻ hổ thẹn. Từ đấy về sau, sứ ta đến, hắn không còn ngồi ở tỉnh đường nữa", theo Đại Việt sử ký. Sống đời còn lại ở phương Bắc, năm 1329, Ích Tắc chết, thọ 75 tuổi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn