Học loài cây chữa lành những vết thương, bạn sẽ biết cách tự chữa lành, biến nỗi đau trở thành tài sản

13:21, Thứ ba 09/07/2024

( PHUNUTODAY ) - Mỗi khi cây cổ thụ bị vết thương chúng sẽ huy động mọi "lực lượng" tự chữa lành và đôi khi từ những vết thương ấy sản sinh ra thứ gỗ quý giá.

Những vết sẹo chứng tỏ sức mạnh của hàng cây

Ngày bé, đứng ở cửa nhà, tôi có thể nhìn rất rõ hàng cây chạy dọc bờ sông. Nhà thầu trồng cây lấy gỗ còn người qua đường được hưởng bỏng mát. Bên cạnh dòng sông là cánh đồng mênh mông. Mùa gặt, những gốc cây trở thành nơi trú ẩn, xua bớt cái nắng nồng ngột thở của bao người nông dân. Vậy mà người ta vẫn vô tư chém phập cái liềm, con dao, chiếc quốc vào thân cây, mỗi khi họ lên đứng nghỉ. Có lẽ vì hàng cây im lặng nên chẳng ai thấu hiểu cơn đau đang cuồn cuộn trong từng thớ gỗ. Có lẽ vì những vết dao chém không làm hàng cây cổ thụ ấy chết đi nên chẳng ai thấy áy náy. Có những ngày bỏng rát, nhiều người say nắng đã nhanh chóng được đưa vào nằm dưới gốc cây ấy và nhờ bóng của tàng cây mà người ta tỉnh lại. Nhưng sau đó, họ vẫn vô tư bập cái liềm trên tay vào thân cây. Và điều đó khiến thân cây xù xì, xấu xí.

Tôi ghét nhìn những thân cây nhằng nhịt vết chém. Một vài chỗ lồi ra tạp thành những chiếc bướu khiến thân cây không thể thẳng nữa. Nhưng mẹ tôi lại bảo những vết sẹo lồi chứng tỏ sức mạnh của hàng cây, những vòng gỗ quanh chỗ lồi ấy đều có giá hơn chỗ bình thường. Lúc ấy còn bé, tôi chẳng hiểu rõ về lời mẹ nói, cũng chẳng hỏi lại. Mặc dù ghét hành động chém vào cây tạo ra những phần bướu ở hàng cây cổ thụ trước nhà nhưng tôi lại mê mẩn trò chơi đi tìm cục nhựa chảy ra từ những vết thương trên thân cây chuối, cây đào, cây bưởi, cây chanh…

Khi bị vết thương loài cây tự

Khi bị vết thương loài cây tự "chữa lành" tạo ra những nu gỗ quý giá

Cách chữa lành của loài cây

Cây chanh, bưởi, đào khi bị thương sẽ rỉ ra chất nhựa, trong trong và dần keo dẻo lại như ngọc. Nhưng không phải bị chém, chỉ cần côn trùng đục thì cây chuối, cây đào, cây bưởi cũng đã ri rỉ ra thứ nhựa ấy. Nhựa cây chanh, cây bưởi còn có mùi thơm thơm. Qua đêm, giọt nhựa bám ở thân cây keo quánh lại, dẻo quẹo như kiểu kẹo chíp chíp thời bây giờ. Bọn trẻ chúng tôi thường bứt những cục nhựa ấy về để nặn thành những viên bi tròn, nhỏ xinh và tôi gọi đó là ngọc. Đặt viên ngọc dưới ánh nắng, có thể thấy chúng tỏa sang. Nhựa của thân cây khi mới chảy ra có màu trong trong, càng về sau càng ngả sang màu vàng, hổ phách và càng dẻo hơn.

Có những ngày, chúng tôi lần tìm hết vườn mà chẳng có chùm ngọc nào vì đám côn trùng bỗng dưng bao dung tha cho các cây. Thế là bằng sự tinh quái của mình, tôi cầm gai châm vào thân chuối để nó chảy nhựa cho mình chơi. Lúc ấy, tôi cũng không nghĩ rằng thân cây đang đau, tôi cũng thờ ơ, nông cạn như những người nông dân trú nắng dưới hàng cây cổ thụ kia. Có lần mẹ nhìn tôi bứt chuỗi nhựa trên cây về chơi, bà bảo “Ở những vết thương ấy con có thấy gì không?”. Tôi lắc đầu thì bà bảo: “Có những vết thương tạo ra ngọc, có những vết thương chỉ tạo ra một vết sẹo hoằn sâu. Người tạo ra vết thương cho ta thì đó là nợ nghiệp của người, ta phản ứng với cơn đau cách nào thì đó là thước đo giá trị của đời ta…”. Lúc ấy tôi cũng không quan tâm tới lời mẹ nói, vì ý nghĩa của nó quá sâu.

Hàng cây còn biết tự chữa lành

Hàng cây còn biết tự chữa lành

Những nu gỗ quý giá nhờ vết thương ở cây

Rồi mẹ về cõi xa xăm, tôi bị cuốn vào cuộc va đập giữa cõi nhân gian để lớn lên. Vui cười có. Ngậm ngùi có. Cay đắng có. Gian khổ có. Hàng cây trước nhà tôi đã được đốn sạch, dòng sông trước nhà cũng được lấp để mọc lên những ngôi nhà cao tầng. Tôi cũng chẳng còn thời gian để đứng ở cửa ngắm nhìn hàng cây. Tôi cũng chẳng còn thời gian để tìm ngọc trên những thân cây nhỏ trong vườn. Đám trẻ con bây giờ có đủ thứ đồ chơi hiện đại nên chẳng còn đi tìm nhựa ở thân cây nữa. Thời gian như thoi đưa. Những viên ngọc chìm sâu trong ký ức cùng với những lời mẹ nói.

Hôm nay, giữa bao nhiêu mệt mỏi và cả ê chề, nhục nhã, tôi chỉ muốn được nhắm mắt lại, ngủ một giấc dài mãi mãi, để thấy vết thương lòng mình không quặn thắt, bóp nghẹt hơi thở của tôi. Có những cơn đau tưởng như chỉ có thể chết mới nguôi ngoai. Tôi đặt chân xuống lòng đường, mặc tiếng còi xe inh ỏi và ánh đèn pha chói lóa. Giá như có thể chấm hết cõi trần như thế. Tôi đã nghĩ thế và bước xuống đường. Trong cơ thể tôi chịu quá nhiều vết thương dày xéo vì bị phản bội, vì thất bại, vì bị tổn thương bởi chính người thân của mình. 

Cho tới khi tôi tỉnh lại, trong một ngôi nhà xa lạ. Một người đàn ông trung tuổi bước vào “Sao cháu lại đi ở đường vào giờ cao điểm, lúc tâm trạng bất ổn, nguy hiểm thế. Dù gì cũng không được từ bỏ cuộc sống này, cháu gái ạ…”. Tôi cứ im lặng để ông nói. Ông nói đủ thứ, cho tới khi tôi nhìn thấy con rùa gỗ trên bộ bàn gỗ cũng bằng gỗ ở phòng khách:

À, cháu có biết con rùa này làm từ gì. Từ Nu gỗ đấy.

Nu là phần bướu lồi ra ở thân cây, sau khi cây bị thương. Khi bị thương, toàn thân cây tốc lực dồn dinh dưỡng chữa lành vết thương nên tạo ra những nu gỗ. Nu gỗ không bao giờ bị mối mọt như phần thân gỗ bình thường, đường vân cũng đẹp hơn. Chính vì thế nu gỗ rất quý….

Bỗng dưng hình ảnh hàng cây bên sông và những chuỗi ngọc trên thân cây chuối, cây bưởi của ký ức hiện về. Hình ảnh mẹ cũng trở về. Lúc này tôi mới hiểu ý nghĩa lời mẹ nói ngày ấy. Mỗi loại cây khác nhau có cơ chế tự chữa thương khác nhau nên có thể hình thành nu to, nu nhỏ, hoặc không. Và chúng ta cũng thế, mỗi người phản ứng với cơn đau một cách khác nhau nên số phận cũng khác nhau.

Tôi ngắm nhìn thật kỹ con rùa gỗ trên bàn của người đàn ông xa lạ, rồi mỉm cười và nhận chén trà từ ông. Ngày mai sẽ là một ngày tươi đẹp không phải cơ thể tôi lành lạnh mà bởi tôi sẽ mạnh mẽ chữa lành vết thương mà người đã gây ra cho tôi. Vết thương người đã tạo ra rồi, còn chữa lành vết thương là cách của tôi!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên