Gia đình ông Nguyễn Văn Cẩn (60 tuổi) hiện sống trong căn nhà nhỏ nằm sát bờ biển thuộc xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lão ngư phủ có gương mặt phúc hậu, làn da sạm đen vì nắng gió. Cách đây 40 năm, ông là một trong 2 người lính cắm cờ giải phóng đầu tiên ở Sài Gòn.
Được hỏi chuyện, ông Cẩn hồ hởi đưa ra nhiều bức ảnh đã ố màu thời gian, và rất tự hào kể lại về gia đình, quá trình nhập ngũ, chiến đấu, cũng như giờ phút ông cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trong ngày 30/4.
Ông Cẩn kể lại nhiệm vụ lịch sử của mình. Ảnh: Khắc Thành.
Sống trong lòng Trại Davis
Năm 1940, chiến tranh Pháp - Nhật nổ ra. Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lai và Đặng Thị Kính đưa con từ Nam Định chạy nạn vào huyện Dầu Tiếng (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Sau đó, họ cùng nhiều người Việt Nam khác sang Campuchia trồng cao su.
Vợ chồng cụ Lai sinh được 10 người con, đặt tên là Tin, Cậy, Vững, Vàng, Chắc, Chắn, Cẩn, Thận, Đôn, Hạnh. Ông Cẩn là con thứ 7 trong gia đình, sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia.
Năm 1970, Lon Nol với sự hậu thuẫn của Mỹ đã lật đổ chính quyền của nhà vua Sihanouk, lập ra nhà nước Cộng hòa Khmer. Chính quyền Lon Nol thi hành nhiều chính sách cực đoan với người Việt sinh sống ở đây.
Một ngày tháng 4/1970, binh lính Cộng hòa Khmer xông vào ngôi làng người Việt, nơi gia đình ông Cẩn sinh sống. Họ bắt trói người dân trong làng, đưa lên tàu chạy ra sông Mê Kông thả xuống nước. Nhưng may mắn, một tiểu đoàn đặc công thuộc Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (Bộ Tư lệnh Miền) phát hiện sự việc đã chặn đánh 2 con tàu, giải cứu hàng trăm người dân vô tội.
Sau khi được cứu sống, ông Cẩn cùng 6 anh chị em trong nhà tự nguyện gia nhập giải phóng quân. Năm 1972, ông được điều về Đoàn 25 công binh (thuộc Bộ Tư lệnh Miền) đóng quân tại Lộc Ninh (Bình Phước), nơi được coi là "thủ đô" của quân giải phóng tại miền Nam.
Đầu năm 1973, ở Lộc Ninh có phong trào đánh bóng chuyền, Cẩn đánh hay nên được Chính ủy Đoàn 25 công binh - Trần Bá Tòng nhận làm con nuôi. Tháng 4/1974, ông được cấp trên tin tưởng đưa vào đội bảo vệ phái đoàn trong Trại Davis.
Ông Cẩn nhớ lại: Trại Davis nằm lọt thỏm giữa Tân Sơn Nhất, xung quanh là các căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng hoà, có nhiều vũ khí hạng nặng. Quân giải phóng chỉ gồm mấy chục người, trang bị vài khẩu tiểu liên cùng súng ngắn.
Lực lượng chênh lệch, nếu quân đội Việt Nam Cộng hoà đánh úp, chắc đội bảo vệ không thể chống lại. Nhưng may mắn, hơn 2 năm Trại Davis tồn tại, thi thoảng có xảy ra xung đột giữa hai bên, nhưng tuyệt đối không bắn nhau.
Tuy nhiên, người lính trong trại phải đối mặt với nhiều chiêu trò gây áp lực tâm lý từ phía Việt Nam cộng hoà (VNCH). Ban ngày, lính dù của họ đi qua chửi bới bất kỳ người lính giải phóng nào được nhìn thấy. Đêm xuống, quân lực Việt Nam Cộng hoà lại cho người đến các vị trí quân giải phóng canh gác để chiêu hồi.
"Họ nói, chỉ cần bước chân qua cổng gác, về với quốc gia là sẽ được cấp nhà, cho tiền sống thoải mái và gái đẹp vây quanh. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai, lúc đó trong tâm trí luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc", ông Cẩn hồi tưởng.
Người lính già cho biết, tình hình ở Trại Davis trở nên căng thẳng vào chiều 28/4. Sau khi phi công Nguyễn Thành Trung ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, quân đội VNCH ở đây bắt đầu hỗn loạn và xả đạn tứ tung. Phía VNCH điều xe tăng cùng thiết giáp M113 cùng nhiều lính dù đến bao vây Trại Davis, sẵn sàng nổ súng.
Để đối phó với tình hình, phía quân giải phóng cho bắn pháo 130 mm từ Củ Chi vào xung quanh trại. Tuy nhiên, ở trên cũng có chủ trương bắn pháo phá hủy toàn bộ trại nếu quân đội VNCH xông vào. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, ông Cẩn cùng đồng đội được lệnh đào hầm chống pháo cho phái đoàn trú ẩn.
"Tuy nhiên, may mắn là từ đó đến khi giải phóng, phía ta vẫn bắn pháo, bên kia chỉ chĩa súng dọa chứ không tấn công. Chiều 29/4, hàng trăm trực thăng các loại gồm UH1, Chinook,... bay đến Tân Sơn Nhất, di tản người Mỹ và phía VNCH khỏi Việt Nam", ông Cẩn kể.
Nhiệm vụ lịch sử
Ánh mắt ông Cẩn hào hứng hẳn khi kể lại thời khắc huy hoàng và hiểm nguy của mình trong ngày 30/4: "Sáng đó, anh Mười Tài - chỉ huy lực lượng bảo vệ trại, tập trung anh em nói chuyện. Nội dung là 5 cánh quân đã tiến rất gần Sài Gòn, cấp trên yêu cầu Trại Davis phải cắm cờ giải phóng lên vị trí càng cao càng tốt. Mục đích để các cánh quân biết hướng tiến vào và không bắn nhầm vào quân mình.
Nói xong, anh Mười Tài đưa ra 3 lá cờ lớn và cử 6 người làm nhiệm vụ. Tôi cùng anh Phạm Văn Lãi - chiến sĩ đội chiếu phim, được phân thành cặp đi cắm cờ. Biết gần cổng chính có tháp nước cao tầm 20 m, tôi cùng anh Lãi cầm cờ chạy nhanh đến đó".
Ông Cẩn (người đứng dưới) cùng đồng đội cắm cờ giải phóng ở tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lúc ông Cẩn leo lên đỉnh tháp, nhìn xuống dưới thấy quân đội VNCH trong sân bay đang vứt vũ khí, cởi bỏ quân phục bỏ chạy tán loạn. Nhưng một số lính dù vẫn đứng lại, chĩa mũi súng đen ngòm vào 2 người lính giải phóng trên tháp nước.
"Họ nổ súng là chắc chắn tôi và anh Lãi không thể sống sót, bởi tháp rất cao và không có vật gì che chắn. Nhưng vì nhiệm vụ tối thượng nên 2 anh em không suy nghĩ gì mà tìm cách buộc thật chặt lá cờ", người lính già hồi tưởng.
9h30 ngày 30/4, lá cờ nửa đỏ nửa xanh của quân giải phóng lần đầu tiên tung bay trên bầu trời Sài Gòn, báo hiệu sự sụp đổ cận kề của chế độ VNCH.
Ông Cẩn cắm cờ xong thì nửa giờ sau, quân giải phóng cùng nhiều xe tăng xông vào trại. Những người lính ôm nhau tay bắt mặt mừng, có người khóc nức nở vì đất nước sắp thống nhất. Gặp nhau khoảng 5 phút, ông Cẩn phải ở lại bảo vệ trại, còn đoàn quân tiếp tục hướng về dinh Độc Lập. 11h30 hôm đó, chế độ VNCH chính thức sụp đổ.
Ông Lãi (áo đen) cùng ông Cẩn (ngoài cùng bên phải) gặp lại nhau sau gần 40 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau ngày giải phóng, ông Cẩn cùng mọi người trong trại được điều vào bảo vệ dinh Thống Nhất. Năm 1976, trong lần về thăm nhà, biết tin 3 anh Vàng, Chắc, Thận đã hy sinh, 3 đứa em còn nhỏ, cha mẹ già yếu, cảnh nhà hết sức khó khăn nên Cẩn xin xuất ngũ rồi xuống huyện miền biển Long Điền đi làm cho các chủ tàu đánh cá.
Năm 1979, ông Cẩn kết hôn với bà Đinh Thị Kim Nhung rồi sinh được 3 con. Để kiếm sống, ông thường xuyên đi biển, một năm chỉ ở nhà vài tháng. Vì thế, ông Cẩn không có thời gian liên lạc với đơn vị cũ và đồng đội cùng chiến đấu ngày xưa.
Dịp 30/4/2012, ông Cẩn về đất liền và tình cờ xem chương trình truyền hình về ông Lãi - người cùng cắm cờ với mình năm xưa. Sau chiến tranh, ông Lãi ở lại quân ngũ, rồi được điều về văn phòng Chính phủ.
"Sau khi xem chương trình, tôi đến Đài Phát thanh Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ họ liên lạc với ông Lãi. Gần 40 năm sau chiến tranh, 2 anh em mới gặp lại, ôm nhau khóc", ông Cẩn bùi ngùi.
Cũng trong năm 2012, ông Cẩn gom tiền đóng 2 tàu rồi thuê người đánh cá. Hiện ông không đi biển nhiều mà ở nhà quây quần bên con cháu. Kết thúc buổi nói chuyện, người lính già cười hiền: "Cuộc đời chú hạnh phúc nhất có lẽ là đã được cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc, cho sự nghiệp thống nhất đất nước".
Trại Davis nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất, vốn là căn cứ của Tổ viễn thám số 3 (quân lực Hoa Kỳ). Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nơi đây trở thành trụ sở của Ban liên hợp quân sự 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp thi hành những điều khoản về quân sự của hiệp định. Sau đó, phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ rút ra. Trong trại chỉ còn 2 phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một căn cứ của quân giải phóng tồn tại hợp pháp giữa đầu não của địch. |
Những bức ảnh chiến tranh Việt Nam đạt giải quốc tế danh giá (Xã hội) - (Phunutoday) - Những bức ảnh lột tả chân thực nhất sự thảm khốc của chiến tranh Việt Nam đã được thế giới ghi nhớ và trao nhiều giải thưởng danh giá. |