Sau khi con số trên được các phương tiện thông tin đăng tải, ông La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương cho biết, con số 15-20% còn "khiêm tốn". Nếu có đủ kinh phí, Viện sẽ làm quy mô lớn và đưa ra con số cao hơn.
Trả lời trên báo Khám phá, ông La Đức Cương cho rằng trong xã hội có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần mà gia đình không nhận thấy. Hơn nữa, tâm lý giấu bệnh tâm thần ở các gia đình vẫn rất phổ biến.
Theo BS Cương, những người bị rối loạn tâm thần đa số nhận thức về tinh thần còn hạn chế, ngủ hay thức giấc, chỉ cần trạng thái bình thường như bồn chồn khó chịu cũng là rối loạn tâm thần. Một vài tuần họ không điều chỉnh được, người tự nhiên thấy mệt là cũng có biểu hiện của rối loạn tâm thần. Hơn nữa, người đó có khả năng tư duy, biểu hiện cảm xúc bất thường cũng là rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, đối với người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Họ có những triệu chứng bất thường như chê trách người khác cũng là biểu hiện của rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện.
Ngoài trường hợp bị bệnh nhưng không biết, BS Đặng Thanh Vinh, Khoa 5, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, hiện nay nhiều gia đình giấu bệnh không muốn nói con em họ bị rối loạn tâm thần vì lo xã hội kỳ thị.
Trả lời trên báo Khám phá, ông La Đức Cương cho rằng trong xã hội có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần mà gia đình không nhận thấy. |
“Họ không nói con họ bị vì sợ không ai lấy, không xin được việc. Nhiều gia đình không đưa vào viện, tự điều trị ở nhà, trừ những trường hợp quá nặng và dễ nhận thấy. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ 1/5 dân Việt bị rối loạn tâm thần còn ít”, BS Đặng Thanh Vinh nói.
Nhất là trong điều kiện kinh tế suy tháo, xã hội tạo nhiều áp lực, tỷ lệ người bị tâm thần tăng cao hơn. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Các bạn trẻ, nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, họ có ý thức và nhu cầu thể hiện bản thân rất lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đạt được. Khi niềm tin bị sụp đổ, hy vọng nhiều rồi lại thất vọng ê chề, các bạn trẻ dần đánh mất sự mất cân bằng, gặp phải những tác động tiêu cực về tâm lý, dần dần phát triển thành bệnh…”
Bác sỹ Dũng cho biết: “Hầu hết, chỉ khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như trầm cảm, sống co mình, không giao tiếp, giận mình, giận đời, hoảng loạn, kích động, muốn hủy hoại cuộc sống bằng cách tự tử… thì gia đình mới phát hoảng và bắt đầu nghĩ đến khả năng con mình có vấn đề về thần kinh”
Vài năm trở lại đây, trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, bênh viện Bạch Mai khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi). Và tỷ lệ những sinh viêm mới tốt nghiệp gặp phải những sang chấn, khủng hoảng tâm lý do áp lực xin việc cũng ngày càng nhiều hơn.