Theo dự thảo Nghị định mới do Bộ Công an đề xuất, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng đang được đề xuất tăng mạnh. Nếu được thông qua, quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đồng thời góp phần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng.
Tại sao không được dùng điện thoại ở cây xăng?
Cây xăng là khu vực dễ xảy ra cháy nổ do có nhiều khí dễ bắt lửa. Việc sử dụng điện thoại hay mang các thiết bị phát sinh tia lửa điện vào khu vực này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến hỏa hoạn.
Chính vì vậy, theo Thông tư 15/2020/TT-BCT, tất cả các cửa hàng xăng dầu đều phải có biển cảnh báo cấm lửa, cấm sử dụng điện thoại di động được bố trí ở nơi dễ thấy. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người dân phớt lờ cảnh báo này.

Dự thảo mới đề xuất tăng mạnh mức phạtHiện tại, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi mang điện thoại vào cây xăng có thể bị phạt 100.000 - 300.000 đồng, còn hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Công an xây dựng, mức xử phạt được đề xuất tăng mạnh như sau:
- Phạt từ 3 - 5 triệu đồng: Đối với hành vi mang điện thoại di động, bật lửa, diêm hay các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt vào khu vực có biển cấm.
- Phạt từ 5 - 7 triệu đồng: Nếu sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy theo quy định.
- Phạt từ 10 - 15 triệu đồng: Với hành vi sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh nhiệt tại khu vực cấm hoặc hàn cắt không có biện pháp phòng cháy. Trường hợp gây ra cháy nổ, mức phạt có thể tăng gấp đôi.
Người dân cần làm gì khi vào cây xăng?Để đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt, người dân nên thực hiện các lưu ý sau:
Tắt điện thoại di động trước khi vào khu vực bơm xăng

- Không gọi, nhắn tin, chuyển khoản ngay tại khu vực bơm xăng.
- Nếu muốn thanh toán chuyển khoản, nên di chuyển ra khu vực thanh toán riêng biệt, theo hướng dẫn của nhân viên cây xăng.
- Mang theo tiền mặt khi đi đổ xăng để hạn chế sử dụng điện thoại trong khu vực nguy hiểm.
Trong thời đại số, điện thoại di động gần như là vật bất ly thân của mọi người. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể sử dụng nó một cách tùy tiện. Thói quen dùng điện thoại ngay cả khi đang đổ xăng, gọi điện, lướt mạng xã hội hay thực hiện chuyển khoản... tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính người dùng và những người xung quanh.
Do đó, việc đưa ra các mức phạt nghiêm khắc không chỉ mang tính răn đe mà còn giúp điều chỉnh hành vi của người dân, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước những tình huống có thể gây cháy nổ. Đặc biệt trong thời điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tại các cây xăng, kho chứa nhiên liệu lại càng cao hơn bao giờ hết.
Với quy định mới đang được đề xuất, mức xử phạt tăng lên sẽ là lời nhắc nhở mạnh mẽ để người dân nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng cho chính mình và cộng đồng.