Khối vàng hình ngẫu vật Linga

18:30, Thứ bảy 13/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Hàng đống của cải đã được đổ xuống sông La Ngà để chặn dòng, giảm bớt lưu lượng của thác Mai. Sau đó một “biệt đội” người nhái được huy động từ đảo Phú Quốc vào để tiếp cận khối vàng mang hình dáng ngẫu vật Linga và một ngai vàng nặng hàng tấn dưới lòng sông


Giấc mơ vàng khởi động

Sau khi được Chính phủ đồng ý và UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép, tháng 7/1994, ông Thái Nghiêm Trung - người đứng tên xin phép bắt tay ngay vào việc khởi động dự án. Việc đầu tiên là ông Trung thuê ngay một dàn cơ giới ủi thẳng một con đường dài gần hai cây số nối thác Mai với con lộ lởm chởm đá.

Sau đó, ông Trung có văn bản yêu cầu chính quyền địa phương cử lực lượng bảo vệ, hỗ trợ xung quanh kho báu 24 giờ/ngày, toàn bộ chi phí sẽ do ông ta chi trả. Trong thời điểm này, UBND huyện Tánh Linh nhận được thông tin cho rằng nghe có kho báu, huyện Hàm Thuận Bắc giáp ranh đang cho người đi đo đạc để xác định xem thác Mai nằm thuộc địa bàn huyện nào. Nghe đâu, lúc đó UBND huyện Tánh Linh lập tức cử một đoàn cán bộ địa chính đến thác Mai và sau khi xác định nằm trong địa giới hành chính của huyện mình liền tổ chức cắm mốc ngay.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh có quyết định thành lập lực lượng bảo vệ và hỗ trợ cho dự án kho báu La Ngâu do ông Cáp Xuân Biên, lúc đó là Trưởng phòng Tư pháp huyện làm Trưởng đoàn. Đoàn này gồm đại diện Công an, Quân sự huyện và một số dân quân du kích của xã La Ngâu tham gia. Theo yêu cầu của ông Trung, các bảng cấm người lạ mặt bén mảng đến khu vực này đều phải được đặt trong vòng bán kính 1km và lực lượng bảo vệ phải chia làm 5 chốt án ngữ để tránh bị đánh cướp kho báu bất ngờ.

Do thời điểm khởi động dự án là mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ xuống rất mạnh, ông Thái Nghiêm Trung đã huy động cả hơn 50 nhân công địa phương, tìm đủ cách vẫn không tài nào tiếp cận được vào chân thác Mai. Một phương án được đặt ra đó là đan phên tre, dồn đất vào bao đắp đập để chặn dòng. Với cách này, ông Trung hy vọng sẽ nắn được dòng chảy để có thể cho thợ lặn xuống chân thác. Tuy nhiên dòng sông La Ngà đoạn này vào mùa khô cũng sâu đến hơn 5m và muốn đến được chân thác phải qua một khe nước hẹp, chảy xiết, chỉ một người chui lọt.
Ông Hoàng Vy
Ông Hoàng Vy

Ông Hoàng Vy, nguyên Xã đội phó Xã đội La Ngâu, người có gần một năm thường trực bảo vệ kho báu cho biết khi lặn xuống khoảng 3m, qua kính lặn thấy phía dưới óng ánh vàng rực như thể lòng sông dát toàn vàng miếng. Thế nhưng khi lặn sâu hơn nữa, không còn ánh nắng mặt trời chiếu xuống thì tối đen như mực, ngửa bàn tay cũng không thấy và hai bên đều là những vách đá lạnh toát như kim loại.

Mở cửa kho báu bằng 1 tấn thuốc nổ TNT

Để tiếp cận, ông Thái Nghiêm Trung đã quyết định thuê một toán thợ lặn ở tận đảo Phú Quốc vào. Ông Trung cũng bật mí cho các cộng sự mình biết, sau khi lấy mẫu nước dưới chân thác Mai đi… xét nghiệm đã có kết quả có chứa kim loại vàng!?

Sau hơn 3 ngày thay phiên nhau lặn xuống chân thác Mai, các thợ lặn Phú Quốc đã báo cáo cho ông Trung một thông tin cực kỳ quan trọng. Theo đó, khi lách mình vào khe hẹp chỉ một người chui lọt sẽ đến ngay một chỗ rất rộng. Tại đó có hai ống trụ hình tròn cỡ một người ôm, nhẵn thín và lạnh ngắt. Ngoài ra, bên cạnh hai ống trụ còn có một vật giống như ghế… salon ngồi vào rất vừa vặn. Chưa vội tin, ông Trung phái ngay hai đàn em tin cẩn là Dũng và Anh ngậm ống hơi lặn xuống kiểm tra. Kết quả đúng như những gì toán thợ lặn Phú Quốc báo cáo. Ngay sau đó ông Thái Nghiêm Trung đã hào phóng xuất 25 triệu đồng (khoảng hơn 8 lượng vàng) để thưởng công cho toán thợ lặn này.

Ngẫu hứng và phấn khích dâng cao độ, ông Trung đã từng tháo chiếc vòng đá trên tay mà ông ta thường khoe rằng trị giá hàng chục cây vàng, gõ chiếc vòng vào phiến đá và tuyên bố với các nhân công và lực lượng bảo vệ rằng đã tìm thấy kho báu. Khi đưa được kho báu lên khỏi thác, chiếc vòng ấy sẽ là phần thưởng mà ông giành riêng cho toán công nhân. Lúc đó đã bước vào tháng 12/1994.

Trong tín ngưỡng totem giáo (thờ vật tổ) người Chăm theo đạo Bà-la-môn vẫn thờ ngẫu vật Linga tức sinh thực khí của người nam. Trong tất cả các tháp Chăm từ Bình Định đến Bình Thuận đều có đặt ngẫu tượng Linga và Yoni (sinh thực khí người nữ) bằng đá. Ông Trung khẳng định, vì là kho báu Champa nên hai ống trụ tròn dưới chân thác Mai chính là hai ngẫu vật Linga còn “chiếc ghế salon” chính là ngai vàng của Vua!

Kho báu bí ẩn hàng ngàn năm đã hiện ra rất gần, ông Trung tỏ ra cực kỳ hào phóng. Ông cũng không cảm thấy cần thiết phải tỏ ra là người kín kẽ, giữ mồm giữ miệng nữa làm gì, bởi kho báu huyền thoại đã bày ra trước mắt, đã sắp nằm gọn trong lòng tay ông, không còn gì  là bí mật nữa.

Cuối năm 1994, ông thuê một nhóm thầy cúng từ TP. HCM ra vật bò, mổ heo cúng tạ trời đất vì giấc mơ vàng đã trở thành hiện thực và mời tất cả dân làng xung quanh cùng “thụ hưởng lộc trời”. Tất cả các thành viên trong đoàn bảo vệ được yêu cầu túc trực nghiêm ngặt. Trước đây trả công cho một thành viên bảo vệ 35 ngàn đồng/ngày, ông Trung đã nâng lên 50 ngàn đồng/ngày và hứa sẽ  thưởng công hậu hĩnh khi mở cửa kho báu. Ngoài ra ông Trung cũng cho mọi người biết có khả năng phải thuê máy bay trực thăng 10.000USD/giờ mới có thể cẩu nổi số vàng dưới chân thác Mai!
những người trong nhóm tìm kiếm
Do không thể đưa thợ lặn xuống và địa hình hiểm trở nên cũng không thể đưa cơ giới vào khai thác kho báu. Ông Trung làm đơn xin UBND tỉnh Bình Thuận cho phép mở cửa kho báu La Ngâu bằng chất nổ. Một hợp đồng sau đó được ông Trung ký với Tỉnh đội Bình Thuận lên đến gần 100 triệu đồng.

Phía Tỉnh đội có trách nhiệm cử một tiểu đội công binh cùng một tấn chất nổ TNT cực mạnh lên thác Mai. Gần 10 ngày khoan đá, đặt chất nổ, đánh kíp, thậm chí có hôm đánh trái nổ cả 70 kg thuốc nổ TNT nhưng kết quả là những phần đá trên mặt nước bị phá vỡ, phần sâu dưới nước chẳng hề hấn gì. Trước tình thế này, ông Trung phái ngay thợ lặn xuống thám sát và sau khi biết được hai khối Linga cùng “ngai vàng” vẫn còn nguyên vẹn liền quyết định đến gặp UBND tỉnh Bình Thuận tạm ứng 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã thẳng thừng từ chối yêu cầu này và cho biết nếu ông Thái Nghiêm Trung đưa ra các bằng chứng xác đáng như tuổi vàng, trữ lượng của kho báu thì mới có thể đáp ứng. Quá tin tưởng vào kho báu La Ngâu, ông Trung thảo ngay văn bản mời Chủ tịch và các cơ quan ban ngành có liên quan ở Bình Thuận đầu năm 1995, đến trực tiếp tại thác Mai để chứng kiến thời khắc đưa vàng từ chân thác Mai lên.

Thế nhưng ngay sau đó lại xảy ra một biến cố gây xôn xao dư luận lúc đó: ông Thái Nghiêm Trung, tức bác sĩ Trung bị mưu sát.

Phát súng lúc mờ sáng

Khi vụ việc xảy ra, báo chí đã đưa tin rất sôi nổi với nhiều giả thiết. Đây là một vụ ám sát để cướp tấm mật đồ kho báu hay chỉ là hoang tin nhằm khiến dư luận phải tin chuyện kho báu là có thật, nhằm khởi đầu một ý đồ, dự định khác?

Vào thời điểm đó, kế hoạch “con tốt qua sông” đã kéo dài ròng rã 5 tháng. Ông Thái Nghiêm Trung đã đổ xuống dưới chân thác Mai hàng đống của cải, tất cả đều trôi theo nước sông La Ngà nhưng cửa kho báu La Ngâu vẫn chưa được mở. Và trong khi mọi người đang chuẩn bị đến thác Mai để chứng kiến thợ lặn xuống thử vàng dưới chân thác thì sự cố rung động đã xảy ra, lập tức trở thành phóng sự giật tít trang nhất trên một số tờ báo ở TP. HCM đi kèm những bài tường thuật rất ly kỳ. Dư luận đồn thổi tin chắc như bắp rằng vụ “bác sĩ” Thái Nghiêm Trung bị bắn có liên quan đến tấm mật đồ kho báu La Ngâu.

Vụ việc xảy ra khi ông Trung vừa từ La Ngâu, Tánh Linh (Bình Thuận) về TP. HCM. Theo thói quen, mỗi sáng khi ngủ dậy ông Trung thường ra ban công lầu một tại ngôi biệt thự của mình ở Thủ Đức để tập thể dục buổi sáng. Theo lời khai của ông Trung với cơ quan điều tra thì khi vừa cúi người xuống ông nghe một tiếng súng nổ sát bên đầu mình. Chưa kịp định thần thì thấy hai thanh niên nổ máy môtô trước nhà ông tẩu thoát. Vì quá bất ngờ nên ông Trung không thể nhận dạng hoặc nhìn được biển số xe của hai gã thanh niên trên.

Công an TP. HCM đã cử Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với phòng Khoa học kỹ thuật hình sự tổ chức khám nghiệm hiện trường. Tại đây đã phát hiện một đầu đạn vẫn còn găm vào cánh cửa gỗ nơi ông Trung khai đứng gần đó và cúi xuống. Đầu đạn thu được qua xét nghiệm được xác định bắn ra từ một khẩu súng thể thao. Căn biệt thự của ông Trung thuộc dạng kín cổng cao tường nếu đứng ngoài tường rào được xây cao bằng gạch ngắm bắn thì phải là một tay bắn tỉa thiện xạ. Mở rộng hiện trường vẫn không phát hiện dấu vết nào có liên quan.

Do thời điểm vụ nổ súng xảy ra, cơ quan điều tra không thu thập được nhân chứng nào nghe thấy hoặc có người chứng kiến hai thanh niên đi từ hẻm ra, tất cả chỉ là lời khai của chính ông Trung nên vụ việc được xếp vào dạng “án mờ”. Tuy nhiên sự việc được báo chí đẩy lên quá mức khiến cho nhiều người tin rằng vụ nổ súng nói trên là có thật, nhằm một trong hai mục đích, hoặc là để lấy mạng hoặc là để cảnh cáo ông Trung vì có liên quan đến tấm mật đồ kho báu La Ngâu, buộc ông ta phải dừng chiến dịch “con tốt qua sông” săn lùng kho báu.

Có lẽ thấy vụ mình “thoát chết” trong gang tấc có liên quan đến vùng rừng sâu nước độc La Ngâu nên sau đó ít lâu, ông Trung đã xin già làng và gia đình nhận hai thiếu niên người dân tộc Rắc Lây là Mang Thủy và Mang Nẫm nhà ở gần đó đưa về TP. HCM nuôi. Được mấy tháng, “cái bụng cứ sôi ùng ục vì nhớ bản, nhớ rừng, nhớ núi” nên Mang Nẫm xin về còn Mang Thủy vẫn ở lại TP. HCM đến nay.

Hai cửa hầm kho báu

Sau sự cố bị “ám sát” hụt tại Thủ Đức (TP. HCM), kế hoạch mở cửa kho báu của ông Thái Nghiêm Trung vẫn tiếp tục triển khai với tiến độ khẩn trương hơn. Tuy nhiên ông Trung không còn ra Tánh Linh thường xuyên như trước mà giao hẳn cho người em trai coi ngó. Chỉ có những khi mời được chính quyền địa phương lên thác Mai kiểm tra, ông Trung mới trực tiếp có mặt.

Toàn bộ việc thăm dò, thi công chặn dòng công trình đều được các cộng sự thân tín của ông Trung quay phim, chụp ảnh lại rất kỹ càng. Những người tham gia làm việc tại đây kể cả nhân công và lực lượng bảo vệ đều được yêu cầu “nội bất xuất, ngọai bất nhập”, chỉ trừ trường hợp đi lấy nhiên liệu hoặc mang lương thực, thực phẩm vào thác Mai tiếp tế.

 Vào thời điểm đó, rừng Tánh Linh vẫn còn là đại ngàn và đầy thú dữ, đầy lam sơn chướng khí. Do đó những người tham gia trong dự án kho báu La Ngâu mỗi đêm đều phải gom củi gỗ chất đống để đốt lửa và đã có không ít những trường hợp bỏ cuộc dù mức lương hấp dẫn vì không chịu nổi những cơn sốt rét rừng ác tính. Thỉnh thoảng ông Thái Nghiêm Trung lại ra La Ngâu và luôn lặp lại điệp khúc động viên những người tham gia sẽ có thưởng và khẳng định sau khi tìm được kho báu sẽ biến nơi đây thành một khu du lịch tầm cỡ quốc gia.

Tháng 2/1995, khi Tánh Linh đã vào mùa khô, nước sông La Ngà đã không còn chảy xiết như trước, ông Trung quyết định cho nhân công chặn dòng lần nữa. Sau đó không lâu UBND tỉnh Bình Thuận nhận được tin báo đã tìm thấy hai cửa hầm kho báu khi chặn dòng đã lộ ra. Qua xem xét, hai cái gọi là cửa hầm giống như hai miệng giếng tựa như con người tạo nên. Tuy nhiên cũng có ý kiến là do độ chênh của sông La Ngà đoạn này rất lớn nên tạo ra nhiều thác ghềnh và “nước chảy đá mòn” nên tạo ra hai miệng hố trên. Ý kiến này được đánh giá là xác thực bởi hai miệng giếng nằm khá xa chân thác Mai nơi có khe hẹp mà ông Thái Nghiêm Trung cho rằng có hai khối đá mang hình dáng ngẫu vật Linga cùng “ngai vàng” đang hiện hữu.

Theo sổ sách ghi lại thì đến đầu năm 1995, ông Thái Nghiêm Trung đã bỏ ra hơn nửa tỷ đồng đó là chưa tính tấm mật đồ kho báu mà ông Trung từng khoe đã mua với giá 1,5 tỷ đồng (!?). Tính theo thời giá thì lúc đó ông Trung đã đổ hàng trăm lượng vàng xuống dòng La Ngà còn cái kho báu hơn 7 tấn vàng vẫn mịt mờ như bọt nước trắng xóa tuôn trào dưới chân thác Mai.
 

Để có thể cử thợ lặn xuống ở lâu dưới chân thác dùng đá thử vàng, một thành viên trong đoàn bảo vệ của huyện Tánh Linh đã có sáng kiến cắm một chiếc thang tre dài gần chục mét xuống chân thác. Đầu chiếc thang được giữ chặt bằng những sợi cáp lớn móc vào các chốt khoan thẳng vào vách đá bên trên thác. Đây được xem là lần khẳng định cuối cùng có hay không kho báu La Ngâu nên được các cộng sự của ông Trung triển khai hết sức chặt chẽ và ráo riết. Theo dự kiến sẽ có khỏang hơn 30 người đại diện cho các cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh Bình Thuận lẫn huyện Tánh Linh đến chứng kiến. Địa điểm phân kim tuổi vàng cũng được chọn một tiệm vàng gần đó. Giờ G đã sắp điểm!
 “Điên loạn” vì vàng

Đúng hẹn thời điểm đưa vàng dưới chân thác lên phân kim, hàng chục cán bộ của UBND tỉnh và các ban ngành liên quan ở Tánh Linh và Bình Thuận đều có mặt ở thác Mai rất sớm. Tất cả đều thầm hy vọng tài sản quốc gia sẽ có thêm khối lượng vàng khổng lồ nếu kho báu La Ngâu có thật.

Dũng, một cộng sự tin cẩn của ông Thái Nghiêm Trung được phân công lặn xuống để lấy vàng. Nhiệm vụ của anh ta là dùng một mẩu đá cà vào khối vàng mang hình Linga để đưa lên bờ phân kim. Mang kính lặn, ngậm ống hơi và chỉ mặc độc trên người chiếc quần bơi nhỏ xíu, anh ta lặn xuống trong sự hồi hộp nín thở chờ đợi của tất cả những người có mặt.

Gần nửa giờ sau, Dũng trồi lên trên tay cầm mẩu đá to bằng bao thuốc lá được bọc kín trong bọc nylon. Gần như tất cả mọi người đều hướng mắt về mẩu đá, trên đó lấm tấm đầy những bột vàng li ti lấp lánh dưới ánh mặt trời. Lập tức mẩu đá được hộ tống cẩn mật đến tiệm vàng của ông Hùng “model” ở chợ Đồng Kho cách đó non 20 cây số. Sau khi phân kim, thử vàng, ông Hùng cho biết bột vàng được cà từ kho báu La Ngâu có đến 9,7 tuổi, tuổi vàng được xem là cao vượt ngưỡng so với vàng của người xưa.

Kết quả khả quan vượt mọi sự mong đợi nhưng mọi người chứng kiến đều im lặng, không ai nói với nhau hoặc bình luận gì. Tất cả đều nghi ngờ về tuổi vàng vì nếu kho báu La Ngâu có thật thì vàng từ các thế kỷ trước đều có tuổi rất thấp. Người ta cũng nghi ngờ gã thợ lặn đã giấu nhẫn vàng vào quần bơi sau đó lặn xuống và dùng chiếc nhẫn này cà vào mẩu đá. Tuy nhiên không có bằng chứng nên chẳng ai nói ra và vì “kho báu La Ngâu” vẫn chưa ngã ngũ trắng đen.

Bữa cơm trưa hôm đó tại thác Mai do ông Thái Nghiêm Trung thuê người nấu, gánh lên tại chỗ để thết đãi quan khách có không thiếu những món ngon, đặc sản rừng. Thế nhưng hầu hết mọi người đều không buồn chạm đũa và thấy cổ họng khô rát vì kết quả nói trên. Trong lúc mọi người đều có chung tâm trạng nghi vấn thì bất ngờ tay thợ lặn bỗng vật vã, gào thét như người bị “quỉ ám”. Anh ta liên tục nói lảm nhảm như: “Xuống giếng lấy vàng” và xổ ra hàng tràng ngôn ngữ hình như không hề có trên thế giới này và chỉ có… trời mới biết! Tay thợ lặn tên Dũng sau đó được đưa về TP. HCM gọi là để “chữa bệnh” một tuần sau đến thác Mai vẫn bổn cũ soạn lại nên được đưa về TP. HCM ở luôn. Sau đó thì anh ta tự nhiên … hết “bệnh”!
Sự thật phũ phàng

Sau vụ thử vàng, công trường khai thác kho báu La Ngâu vẫn tiếp tục nhưng không còn khí thế và hoành tráng như trước đây. Mọi người thống nhất phải chờ đến tháng 4/1995 khi Tánh Linh vào mùa khô, nước sông La Ngà đã cạn sẽ triển khai phương án bơm nước ra khỏi chân thác Mai.

Cuối cùng mùa khô đã đến, nước từ thượng nguồn không còn đổ về ào ạt như trước. Hai máy nổ loại lớn được huy động bơm ròng rã nhiều ngày đêm và khe nước dưới chân thác cạn đi thấy rõ. Hạ tuần tháng tư khi những khối nước cuối cùng được hút sạch, mọi người hồi hộp len theo khe đá vào nơi mà lâu nay họ cho rằng có “kho báu”. Và thật phũ phàng khi trước mắt chỉ thấy toàn đá tảng và một tấm…“ri” sắt - loại quân đội Mỹ trước đây thường sử dụng để làm hàng rào -  dài hơn một mét không biết ở đâu trôi vào. Cái gọi là “ngẫu vật Linga” chỉ là hai tảng đá xám xịt được nước bào mòn nhẵn thín, phẳng lì; cái gọi là “ngai vàng” của Vua Champa chỉ là một phiến đá dẹt bình thường bị nước xoáy tạo thành một lỗ to vừa vặn một người ngồi.

Hôm phát hiện ra sự thật không có mặt chủ dự án Thái Nghiêm Trung nhưng các cộng sự tín cẩn của ông thì mặt mày xanh như tàu lá chuối. Từ đó đến nay mọi người cũng không thấy ông Trung trở lại Tánh Linh lần nào nữa. Công trường khai thác “kho báu La Ngâu” tự giải tán và chủ dự án còn thiếu nợ tiền công trả cho lực lượng bảo vệ của UBND huyện Tánh Linh khoảng hơn 5 triệu đồng. Sau đó ít lâu thì tiệm vàng của ông Hùng “model” ở Đồng Kho cũng bất ngờ đóng cửa. Nghe đâu ông ta bị vỡ nợ.

Sau khi công trường “kho báu La Ngâu” đóng cửa khoảng hai tháng, có một người đàn ông trung niên từ TP. HCM ra và thường lai vãng ở thác Mai. Khi được Công an huyện Tánh Linh hỏi mục đích thì ông ta cho biết ông cố nội của ông kể lại rằng ông sơ 5 đời của ông ta là quan trong triều. Trong lúc có biến đã thu thập toàn bộ gia phả bỏ vào một chiếc hòm và mang chôn ở La Ngâu chứ hoàn toàn không có vàng như đồn đại. Biết đã gặp thêm một người có “óc siêu tưởng tượng” nữa nên Công an huyện Tánh Linh khuyên ông ta về và đừng nên đến La Ngâu nữa vì tất cả đều không có thật.

Riêng “bàn cờ chiếu bí trên núi Ông” nhiều người ở Tánh Linh hiện vẫn cho rằng có thật nhưng khi được hỏi đã trực tiếp nhìn thấy chưa thì ai nấy đều lắc đầu và thừa nhận đều qua nghe truyền miệng. Cả “tấm mật đồ trên miếng da dê” cũng vậy.

Bí mật kho báu La Ngâu đã phơi bày một sự thật phũ phàng với nhiều tình tiết ly kỳ, huyền bí có đan xen cả những màu sắc hình sự nhưng trên hết là đều liên quan đến những địa danh, con người và tài sản bỏ ra truy tìm “kho báu” này đều là người thật, việc thật. Cho đến tận bây giờ, khi “kho báu La Ngâu” đã xếp lại hơn mười năm nhưng vẫn không ai có thể giải thích nổi vì sao ông Thái Nghiêm Trung lại có thể bỏ ra hàng trăm cây vàng, công sức, thời gian để đeo đuổi một “kho báu” tưởng tượng.

Nhiều ý kiến cho rằng ông Trung là nạn nhân bị lừa đảo của một ai đó hoặc muốn làm reo về  “kho báu” không có thật để huy động vốn. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được làm rõ và cũng còn khá nhiều câu hỏi treo lơ lửng dù câu chuyện về “kho báu La Ngâu” đã được phơi bày tất cả sự thật. Nhưng lâu dần, toàn bộ câu chuyện về “tấm mật đồ da dê”, “chiến dịch con tốt sang sông” và “kho báu Chămpa” ở thác Mai, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh cũng bị lãng quên dần.

Nguyên nhân chính không phải là vì tính hiếu kỳ tắt hẳn, mà vì cách đó không xa, người ta lại bắt đầu khởi động một chiến dịch còn lớn hơn nhiều, dữ dội hơn nhiều và tốn kém hơn nhiều để quyết túm cho được câu thần chú “Vùng ơi, mở ra” đối với một kho báu ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Nó được mệnh danh bằng nhiều cái tên khác nhau: kho báu Yshido, kho báu Nhật Bản, hoặc kho báu Căn cứ 6. Điều kỳ lạ là việc kiếm tìm kho báu này diễn ra tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, trong vùng Căn cứ 6 (cũ) cạnh quốc lộ I. Thế nhưng khởi điểm, những cứ liệu liên quan đến nó lại diễn ra ở cách đó cả chục km, trong vùng rừng già của hai xã sông Phan và Suối Kiết, huyện Tánh linh, Bình Thuận. 

Dĩ nhiên nhiều tên gọi hơn, nhiều lai lịch hơn và cũng nhiều địa chỉ chôn giấu hơn nên cuộc săn lùng kho báu này cũng diễn ra dai dẳng, quyết liệt và nhiều màu sắc bi kịch hơn hẳn, so với cuộc kiếm tìm kho báu La Ngâu. Nó kéo dài tới hơn 60 năm, thu hút không chỉ một vài cá nhân hay một nhóm người mà là hàng nhiều tập đoàn. Trước năm 1975, nó từng là mục tiêu săn lùng của rất nhiều tướng lĩnh, quan chức chóp bu của chế độ cũ. Nó từng được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất, dai đẳng nhất của cả hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng Hoà.

Những cuộc săn lùng đầy kịch tính này, chúng tôi sẽ tiếp tục tái hiện lại và gửi đến bạn đọc trong các số báo tới!
  • Thanh Trúc - Phương Nam
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc