Bệnh giun xoắn có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới, tỉ lệ mắc phụ thuộc vào tập quán ăn sống, ăn tái. Bệnh này truyền nhiễm do giun Trichinella spiralis gây nên. Người bị nhiễm tình cờ khi ăn thịt chứa ấu trùng loài Trichinella nấu tái, sống lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống do ăn thịt lợn hoặc thịt các động vật hoang dã sống (nấu chưa chín) có chứa ấu trùng giun xoắn. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Tiết canh, thịt sống dễ gây tử vong
Nhiễm nhiễm giun xoắn có thể tử vong. |
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, BV bệnh nhiệt đới TW kể: Năm 2009, ở Sơn La xảy ra một vụ việc khiến hàng loạt người phải nhập viện trong đó có 2 người đã tử vong vì ăn tiết canh, thịt lợn sề chưa nấu chín.
Con lợn sề nuôi đã lâu bị liệt chân, gia đình thấy tiếc nên làm thịt, đánh tiết canh và làm nem chạo. Trong 26 người ăn thì 23 người bị sốt cao, đau dữ dội toàn thân, thở cũng đau.
Có 2 người đã tử vong, 6 người được chuyển lên tuyến TW, số còn lại điều trị tại huyện. Khi được điều trị tại bệnh viện TW, các bác sỹ phát hiện những người này bị nhiễm giun xoắn sau khi sinh thiết cơ.
Bác sỹ Cấp cho biết: Bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn đau ở cơ, sốt, suy kiệt, thậm chí đau cơ thực quản không nuốt, không thở được. Nếu giun xoắn chui lên tim sẽ làm rối loạn hoạt động tim gây tử vong.
Ths – Bs Huỳnh Hồng Quang, viện Sốt rét ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn cũng cho biết: Ông đã gặp một bệnh nhân nữ ngoài 40 tuổi bị viêm màng não do giun xoắn.
Lúc đó, bệnh nhân này 43 tuổi bị suy giảm miễn dịch, nhập viện với bệnh cảnh đa triệu chứng thần kinh lú lẫn, hôn mê, mất tri giác.
Qua khai thác bệnh sử, trước đó khoảng 10 ngày bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, yếu toàn thân, suy nhược và sốt. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị viêm xoang, song không có cải thiện. Thân nhiệt tiếp tục tăng khoảng 4-5 độ, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng mơ màng và phải nhập viện.
Bác sỹ Quang nói: Theo người nhà bệnh nhân thì một tháng trước đó, bệnh nhân ăn xúc xích tự làm, có thể xúc xích làm từ thịt heo chưa được nấu chín.
Khoảng một tuần sau, bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy, đau cơ, khó chịu vùng cổ và nhức đầu vùng trán nhưng không đi khám bệnh ngay. Vào cuối tuần thứ 2, bệnh nhân sốt cao, phù quanh ổ mắt kèm theo đau đầu vùng trán rất dữ dội và suy nhược nặng.
Vì sao bị nhiễm giun xoắn?
Tiết canh gây nhiễm giun xoắn có thể tử vong. |
Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1 - 2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 - 5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.
Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tùy thuộc lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng.
Biểu hiện bệnh đa dạng
Theo TS Nguyễn Tiến Lâm, nhiều bệnh nhân đến khám tại BV Nhiệt đới TƯ do nhiễm giun xoắn đều không được phát hiện kịp thời, tiền sử có thói quen ăn tiết canh. Hầu hết trong số họ đều nghiền tiết canh của các loại thú rừng.
TS lâm cảnh báo: Bệnh nhân cần phát hiện các biểu hiện lâm sàng cơ bản là dấu hiệu sớm, đặc trưng của bệnh như phù mi mắt, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ, chi trên; phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc; đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động, cả khi ăn nói; sốt nhẹ sau tăng dần, thân nhiệt lên tới 39-40 độ sau 2-3 ngày.
Chẩn đoán xác định bằng cách nào?
Chẩn đoán bệnh giun xoắn dựa vào triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và tính chất dịch tễ. Để chẩn đoán xác định, cần dựa thêm vào những kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan, ở giai đoạn đầu của bệnh có thể tìm thấy giun xoắn trưởng thành trong phân, ở giai đoạn toàn phát có thể tìm thấy ấu trùng giun xoắn trong bệnh phẩm sinh thiết. Cũng có thể dùng các phản ứng miễn dịch như kết hợp bổ thể, ngưng kết, miễn dịch huỳnh quang, ELISA. Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giun xoắn với các bệnh về huyết thanh, viêm da, viêm cơ, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm...
Có thể phòng ngừa căn bệnh này
Cần tuyệt đối không ăn các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín. |
Cần tuyệt đối không ăn các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín như tiết canh lợn, nem chạo... Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán... là những động vật được nuôi thả rông không hề “lành” như nhiều người dân nghĩ mà nó dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường nên cũng cần phải chế biến chín các món ăn này.
Bệnh lây truyền qua đường ăn uống, do vậy phải ăn chín, uống nước đun sôi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Khi có các biểu hiện nghi mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.