Món ăn duy nhất cón ở Việt Nam. |
Trong ẩm thực Việt, gần như tiết của tất cả các loại động vật thường dùng lấy thịt đều có thể được tận dụng. Phổ biến hơn cả phải kể đến tiết lợn, tiết ngan, vịt, chó hay một số loại hải sản như tiết tôm...
Đó là một trong những món ăn dân dã và truyền thống của Việt Nam được người nước ngoài cũng như một số cư dân trong nước đánh giá là tương đối “kinh dị”. Nhiều người thấy nghiền tiết canh vì vị mát và lượng protein phong phú mà món ăn này đem lại.
Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Cách chế biến món ăn như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực của người Việt từ Bắc xuống Nam nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên thế giới và có lẽ cũng vô cùng hiếm hoi trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Món tiết canh trong ẩm thực Việt Nam vẫn chưa bao giờ mất sức hấp dẫn. |
Bởi vì người xưa quan niệm “huyết tươi là một vị thuốc bổ màu nhiệm”, ví dụ như: huyết lợn có thể trị chứng thiếu máu, suy nhược cơ thể. Huyết chim sẻ bổ thận. Huyết dê làm mạnh cơ thể, tráng thần, bổ huyết, chữa choáng váng, chóng mặt đau lưng...
Món tiết canh trong ẩm thực Việt Nam vẫn chưa bao giờ mất sức hấp dẫn của nó, bằng chứng là nhiều nơi vẫn bán món ăn này và thực khách vẫn không vì thế mà giảm sút. Món tiết canh hải sản và tiết canh chay là những lựa chọn thay thế tại nhiều nơi, tuy chúng ít phổ biến hơn.
Một trong những món ăn dân dã và truyền thống của Việt Nam. |
Vẫn biết ăn tiết canh có một số tác dụng nhất định về giá trị dinh dưỡng song ở thời đại mà chúng ta có quá nhiều lựa chọn về đồ ăn thức uống ngày nay thì món ăn này có lẽ nên được thay thế bằng các món khác, vẫn đảm bảo được sự tương đương về dinh dưỡng và khẩu cảm mà vệ sinh cũng như an toàn với sức khỏe hơn rất nhiều.
Liên quan tới vệ sinh trong quá trình chế biến mà tiết canh được xem là món ăn hết sức không an toàn với người ăn vì máu của động vật không hề trải qua bất cứ công đoạn tiệt trùng, vệ sinh nào, được ăn một cách trực tiếp cùng với lạc và rau thơm. Ngoài ra thì môi trường chế biến tiết canh thường là ở ngoài trời, vốn không hề đảm bảo và thậm chí còn có thể ô nhiễm nữa. Chính vì thế mà lượng người ăn tiết canh đang ngày càng có xu hướng giảm đi thay vào đó là các lựa chọn truyền thống khác đảm bảo sức khỏe hơn.
Chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) nói: “Các nước phương Tây không bao giờ dùng món tiết canh; ngay cả bộ đồ lòng, nội tạng của các con vật (như lòng gà, mề gà...) cũng là đồ thải đối với họ. Tiết canh bản chất là máu sống mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con vật: lợn, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh. Nếu lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như LCL, hay nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu...”.
Gà, vịt đang nhiễm bệnh, thường gặp nhất là bệnh cúm, thì người dùng tiết canh của chúng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A/H5N1, H1N1.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể bạn, nên tránh và hạn chế sử dụng món tiết canh trong các cuộc liên hoan hoặc trên bàn nhậu, để phòng những căn bệnh xảy ra với cơ thể của bạn.