Có mấy loại bảo hiểm xe máy?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc xe máy: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải có khi tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm TNDS sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe). Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.
- BH xe máy tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp. Tùy vào loại hợp đồng bảo hiểm được ký giữa người mua và công ty bảo hiểm, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ được quy định trong hợp đồng.
Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc nhận được quyền lợi gì?
Mức bồi thường:
Theo thông tư 04/2021/TT-BTC:
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/01 người/01 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Đối với bảo hiểm xe máy tự nguyện, quyền lợi chủ xe nhận được phụ thuộc vào nội dung hợp đồng, thỏa thuận giữa bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Người mua có thể lựa chọn bảo hiểm cho chủ xe hoặc bảo hiểm cho chính chiếc xe...
Quy định bồi thường:
Theo Điều 14 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc đó là:
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi).
Trường hợp nhiều xe cơ giới gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, mức bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.
Đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba, thì mức bồi thường bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục I của Nghị định 03/2021/NĐ-CP hoặc theo thoả thuận nhưng không vượt quá 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục I.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản/01 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
Trường hợp nào không được bảo hiểm bồi thường?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với 08 trường hợp sau:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
- Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
- Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.
- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.- Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.