Chuẩn bị
- 200g lạc
- 1-1,5 thìa bột canh (thìa ăn cơm)
- 1-2 thìa dầu ăn (thìa ăn cơm)
Chị em lưu ý, khi mua lạc chọn mua loại lạc săn, chắc như vậy lạc sẽ ngon, giòn lâu hơn. Không chọn những hạt lép, ẩm mốc, mọt hay đang mọc mầm.
Cách làm
Bước 1: Cho chảo lên bếp, để chảo nóng một lúc rồi cho lạc vào rang. Hạ lửa ở mức nhỏ để lạc không bị cháy.
Bước 2: Rang lạc thật đều để các hạt được chín đều như nhau.
Cứ rang như vậy từ 7-9 phút, các hạt lạc bắt đầu tách ra, tuy nhiên vỏ lạc vẫn chưa bong hẳn ra thì cho khoảng 1 -1/5 thìa dầu vào, đảo tiếp. Vẫn để lửa nhỏ để dầu ăn ngấm dần vào lạc.
Như vậy lạc sẽ rất giòn và bùi. Nếm hạt lạc thấy lạc chín, có vị bùi bùi, và hơi giòn là được (vì lạc đang nóng nên không thể giòn tan như sau khi để nguội).
Bước 3: Khi lạc chín vàng, đều, cho ra ngoài, để nguội nhưng tay vẫn đảo đều, vì chảo vẫn nóng, nếu bạn không đảo lạc sẽ cháy.
Hoặc cũng có thể bạn đảo trên chảo một lúc rồi cho lạc ra một bát tô to thì sẽ không phải đảo liên tục nữa (vì bát nguội, không lo lạc cháy).
Lạc rang sau 12 tiếng sẽ bị ỉu. Nếu trong lúc đang rang, bạn phun một ít rượu trắng và trộn đều, làm vậy sẽ để được vài ngày.
Bước 4: Khi lạc chưa nguội hoàn toàn (vẫn còn hơi ấm), bạn hãy cho bột canh vào nhé, rồi đảo đều để bột canh bám xung quanh lạc. Với 200g lạc rang thì có thể cho 1-1,5g thìa ăn cơm bột canh.
Nhiều người thường vừa cho lạc ra khỏi bếp thì đã đổ bột canh vào ngay. Tuy nhiên, với cách này, bột canh bám rất nhanh vào lạc nhưng khi lạc nguội, bột canh sẽ rơi ra và không còn bám nhiều vào lạc nữa.
Sau khi trộn xong, đợi lạc nguội hoàn toàn thì cho vào lọ đậy kín. Cuối cùng bạn cho lạc vào lọ và đậy nắp kín. Với cách thức này, lạc sẽ thơm, giòn lâu trong nhiều ngày sau đó.
Chọn lạc
Chọn những hạt lạc tẻ, chúng là loại có lớp vỏ ngoài sáng, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngọt hơn. Lạc già thì lớp ngoài sẽ có màu sẫm, nhiều đốm, nhiều dầu và béo hơn.
Với loại lạc đã được tách vỏ thì chọn loại lạc có kích thước đều như nhau, không có dấu hiệu mối, mọt hay sâu đục.
Với những loại lạc còn nguyên lớp vỏ cứng. Nếu bạn mua về để luộc thì chọn những hạt lạc có phần vỏ màu trắng hồng, phần hạt đầy, không bị lép. Nếu mua về để phơi khô lấy hạt ăn, tách thử lạc ra. Chọn loại có lớp vỏ màu sẫm bao quanh bên ngoài, hạt lạc cứng.
Cầm lạc lên lắc, nếu nghe thấy tiếng hạt va vào thành của vỏ. Nếu tiếng lớn hoặc hạt di chuyển nhiều thì là lạc lép, hay lạc để quá lâu nên bị khô. Vỏ lạc giòn, dùng tay bấm vào khi vỡ sẽ có tiếng đặc trưng.
Hạt mẩy, bấm móng tay và thấy chắc, có tiết ra dầu.
Không chọn những loại có màu sắc hay mùi lạ.
Lợi ích của lạc đối với sức khỏe
Lạc hay đậu phộng là loại thực phẩm phổ biến. Chúng còn được đặt cho cái tên là “quả trường sinh” bởi giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại. Nếu biết cách chọn lạc ngon, thì đây sẽ là một loại thực phẩm ngon, bổ, rẻ đúng nghĩa.
Lạc có chứa hàm lượng canxi cực cao. Ăn lạc có thể thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển cơ thể,tốt cho xương.Protein trong lạc có chứa hơn 10 loại axit amin. Đây là những loại axit amin thiết yếu của cơ thể. Ví dụ như lysine giúp nâng cao trí thông minh của trẻ. Axit glutamic hay axit aspartic giúp thúc đẩy phát triển tế bào não và tăng khả năng ghi nhớ của não.
Trong lạc còn có chất catechin. Đây là một hợp chất có tác dụng chống lão hóa mạnh mẽ. Thường xuyên ăn lạc giúp tăng cường khả năng chống lão hóa của cơ thể.
Với những bệnh rối loạn chảy máu, lạc được sử dụng để cầm máu, hỗ trợ điều trị bệnh. Lí do là bởi trong lạc có chứa một loại hợp chất giúp rút ngắn thời gian đông máu, chống lại sự tan rã của mảnh fibrin. Nhờ đó tăng cường chức năng sản xuất tiểu cầu của tủy xương, có lợi cho chức năng tạo máu trong cơ thể.
Giống như nhiều loại hạt khác, lạc có hàm lượng dầu phong phú. Chúng có tác dụng nhuận phế, trừ ho,…
Đối với phụ nữ sau sinh, lạc có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng huyết, thông sữa.
Ngoài ra, lạc còn giúp giảm sự tích tụ chất độc hại trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại tràng.