Nấm bong tróc cả ống tai vì thói quen lấy ráy
Đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trương Thị Thu Hà (21 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định) vừa phải trải qua hai tuần điều trị nấm ống tai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Hà cho biết khi các bác sỹ thông báo nguyên nhân khiến tai bị nấm chính em cũng giật mình vì không thể ngờ rằng thói quen bấy lâu nay em vẫn thường thực hiện, lại gây ra hậu quả ghê gớm đến như vậy.
Theo chia sẻ của Hà, do bận đi làm thêm và lịch học dày đặc, nên em thường đi gội đầu ngoài quán. Lần nào đi gội đầu, Hà cũng nhờ nhân viên ở quán lấy ráy tai cho sạch sẽ. Việc làm này Hà đã thực hiện suốt một năm qua.
Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trước sau khi đi cắt tóc, gội đầu và lấy ráy tai ở quán về, Hà cảm thấy tai có biểu hiện ngứa ngáy bất thường so với những lần trước đó. Khi bị ngứa, Hà dùng nước muối thấm vào tăm bông để ngoáy tai thì cảm thấy bị xót vô cùng.
Sau khoảng 5 ngày liên tục bị ngứa, Hà đã đến khoa Khám bệnh Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để kiểm tra. Tại đây, em bất ngờ khi bác sĩ thông báo đã bị nấm ống tai ngoài, mà nguyên nhân chính là do việc đi lấy ráy tai ngoài quán gội đầu. Hiện Hà đang phải điều trị bắng hóa chất đặc hiệu, sau 2 tuần tình trạng đã cải thiện đáng kể.
Không nên thử dù chỉ một lần
PGS.TS Võ Thanh Quang – GĐ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết những trường hợp như nữ sinh viên kia không hề hiếm, thậm chí có những trường hợp còn bị nấm bong tróc hết cả ống tai.
Theo lý giải của PGS Quang, nếu việc lấy ráy tai đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ bị nhiễm nấm dường như là không có. Còn việc lấy ráy tai ở quán cắt tóc thì nguy cơ nhiễm nấm rất cao, không bị trước thì sẽ bị sau vì dụng cụ lấy ráy tay ở đây rất mất vệ sinh. Các loại nấm ký sinh ở tóc dễ dàng bám vào các dụng cụ đó, rồi khi đưa vào tai thì sẽ gây viêm, nấm tai.
Ngoài vấn đề lấy ráy tai ngoài quán cắt tóc gội đầu, PGS Quang cảnh báo nấm tai cũng rất hay gặp ở những trường hợp đi bơi mà không có thiết bị bảo vệ tai. Vì ở bể bơi tập trung nhiều người, chất lượng nước không đảm bảo, tồn dư hóa chất trong nước… gây nấm tai.
PGS Quang cho biết, khi bị nấm tai mọi người tuyệt đối không nên tự điều trị, bởi như vậy sẽ rất nguy hiểm, thậm chí khiến bệnh nặng thêm, ảnh hưởng đến thính lực của người bệnh. “Khi bị nấm tai, tốt nhất người bệnh nên khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả việc vệ sinh bằng nước muối, dùng kem bôi hay kháng sinh…”, PGS Quang chia sẻ.