Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin hai mẹ con tử vong do sinh con thuận theo tự nhiên. Vụ việc hiện vẫn đang lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phương pháp sinh con này, có người tán thành, có người không ủng hộ và có cả những người bức xúc muốn tìm ra người khởi xướng trào lưu sinh con này gián tiếp gây nên cái chết cho 2 mẹ con trong câu chuyện được đăng tải. Dù đúng dù sai tất cả mọi người cũng nên nhìn lại, xem đây là bài học đắt giá cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Chỉ trong thời gian ngắn, danh tính người khởi xướng trào lưu sinh con "thuận tự nhiên" cũng được tìm ra. Đó chính là Lê Nhất Phương Hồng.
Lê Nhất Phương Hồng là người sáng lập Hội nuôi con bằng sữa mẹ Betituti trên mạng xã hội Facebook với 250.000 thành viên tính từ tháng 10/2013 tới nay. Người này được coi là một chuyên gia về sữa mẹ với rất nhiều chia sẻ về việc khuyến khích các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Với số lượng thành viên trong hội đông đảo như vậy, "chuyên gia" nuôi con bằng sữa mẹ trên mạng xã hội này có sức ảnh hưởng không hề nhỏ tới các bà mẹ Việt Nam.
Trước đây, bà là một Thạc sĩ công nghệ thông tin. Năm 2014, Lê Nhất Phương Hồng bỏ việc làm ở một ngân hàng nước ngoài để trở thành chuyên gia sữa mẹ.
Theo thông tin trên mạng xã hội, bà Hồng cũng tiên phong trong việc sở hữu hàng loạt các chứng chỉ quốc tế về sữa mẹ như Chuyên gia Tư vấn Nuôi Con Sữa mẹ của Viện Sữa Mẹ Quốc tế (International Institute of Human Lactation Inc, Canada) - 7/2013, Thực hành và Vận động Nuôi con Sữa mẹ của Tổ Chức Hành Động vì Nuôi con Sữa mẹ Thế giới (WABA) - 11/2013, Chứng nhận hoàn thành khóa học "Food as Medicine" của ĐH Monash (khóa học online có thời lượng 12 giờ), chứng chỉ tham gia hoạt động "Introduction to Food and Health" của ĐH Stanford (khóa học miễn phí thời lượng 2,5 giờ), khóa học "Programming for Infant and Young Child Feeding" (thời lượng 14 giờ)...
Lê Nhất Phương Hồng từng viết một cuốn sách với tên gọi "68 Ngộ nhận & Giác ngộ về Nuôi con sữa mẹ - sai và khó, đúng và dễ". Cuốn sách từng đoạt giải sách hay 2015 và cũng là "best seller".
Với những chứng chỉ "online" với thời lượng đào tạo và học tập chỉ tính bằng vài giờ như vậy, nhiều người tự hỏi đâu mới là tiêu chuẩn của một chuyên gia? Rất nhiều người bày tỏ sự phản đối gay gắt trước những kiến thức thiếu cơ sở khoa học mà "chuyên gia" Lê Nhất Phương Hồng chia sẻ và lan truyền.
Phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” là gì?
Phương pháp “sinh con tự nhiên” còn được gọi là phương pháp "Liên sinh" hay phương pháp sinh con Hoa sen (Lotus birth) ngày càng được nhiều bà mẹ Mỹ và các mẹ ở những nước phương Tây lựa chọn.
Trước khi trở nên phổ biến vào những năm 1970, phương pháp "liên sinh" được quan sát thấy ở loài tinh tinh. Theo đó, sau khi sinh con, tinh tinh không cắn đứt dây rốn của con hay ăn nhau thai như nhiều loại động vật khác mà để nguyên bánh nhau cho đến khi tự rụng. Đến năm 1974, một bác sĩ đã áp dụng cách này khi sinh cậu con trai của mình.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguồn tin cho rằng phương pháp sinh hoa sen đã được ghi nhận từ trước đó trong một số nền văn hóa như Bali (Indonesia) và dân tộc Kung (những người sống theo kiểu bộ lạc, tập trung chủ yếu tại Nam Phi).
Vào năm 1980, các học viên yoga đã mang ý tưởng liên sinh này đến với Hoa Kỳ và Úc đồng thời truyền bá tư tưởng rằng "hoa sen là biểu tượng của sự tôn kính, là loài hoa đã sinh ra những con người vĩ đại nhất trong Phật giáo và Hindu giáo nên việc sinh con theo phương pháp hoa sen này là tạo sự liên kết quý giá giữa con người với nhau thai".
Một nữ hộ sinh đồng thời là thạc sĩ yoga tên Jeannine Parvati Baker là người ủng hộ và lan truyền phong trào liên sinh này mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ.
Không lâu sau, một nữ hộ sinh khác tên Shivam Rachana đã mang phương pháp Liên sinh du nhập vào Úc. Bà cũng là người thành lập nên trường Cao đẳng Sinh lý Tâm linh Quốc tế và tác giả của cuốn sách Lotus Birth.
Khi áp dụng phương pháp liên sinh, hầu hết sản phụ đều thực hiện sinh con tại nhà rồi sau đó không cắt dây rốn cho bé mà lập tức tiến hành da tiếp da với mẹ luôn. Khi sinh kiểu hoa sen, nhau thai chủ yếu được sinh ra qua đường âm đạo rồi nhanh chóng đặt vào một chiếc bát hoặc bọc khăn ướt và đặt gần bé trong vòng 1 tiếng. Sau đó, nhau thai sẽ được rửa sạch, sấy khô và bảo quản bằng một loại dung dịch chuyên dụng cho đến khi nó tự rụng (thường là 3-10 ngày sau khi sinh).
Theo những người ủng hộ phương pháp này, liên sinh sẽ giúp trẻ sơ sinh chống lại nguy cơ nhiễm trùng, bệnh vàng da hay các bệnh về đường hô hấp, miễn dịch ở em bé do được gắn liền với nhau thai (có chứa máu của người mẹ). Đồng thời, người ta còn tin rằng phương pháp này giúp người mẹ tránh khỏi nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Bác sĩ nói: Đẻ “thuận tự nhiên” cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con
Bác sĩ Ngô Đức Hùng (thường được biết đến là bác sĩ Hùng Ngô) (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) đã từng nói: "Để nguyên dây rốn, để bánh nhau thối cả ra nhưng lại nhận là thuận tự nhiên thì tôi phải dùng từ "kinh khủng khiếp" để hình dung”.
“Rõ ràng là người ta đang hiểu sai về hương pháp sinh tự nhiên, bởi nó sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và tai biến sản khoa khi đẻ tại nhà không có người hỗ trợ. Các cụ ngày xưa nói: “chửa đẻ cửa mả” là để nói về các nguy cơ, các vấn đề về thai sản có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ”, bác sĩ Hùng nói
Chính vì vậy bác sĩ cũng khuyên các bà bầu hãy chú ý theo dõi thai kỳ cẩn thận, nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ. Và khi sinh nở thì tốt nhất nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn, như vậy nếu có gặp khó khăn gì thì sẽ can thiệp kịp thời tránh những rủi ro có thể xảy ra.
“Hiện tại ở nước ta đang manh nha về vấn đề sinh con tự nhiên, phương pháp này xuất phát từ Úc, nhưng thực chất ở nước ngoài đằng sau tấm màn đẻ tự nhiên là cả một ekip các bác sĩ. Nếu có vấn đề gì khó khăn thì họ sẽ can thiệp ngay lập tức, trong khi đó ở Việt Nam đẻ tự nhiên là đẻ tại nhà giống như con thú, như vậy cực kỳ nguy hiểm bởi vì nếu sinh khó hay có các biến chứng thì sẽ đe dọa tính mạng của cả mẹ và con”, bác sĩ Hùng chia sẻ
Bác sĩ Hùng cho biết phương pháp này hoàn toàn không thể áp dụng được vào hoàn cảnh ở Việt Nam: “Chúng ta là đất nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nấm mốc rất nhiều trong không gian. Miếng thịt để bên ngoài vài tiếng đã có thể ôi thiu chứ nói gì đến bánh nhau để gần 1 tuần bên cạnh bé sơ sinh. Chưa cần nhà khoa học, nhìn vào chúng ta đã thấy có nguy cơ nhiễm trùng".
Còn bác sĩ Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản TW cũng cho rằng: “Về mặt chuyên môn thì phương pháp có nhiều nguy cơ thai sản mà bà mẹ không lường trước được rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt các mẹ lại áp dụng sinh con tại nhà lại khó tiên lượng tai biến và hỗ trợ từ chuyên môn y tế kịp thời".
Cũng chia sẻ về những vấn đề xoay quanh phương pháp này, Bác sĩ Thân Trọng Thạch - Giảng viên Bộ môn Sản, trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện công tác tại Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Đây là phương pháp khá giống hoang dã, không có can thiệp của y khoa, không có tính khoa học, và có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra với mẹ và em bé".