Loại cá được nhắc đến ở đây là cá đù hay còn gọi là cá lù đù. Đây là một loại đặc sản ở vùng biển miền Trung. Hiện nay, cá đù thậm chí còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Cá đù có thân bầu dục, có hạt sạn ở đầu, vảy nhỏ. Loại cá này khá nhiều thịt nhưng phần thịt lại khá bở. Vì vậy, trước đây người ta thường không đánh giá cao về loại cá này. Khi đó, cá được đánh bắt về chỉ dùng để muối mắm hoặc đem cho lợn ăn. Thậm chí người xưa còn có câu: "Chê tôm, ăn cá lù đù, chê thằng bủng ỏng, lấy thằng gù lưng". Có thể thấy, trước đây người ta không hề đánh giá cao về loại cá này.
Trong vòng chục năm trở lại đây, cá đù lại trở thành mặt hàng được săn đón. Cá đù được được đem phơi một nắng hoặc làm cá đù khô. Các sản phẩm này được bán nhiều trong các quán ăn, nhà hàng. Cá đù còn dược đem đi các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan, Mỹ...;
Tùy vào kích thước mà giá thành của cá đù sẽ có sự dao động nhất định, có lúc được bán với giá 280.000 đồng/kg. Vào các dịp Tết, loại cá này bán khá chạy. Mọi người có thể mua cá đù làm quà biếu người thân, bạn bè hoặc thưởng thức trong ngày Tết.
Cá đù có nhiều loại như đù đen, đù kẽm, đù đỏ dạ, đù sóc... Trong đó, cá đù sóc là loại phổ biến được chọn làm cá một nắng. Cá phơi một nắng vẫn giữ được vị tươi ngon, ngọt thịt, có mùi thơm của nắng, vị mặn của biển.

Muốn có cá đù khô ngon, người ta phải chọn những con cá tươi, kích thước to bằng cỡ 3 ngón tay. Cá cần được phơi đủ nắng để bảo quản được lâu.
Khi làm khô ốp, người ta sẽ làm sạch cá cắt dọc hai bên thân và đem tẩm ướp gia vị (như mắm, đường, tỏi, ớt...) rồi đem phơi tới khi cá khô. Khi làm khô xẻ, người ta sẽ làm sạch cá rồi xẻ đôi thân cá để loại bỏ phần xương sống rồi tầm ướp gia vị. Sau đó, cá được kết tròn lại thành miếng lớn trông giống như miếng bánh đa và được đem đi phơi khô.
Tùy theo người làm mà cách ướp cá sẽ khác nhau. Dựa vào kinh nghiệm, độ muối, độ nắng mà cách tẩm ướp, thời gian phơi cũng được thay đổi cho phù hợp.
Với món cá một nắng, nguyên liệu đầu vào nhất định phải tươi ngon, phơi nắng vừa đủ gắt để thịt cá se lại nhưng vẫn giữ được độ dẻo, độ ngọt.

Trước khi chế biến, bạn cần ngâm cá đù trong nước để giảm độ mặn, giúp thịt cá không bị khô.
Cách chế biến đơn giản nhất là đem cá đi chiên giòn. Sau đó, có thể đem cá đi chiên giòn. Khi thấy phần da cá phồng lên, cá có mùi thơm là được. Miếng cá đù vàng giòn, có vị mặn nhẹ, thêm vị ngọt tự nhiên tự thịt, có chút béo từ mỡ, có thể ăn cùng cơm nóng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đem cá đù sốt cùng mắm tỏi ớt. Cá được chiên giòn hòa quyện với phần mắm tỏi ớt thơm nồng, có chút cay nhẹ, ăn vô cùng bắt miệng.
Có thể đem cá đù khô đi rim cùng nước sốt me cua ngọt, thêm một chút tỏi, ớt để gia tăng mùi thơm.
Khô cá đù có thể đem chưng cùng với thịt, thêm một chút tiêu xanh, ớt và gia vị cho vừa miệng để tạo ra một món ăn thơm ngon.
Một cách chế biến khô cá đù khác là đem nướng trên than hồng cho thơm rồi xé nhỏ và đem trộn cùng các loại rau củ để làm món gỏi.
Từ một loại thực phẩm không ai thèm để ý, ngày nay, cá đù đã trở thành đặc sản nhiều người săn đón. Bạn đã thưởng thức qua các món ăn làm từ loại cá này chưa?