Dưới đây là 2 điều cần tránh trong đối nhân xử thế để không hối tiếc về sau:
Lúc vui mừng không nên hứa hẹn, nhận lời
Khi vui mừng khôn xiết đừng dễ dàng hứa hẹn hay đồng ý điều gì. Đây là cách chừa cho mình một đường lui.
Người xưa cho rằng, khi người khác yêu cầu mình mà mình không hứa hẹn, tuy rằng lúc đầu làm phật ý người nhưng cuối cùng lại không làm tổn hại lòng tin của họ, do đó oán trách cũng nhỏ bé.
Trái lại, nếu đồng ý với yêu cầu của người ta mà không thực hiện được thì tuy rằng lúc đầu không làm phật ý người nhưng cuối cùng lại làm tổn hại lòng tin của họ, do đó oán hận sẽ lớn lao.
Lòng tin của con người là có hạn độ. Một khi sự kỳ vọng bị tan vỡ thì sẽ hụt hẫng có cảm giác như bị lừa gạt, thậm chí lòng tin sẽ không còn nữa.
Cho nên, lúc vui mừng mà hứa hẹn điều gì cần phải suy xét kỹ lưỡng xem rốt cuộc sự tình có nên đáp ứng không, như vậy mới không có hậu quả về sau.
Lúc vui mừng đắc ý hay lúc bi thương thất ý nếu một người có thể giữ được “bình thường tâm” mà đối đãi với hết thảy thì đó là một cảnh giới cao, một phẩm chất đáng quý.
Lúc tức giận không nên tranh biện
Trong lòng tức giận thì tranh luận, cãi vã không chỉ không cải biến được tâm trạng của bản thân, không giải quyết được vấn đề mà rất nhiều khi còn khiến mâu thuẫn kịch liệt hơn, không có hồi kết, thậm chí đem đến tai họa cho chính mình.
Người làm được đại sự đều không phô trương thanh thế, cậy mạnh khoe tài. Họ luôn biết cân nhắc lợi hại, biết rõ mức độ nặng nhẹ để xử sự. Khi gặp việc bất bình, họ cũng không nhất thời phẫn nộ mà đánh mất đi lý trí.
Nếu như trong cuộc sống, chúng ta gặp người cố ý chọc giận, khiến chúng ta khó chịu thì cách tốt nhất là chúng ta nên bỏ qua, nhún nhường, không nên chấp nhất, không so đo với họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta dù không tranh cũng đã ở thế bất bại rồi.