Chia nhỏ các khoản chi tiêu
Ngay từ bước đầu tiên, bạn phải tính toán từng khoản chi tiêu thật rạch ròi, tỉ mỉ để không vung tiền quá tay, tránh lãng phí.
Tùy vào mức thu nhập, mỗi người có thể chia nhỏ các khoản chi theo cách khác nhau. Công thức phổ biến nhất vẫn là 60% thu nhập dành cho các khoản chi thiết yếu (tiền điện nước, tiền nhà, ăn uống); 10% là chi phí dự phòng các vấn đề phát sinh; 20% tự do tài chính và hưởng thụ; 10% tiết kiệm.
Khi nhận được các khoản tiền thưởng, các khoản thu nhập ngoài lương chính, việc bạn cần ưu tiên cũng là để tiền vào tiết kiệm.
Không vượt qua các giới hạn chi tiêu
Bạn cần đặt ra ngưỡng chi tiêu hợp lý và không vượt qua giới hạn đó. Điều này giúp bạn có cuộc sống sung túc lâu dài.
Hãy tập thói quen ghi lại tất cả những khoản chi tiêu từ nhỏ tới lớn mỗi tháng để kiểm soát các dòng tiền ra vào.
Sẽ có những tháng có quá nhiều vấn đề phát sinh khiến bạn rơi vào trạng thái thâm hụt tiền bạc. Tuy nhiên, không nên tiêu lẹm vào phần tiền tiết kiệm.. Thay vào đó, bạn có thể chọn cách giữ nguyên số tiền tiết kiệm và đi vay bạn bè hoặc người thân nếu số tiền không quá lớn. Việc trả nợ sẽ được trừ thẳng vào số tiền chi tiêu thiết yếu, quỹ dự phòng hoặc cắt bớt các khoản hưởng thụ. Đây chỉ là cách làm khi cấp bách. Bạn vẫn cần chi tiêu đúng kế hoạch và tuân thủ những quy tắc mình đã đặt ra.
Sống tối giản
Sống tối giản không phải là cắt bỏ hết các nhu cầu cá nhân hay không hưởng thủ mà là cắt giảm những thứ không cần thiết để bảo vệ túi tiền.
Ví dụ, thay vì ăn hàng, bạn hãy chuẩn nấu cơm ở nhà và mang đi làm; chỉ ăn tại nhà hàng vào các dịp đặc biệt. Thay vì chạy theo xu hướng, nên chọn những món đồ phù hợp, có thể sử dụng lâu dài...
Tìm cách để tiền đẻ ra tiền
Với mức lương khoảng 5-7 triệu, mỗi tháng bạn chỉ có thể tiết kiệm được 500 nghìn đến 1 triệu kể cả khi siết chặt tất cả các khoản chi tiêu. Với khoản tiền tiết kiệm này, bạn có thể gửi ở ngân hàng để nhận lãi.
Ngoài ra, để tiền đẻ ra tiền, bạn có thể dùng tiền tiết kiệm để đầu tư nhưng theo cách này, bạn phải chấp nhận rủi ro và dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu lĩnh vực mà mình định đầu tư. Bạn có thể đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hoặc kinh doanh nho nhỏ trong thời gian không vướng bận công việc. Lợi nhuận thu được có thể để tiết kiệm tất hoặc trích một phần để tái đầu tư.