Lừa đảo qua điện thoại hiện là vấn đề nhức nhối của xã hội, xuất hiện ở nhiều nước và được nhiều người quan tâm. Các chiêu thức lừa đảo thay đổi liên tục khiến người dân đôi khi bị mất cảnh giác và rơi vào bẫy của kẻ xấu. Một trong những chiêu lừa đảo xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là trò mạo danh shipper. Kẻ gian sẽ gọi điện thoại nói với nạn nhân rằng họ có kiện hàng đang đến và cần thanh toán tiền. Nếu nạn nhân nói không có nhà và nhờ giao cho một người quen nào đó hoặc để ở khu vực quen thuộc nào đó trong nhà, chúng sẽ gửi cho người dân một số tài khoản và yêu cầu chuyển tiền để thanh toán.
Nếu làm theo lời của kẻ xấu, nạn nhân sẽ mất tiền. Ngoài ra, để chiếm đoạt nhiều tài sản hơn, sau khi nhận tiền, kẻ xấu sẽ nói rằng mình gửi nhầm số tài khoản nên khách hàng đã đăng ký thành công để trở thành shipper. Chúng sẽ đe dọa nạn nhân nếu không giải quyết vấn đề này, hàng tháng, tài khoản của khách hàng đều sẽ bị trừ tiền. Nhiều người nhẹ dạ cả tin nhanh chóng làm theo hướng dẫn của kẻ xấu để lấy lại tiền. Chúng sẽ đưa ra yêu cầu phải truy cập vào một trang web nào đó hoặc gửi link để cài đặt ứng dụng nhằm hủy bỏ việc đăng ký. Tuy nhiên, đây chỉ là ứng dụng/website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin của người dùng và tiến tới chiếm đoạt tài sản.
Một trong những vấn đề mà nhiều người thắc mắc là tại sao kẻ xấu lại có thể nắm rõ các thông tin cá nhân của mình. Dưới đây là một số nguyên nhân:
Lý do kẻ lừa đảo nắm được thông tin cá nhân của người mua hàng online: Rò rỉ dữ liệu làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng
Trên thế giới, không có ngành nào an toàn trước vấn đề rò rỉ dữ liệu, làm lộ thông tin của người dùng. Hằng năm vẫn có những vụ sự cố an ninh xảy ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống. Mới đây, nhà vận chuyển toàn cầu Hipshipper, là đối tác của Amazon, Shopify, eBay đã la lộ hơn 14 triệu hồ sơ khác hàng. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi nó được phát hiện vào tháng 12/2024. Đây là giai đoạn cao trào của mùa vận chuyển quốc tế khi số lượng hàng hóa được gửi đi ở mức vô cùng lớn. Tuy nhiên, sự việc này chỉ được khắc phục vào khoảng tháng 5. Điều này có nghĩa là các dự liệu quan trọng của khách hàng đã trở thành thông tin trôi nổi và nhiều người có thể tìm được chúng.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng lừa đảo có thể nắm rõ các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chi tiết đơn hàng của người dân. Dù chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy kẻ xấu truy cập dữ liệu nhưng khả năng cao chúng sẽ dùng các phần mềm tự động để quét trên internet nhằm tìm ra các lỗ hổng của các công ty và khai thác dữ liệu với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cách bảo vệ thông tin cá nhân khi mua hàng online
- Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo
Người dân cần thường xuyên theo dõi tin tức, cập nhật các cảnh báo của cơ quan chức năng về chiêu thức, thủ đoạn mới của kẻ lừa đảo. Khi nhận được các thông tin từ số điện thoại lạ, người dân không được thực hiện theo ngay lập tức mà cần bình tĩnh, kiểm tra lại các thông tin xung quanh để xác định xem vấn đề có thực sự xảy ra không.
Khi được yêu cầu cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, người dân tuyệt đối không được làm theo.
- Không truy cập vào đường link lạ, không cài đặt các app từ đường link lạ
Một trong những thủ đoạn phổ biến của kẻ xấu là gửi các đường link lạ hoặc yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng từ đường link mà chúng gửi. Thông thường, các đường link hoặc ứng dụng này có giao diện trông gần giống ứng dụng, website của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, chúng thực chất chứa các loại virus, phần mềm gián điệp có mục đích chiếm đoạt thông tin của người dùng.
- Bật xác thực hai lớp
Việc bật xác thực hai lớp giúp hạn chế khả năng bị người khác đăng nhập, chiếm đoạt tài sản. Dù kẻ xấu có được mật khẩu, chúng vẫn cần có một mã được gửi qua email hoặc số điện thoái cá nhân để hoàn tất việc đăng nhập. Khi bật xác thực hai lớp, khi có kẻ xấu định đăng nhập vào tài khoản, người dân sẽ nhận được thông báo và sớm có phương án xử lý phù hợp.
- Thường xuyên cập nhật mật khẩu
Thay vì sử dụng một mật khẩu cho nhiều trang web, nhiều ứng dụng và chẳng bao giờ đổi mật khẩu mới, người dùng nên tìm nhiều mật khẩu khác nhau để đăng nhập. Đồng thời, người dân cũng nên định kỳ đổi mật khẩu để hạn chế nguy cơ bị kẻ xấu phát hiện mật khẩu và đăng nhập thành công vào tài khoản.
Như vậy, bạn đã hiểu được phần nào về nguyên nhân khiến kẻ lừa đảo, mạo danh làm shipper nắm được thông tin chi tiết của "con mồi" và từng bước thực hiện tiếp cận nạn nhân, tiến tới việc chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt tài sản.