Gần 20 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện (BV) K Trung ương và BV Phụ sản Trung ương cuối tuần qua đã tham gia ca mổ bắt con thành công cho sản phụ Đậu Thị Huyền Tr., sinh năm 1991, ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Cháu bé đã chào đời khoẻ mạnh. |
Chị Tr. là thai phụ bị ung thư phổi di căn có nghị lực phi thường chiến đấu tới phút cuối cùng trong đau đớn để mang lại cơ hội sống khoẻ cho con trai.
Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương, tại thời điểm mổ lấy thai, thai nhi mới được 29 tuần, nhưng sức chịu được của người mẹ đã đến giới hạn. Tiếng khóc chào đời của bé trai nặng 1,2 kg khiến người mẹ xúc động trào nước mắt, còn các bác sĩ cũng thở phào nhẹ nhõm sau 30 phút căng thẳng trong những tư thế phẫu thuật chưa từng gặp để có được “mẹ tròn con vuông”.
Thai phụ bị ung thư phổi có nghị lực phi thường. |
Bệnh nhân Đậu Thị Huyền Tr. nhập viện K Trung ương ngày 24-6 ở tuần thai thứ 27, bệnh tiến triển nặng di căn từ phổi sang gan, hạch to lên, tràn dịch màng phổi, bệnh nhân khó thở suy hô hấp mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối làm tất các những xét nghiệm chụp chiếu có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Điều trị tại Khoa nội 1, BV K cơ sở 1 được 1 tuần, bệnh nhân có biểu hiện khó thở tăng lên. Ngay lập tức, thai phụ được chuyển lên Khoa Gây mê Hồi sức. Bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, cho biết tại đây bệnh nhân được hỗ trợ thở ô xy, điều trị kháng sinh, sử dụng thuốc cầm máu, hút dịch mỗi ngày 1 lần và cung cấp chế độ dinh dưỡng đặc biệt với mục đích điều trị triệu chứng để hỗ trợ, tăng đề kháng, giúp bệnh nhân dễ thở hơn. “Mọi chỉ định điều trị điều trị cho thai phụ ung thư phổi phải đảm bảo hiệu quả, an toàn cho cả mẹ và thai nhi nên hàng ngày các bác sĩ ở BV K và Phụ sản Trung ương đều trao đổi thông tin về ca bệnh này”- bác sĩ Thọ nói.
Thai nhi nặng 1,2 kg đang được chăm sóc tại BV Phụ sản Trung ương. |
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Tr. ngay từ thời điểm nhập viện, bác sĩ Lê Thị Yến, Khoa Nội, chia sẻ: “Một trong những ca bệnh khiến nhân viên y tế ở đây vô cùng xúc động là hình ảnh người mẹ trẻ bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, khối u trung thất khiến bệnh nhân khó thở, không thể nằm được, buộc phải ngồi 24/24 trong suốt thời gian điều trị tại viện và mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng nhưng bệnh nhân vẫn kiên trì chiến đấu đến phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội được sống càng cao ngày ấy. Cảm nhận được nghị lực phi thường, tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ dành cho con nên mỗi nhân viên y tế đều cố gắng hết sức mình”.
Hội chẩn giữa BV K Trung ương với các chuyên gia BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai, đều thống nhất cố gắng duy trì thai nhi được ở trong bụng mẹ thêm một ngày thì cơ hội sống của trẻ càng cao.
Tối ngày 10-7 khi thai nhi ở tuần thứ 29, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của bệnh nhân đã đến giới hạn, lo ngại bệnh nhân lên cơn suy hô hấp bất cứ lúc nào có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã gọi điện sang BV Phụ sản Trung ương hỗ trợ. Ngay lập tức, 2 kíp mổ và hỗ trợ sơ sinh được điều sang BV K thực hiện ca mổ.
Theo bác sĩ Thọ, ca mổ diễn ra lúc 20 giờ. Điều đặc biệt ở ca mổ này là các bác sĩ phải mổ lấy thai khi bệnh nhân đang ngồi trên bàn mổ, hai y tá đỡ hai bên lưng, bác sĩ cúi ngang bàn để mổ lấy thai. Với bệnh nhân đặc biệt này cũng không thể gây mê, vì nếu gây mê thì khó có thể tỉnh lại được, bác sĩ cũng không dám tiêm thuốc an thần vì sợ dẫn đến suy hô hấp nặng hơn. Các bác sĩ chỉ gây tê tuỷ sống và theo dõi chặt huyết áp của bệnh nhân. Vì thế, trong suốt ca mổ, bệnh nhân gần như tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Liên Phương, Phó Khoa sản bệnh lý, BV Phụ sản Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật mổ lấy thai cho sản phụ, cho biết: “Lúc nhìn thấy thai phụ, tôi rơi nước mắt vì cảm giác sự sống rất mong manh ở một bệnh nhân đang giành giật sự sống với tử thần, huống hồ cô ấy còn mang trong mình một đứa con. Tôi có nói với bệnh nhân: "Xác định tư tưởng” trước nhưng cô ấy có nói với tôi rằng: “Nếu con em sinh ra khoẻ mạnh, nó sẽ tự "chiến đấu" với đời”. Trong tư thế mổ đặc biệt ấy, kíp phẫu thuật cũng phải chạy đua để trong thời gian nhanh nhất mổ bắt thai. Tôi hy vọng, nghe thấy tiếng khóc của con trai, cô ấy sẽ có thêm tinh thần và nghị lực để chiến đấu với bệnh tật”.
Ngay sau khi chào đời, thai nhi đã được các bác sĩ cho vào lồng ấp và chuyển thẳng đến BV Phụ sản Trung ương điều trị. Đến thời điểm này, sức khoẻ bé trai dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để xuất viện được, bệnh nhi phải tự thở được và ăn được. Hiện cháu bé đang được nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch và đường ruột với lượng sữa ăn vào tăng dần, lúc đầu là 2 ml/lần ăn, nay đã là 7ml/lần ăn. Mỗi ngày bé được cho ăn 8 lần.
Bệnh nhân Đậu Thị Huyền Tr. và mẹ. |
Bệnh nhân được Quỹ vì ngày mai tươi sáng - quỹ dành cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn hỗ trợ 10 triệu đồng. |
Sáng 13-7, sau 4 ngày phẫu thuật lấy thai, bệnh nhân Tr. đã tỉnh và đang được điều trị tích cực. Những thuốc dùng điều trị cho bệnh nhân cũng đều là loại đắt tiền, một ngày lên tới 6-8 triệu tiền thuốc. PGS-TS Thuấn cho biết do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên mọi chi phí điều trị cho ca bệnh đặc biệt này đã được một mạnh thường quân giấu tên tài trợ.
"BV đã từng điều trị cho các trường hợp ung thư vú, ung thư hạch có thai với kết quả rất tốt nhưng đây là bệnh nhân đầu tiên bị ung thư phổi di căn - một ca bệnh rất nặng được điều trị, phẫu thuật thành công với sự phối hợp của bác sĩ 2 chuyên ngành sản và ung thư" - PGS-TS Thuấn cho biết.
Không giấu nổi nước mắt, bà Lê Thị Lan (60 tuổi, mẹ bệnh nhân Tr.) nghẹn ngào: “Trước khi phát hiện bệnh ung thư phổi, sức khoẻ của Tr. hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, lúc thai được 11 tuần tuổi, Tr. thấy khó thở nhưng đi khám cũng không phát hiện ra bệnh. Vài tuần sau đó, khám lại biết mình bị ung thư phổi phải bỏ thai để điều trị nhưng nó quyết giữ lại “giọt máu”. Nó nói rằng nếu nó có mệnh hệ gì thì đứa con sẽ là niềm an ủi, niềm hạnh phúc cho gia đình hai bên. Được “mẹ tròn con vuông" thế này, gia đình tôi rất biết ơn các y bác sĩ”.
"Tình mẫu tử" thiêng liêng nên có nhiều người mẹ dù biết mình mang căn bệnh ung thư khi có bầu nhưng họ vẫn kiên quyết giữ lại con của mình để được một lần nhìn thấy mặt con yêu.
Khi có tin mang thai, chị Nguyễn Thị Yên (Hoài Đức, Hà Nội) cũng như gia đình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, lúc thai nhi được 5 tháng, chị thường xuyên bị chảy máu cam và xuất hiện hạch lạ. Chị đi viện khám và bị chẩn đoán bị ung thư hốc mũi giai đoạn cuối. Ung thư đã di căn đến mắt và khó điều trị khi chị đang mang bầu.
Các bác sĩ khuyên chị nên bỏ cái thai để chữa bệnh và cứu đôi mắt của mình nhưng chị đã từ chối. Chị đã chấp nhận chìm dần trong bóng tối từ tháng thứ sáu trở đi để giữ con mặc cho nhiều người bảo chị dại vì không bỏ con. Và chị đã thực hiện được quyết định của mình trong cả niềm hạnh phúc và đau đớn vì bệnh tật. Chị sinh đứa con của mình vào tháng thứ 8 khi mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Em bé được đặt tên Nguyễn Hoàng Cẩm Tú và khỏe mạnh đến kỳ diệu.
Người mẹ ung thư và con trai 1 năm tuổi. |
Những tưởng chỉ cứu được con, nhưng vì tình mẫu tử mãnh liệt, chị vẫn cố sống tiếp mà chưa một lần hối hận vì đã sinh ra con, mặc cho bệnh tật cứ mãi dày vò thân xác chị.
Gọi vợ không về nhà, chồng làm bát nhang thờ sống vợ con... (Xã hội) - (Phunutoday) - Sang nhà bố vợ gọi vợ về nhà không được, người chồng này đã thu dọn hết quần áo của vợ bó vào 1 cái chiếu để giữa nhà rồi ném ra đường. |