Sơ chế lạc
Khi mua lạc, bạn nên ưu tiên chọn loại lạc có hạt tròn mẩy, vỏ căng. Các hạt lạc đều nhau, khô chắc. Lựa bỏ các hạt mốc, lép, mọc mầm để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhiều người mua lạc về sẽ đổ trực tiếp vào chảo để rang luôn. Tuy nhiên, lạc mua bên ngoài thường dính bụi bẩn. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua bước rửa và ngâm lạc. Việc rửa lạc này không chỉ giúp làm sạch bụi bẩn trên lạc mà còn làm giảm lượng dầu trong lạc, giúp lạc không bị hôi dầu và nhanh ỉu.
Theo kinh nghiệm của một số cửa hàng lạc rang húng lìu truyền thống ở Hà Nội, lạc có thể được đêm ngâm nước một lúc trước khi rang hoặc dùng nước sôi già chần nhanh lạc.
Việc ngâm hoặc trụng nước sôi còn có tác dụng làm giảm mùi ngái và vị chát của lạc.
Lạc ngâm nước khi rang sẽ chín từ từ, tránh được tình trạng bên ngoài cháy, bên trong vẫn chưa chín. Lạc rang theo cách này để lâu vẫn giữ được độ giòn thơm.
Rang lạc
Khi rang lạc, bạn cần để lửa vừa phải, canh đều nhiệt để lạc chín từ từ và chín đều.
Người xưa thường sử dụng cát vàng đãi sạch, phơi khô để rang lạc. Cát được cho vào chảo và đem đảo cùng lạc. Cát sẽ giúp lạc chín đều mà không bị cháy.
Nếu không có cát sạch, bạn có thể rang lạc trên chảo như bình thường. Một số người sẽ cho muối hạt vào rang cùng lạc để lạc chín đều, nhanh giòn và có hương vị đậm đà hơn.
Nếu rang bằng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, bạn có thể cho lạc vào rang ở nhiệt độ 150 độ C trong 10 phút. Sau đó, hạ nhiệt của lò/nồi xuống 90 độ và tiếp tục rang trong 30 phút. Trong quá trình này, thường xuyên bỏ lạc ra để đảo đều và kiểm tra độ chín của lạc. Khi thấy lạc đạt độ chín như ý thì bỏ ra, tránh để lạc bị cháy.
Sau khi lạc được rang chín, bạn không nên đổ lạc ra để ăn ngay. Hãy cho lạc vào trong một tờ giấy hoặc một chiếc khăn sạch, gói kín lại. Bước này sẽ giúp lạc chín đều từ bên trong và giòn hơn, để lâu bị ỉu. Thời gian ủ lạc trong khoảng 50-60 phút. Lạc sau khi ủ xong, đã nguội hẳn thì đổ vào lọ, đậy nắp kín để dùng dần.