Nhiều người có thói quen khi ăn gì cũng nêm một chút mì chính vào bởi chúng tạo độ ngọt cho đồ ăn nhưng nếu quá lạm dụng thứ bột ngọt này sẽ gây ra tác dụng khôn lường đối với cơ thể.
Thực chất mì chính không phải là một gia vị đơn thuần như muối hay tiêu, mà là chất tăng cường hương vị cho thực phẩm, làm cho các đồ ăn có cảm giác tươi ngon hơn, mùi dễ chịu hơn. Nó đánh lừa miệng lưỡi của người ăn khi mang lại cảm giác là có nhiều protein hơn, ngon miệng hơn.
1. Tác hại khi ăn quá nhiều mì chính:
Cơ thể nhức mỏi
Ăn quá nhiều mì chính còn gây ra các triệu chứng như nóng ran sau gáy, choáng váng, nhức đầu, khô cổ, nhiều đờm, khó chịu... Các cơn hen có thể xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi dùng mì chính.
Nhiều người sau 30 phút sử dụng quá nhiều mì chính sẽ bị nhiều biểu hiện khác nhau như căng thẳng, hoa mắt, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, ủ rũ, những cơn bốc nóng sau gáy bất thường…
Ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể
Những người có thể trạng nhạy cảm hay bị nhức đầu, đỏ mặt, đau gáy, nôn mửa; người mắc bệnh hen suyễn, cao huyết áp, thận, tim và trẻ em không nên sử dụng mì chính vì cơ thể sẽ có những diễn tiến xấu.
Còn trẻ em ăn mì chính sẽ làm thay đổi khẩu vị và gây nghiện mì chính khi không có gia vị này, trẻ sẽ không ăn, vô tình gây độc cho não của các bé.
Có thể gây mù mắt
Một nghiên cứu do ông Hiroshi Ohguro đứng đầu (Khoa mắt, Đại học Hirosaki, Nhật Bản) đã cho thấy rằng những con chuột được cho ăn khẩu phần có nhiều bột ngọt đã bị mất thị lực và có võng mạc mỏng hơn.
Trong nghiên cứu này, những con chuột được cho ăn ba chế độ khác nhau trong vòng sáu tháng, chế độ ăn có chứa 3 mức MSG (monosodium glutamate hay còn gọi là bột ngọt) khác nhau: mức cao, vừa phải hoặc không có bột ngọt. Ở trên các con chuột ăn khẩu phần có nhiều bột ngọt, một số lớp tế bào thần kinh võng mạc mỏng đi đến 75%. Ở lô được cho ăn lượng bột ngọt vừa phải, chuột cũng có những tổn thương nhưng ở mức độ thấp hơn.
2. Những món ăn kị mì chính mà chúng ta nên biết:
Hải sản
Đây chính là điều cấm kỵ khi dùng mì chính. Không nêm mì chính vào món ăn liên quan đến cá, tôm, các loại thủy hải sản có vỏ cứng như ngao, sò, ốc, hến… vì sẽ gây đau bụng, tiêu chảy.
Mì chính không cho vào trứng
Trong trứng có nhiều bột và khi kết hợp với muối natri clorua rồi đun nóng sẽ tạo ra thứ mì chính tinh khiết, giúp trứng có hương vị thơm ngon. Vì thế, không cần cho mì chính vào trứng, nếu cho vào sẽ gây nên tình trạng thừa mì chính và gây hại cho sức khỏe.
Mì chính kỵ món ăn khô
Đặc điểm của mì chính là phải hòa tan trong nước, đặc biệt là nước ấm. Vì vậy, tất cả các món ăn khô đều không nên nêm mì chính, vì nếu không hòa tan, ăn mình chính nguyên hạt sẽ bị lợm miệng, buồn nôn.
Nếu vẫn muốn cho mì chính vào các món ăn này, chị em nhớ phải hòa tan với một chút nước ấm trước khi nêm vào món ăn.
Cấm kỵ với món rán
Không nên cho trực tiếp mì chính lên trên bề mặt các thực phẩm chiên vàng, cháy xém cạnh, vì mì chính rất khó tan, làm mất hương vị đặc trưng của món ăn và gây tổn hại cho dạ dày.
Mì chính kỵ món ăn lạnh
Nhiệt độ tốt nhất để món mì chính phát huy tác dụng là ở nhiệt độ 80 ℃ - 100 ℃. Nếu nhiệt độ thấp hơn hoặc các món ăn lạnh, mì chính hầu như không phát huy tác dụng làm nổi bật hương vị của món ăn. Thậm chí còn làm cho món ăn trở nên trái vị, khó ăn, gây độc hại đến hệ tiêu hóa và khẩu vị.
Không cho mì chính vào thức ăn có vị chua
Bổ sung mì chính vào các món có vị chua là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải khi nấu nướng. Bởi mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit nên có thể làm mất đi hương vị ban đầu của món ăn, thậm chí làm chúng trở nên chua hơn. Hơn nữa có thể khiến mì chính bị thay đổi gây ảnh hưởng tới sức khỏe.