Tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/12, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết thông tin về các trường hợp lãnh đạo, quản lý có thể từ chức.
Theo Vietnamnet đã đưa về dự thảo quy chế bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm đang được Bộ Nội vụ soạn thảo, công chức, viên chức quản lý có thể từ chức trong 3 trường hợp: không đủ sức khỏe, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có vấn đề liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý dù không do bản thân họ gây ra.
Trong đó, việc đánh giá năng lực "có làm được việc hay không" sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: cấp trên đánh giá cấp dưới; ai giao việc thì người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá... Và đặc biệt là tiến tới không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức, viên chức trong đơn vị khi đánh giá hàng năm như trước đây.
Việt Nam nên mở một lớp học dạy từ chức |
Có thể nói, việc quy định những trường hợp cụ thể để các lãnh đạo Việt có thể từ chức cho thấy nước ta đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đưa văn hóa từ chức trở nên gần gũi hơn. Bởi trên thực tế, nếu các vị lãnh đạo rơi vào một trong ba trường hợp nêu trên, người ta có thể ngay lập tức gợi ý việc từ chức cho họ thay vì không biết xử lý như thế nào, để rồi những vụ lùm xùm cứ tự chìm đi và trôi vào dĩ vãng như hiện nay.
Chẳng cần lấy ví dụ đâu xa, như vụ việc bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân gây xôn xao dư luận gần đây. Theo quy định về 3 trường hợp lãnh đạo có thể từ chức, thì lãnh đạo ban ngành, lực lượng thanh tra liên quan hoàn toàn có thể từ chức thay vì cứ đùn đẩy trách nhiệm như vừa qua.
Hay như việc để xảy ra nghi án án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn gây rúng động dư luận, các vị lãnh đạo của cơ quan điều tra, tòa án có thể xét đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình.
Trên thực tế, tại nhiều nước trên thế giới việc lãnh đạo từ chức đã trở nên rất quen thuộc, trở thành một nét văn hóa trong đời sống chính trị. Ở Nhật, đã có rất nhiều trường hợp một vị lãnh đạo cao cấp dù đã làm việc hết sức nhưng trong mắt người dân không thấy hiệu quả thì vẫn phải tự từ chức. Dù quan chức lớn đến cỡ nào chỉ cần có những rắc rối liên quan, dính dáng đến tên tuổi mình một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng tự cảm thấy xấu hổ mà từ chức và công khai xin lỗi.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Mỹ Barack Obama.Ông đưa ra quyết định này sau khi xảy ra vụ tai nạn ôtô liên hoàn ở California hồi đầu tháng mặc dù vụ tai nạn này không có bất cứ một nạn nhân nào ngoài chính “thủ phạm”. Ông Bryson ý thức khó hoàn thành tốt công việc khi sức khỏe không đảm bảo vì vậy cần phải để cho những người có sức khỏe hơn, năng lực để gánh trên vai trọng trách của quốc gia.
Có vô cùng nhiều lý do để một nhà lãnh đạo cấp cao đệ lá đơn từ chức. Nhưng ở ta việc nhiều người săm soi, bàn tán về những cá nhân “từ chức, xem họ gây nên chuyện gì, đằng sau việc từ chức như thế nào... đã vô hình chung tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết. Và dường như cũng chính vì vậy mà đã có không ít người Việt cho rằng từ chức là loại hình văn hóa xa xỉ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ hy vọng dự thảo quy chế bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm sẽ là bước đệm giúp các "sếp" Việt tiến gần hơn với việc từ chức. Nếu quý vị vẫn còn e ngại việc dự thảo còn lâu mới có thể đi vào thực tế thì chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất những biện pháp tuyên truyền văn hóa từ chức rộng rãi hơn như mở các lớp dậy từ chức.
Có thể mọi người cho rằng đó chưa thực sự là một ý kiến hay thế nhưng nếu chúng ta lựa chọn được giáo viên phù hợp và có sức ảnh hưởng lớn, chắc chắn nhiều vị lãnh đạo, quản lý sẽ xếp hàng để được tham gia lớp học đặc biệt này.
Và một đề cử rất đáng chú ý cho vị trí đặc biệt ấy chính là Lý Nhã Kỳ. Kinh nghiệm từ việc đã từng rút lui khỏi danh hiệu Đại sứ du lịch - vị trí quan trọng, được xem là bộ mặt của cả đất nước chính kinh nghiệm thực tiễn của bản thân giúp Lý Nhã Kỳ có thể chia sẻ trong lớp học.
Mặc dù đã từng rất nhiều lần chia sẻ niềm yêu thích lớn lao với công việc của một Đại sứ du lịch và đã từng hoàn thành rất tốt công việc, nhưng một khi cảm thấy không đủ sức khỏe cho công việc, Lý Nhã Kỳ vẫn quyết định rút lui khi sắp tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Hành động này quả thực rất đáng được nêu gương.
Đấy là chưa kể Lý Nhã Kỳ là tên tuổi có tầm "ảnh hưởng thế giới", và những mối quan hệ rộng rãi với các chính khách trong và ngoài nước của kiều nữ sẽ giúp cho lớp học trở nên nổi tiếng khắp nơi.
Các nhà tổ chức lớp học có thể hy vọng văn hóa từ chức sẽ được tuyên truyền một cách rộng rãi và có nhiều người hiểu hơn hành động này, từ đó có thêm dũng cảm cũng như sự hiểu biết để sẵn sàng chấp nhận từ chức khi cần thiết.
Với sự lôi cuốn khó cưỡng của nữ giáo viên xinh đẹp cùng những kinh nghiệm sẵn có, chắc chắn Lý Nhã Kỳ sẽ có thể truyền đạt một cách hiệu quả quan cái nhìn mới, thoáng hơn về từ chức. Từ đó việc các "sếp" lui về chỉ đơn giản là để những người giỏi hơn đảm nhận công việc thay thế cho quan điểm phải từ chức khi bị bắt buộc hay dính dáng đến những vụ lùm xùm không hay. Để rồi dư luận xung quanh việc từ chức cũng sẽ trở nên bớt nặng nề hơn, tạo điều kiện cho người tử chức và gia đình có những sự thoải mái nhất định.
Có thể thấy mục tiêu và ý nghĩa to lớn của lớp học là rất rõ ràng, vì vậy thiết nghĩ lớp học dạy từ chức của giáo viên Lý Nhã Kỳ cần được tổ chức càng sớm càng tốt ở nước ta.