Muốn không bị tiểu nhân ganh ghét, hãm hại, hãy làm thật tốt 3 điều này

( PHUNUTODAY ) - Đối phó với tiểu nhân quả thực vô cùng khó. Nhưng nếu biết cách bạn vẫn sẽ hạn chế được tối đa sự ganh ghét, hãm hại của họ.

3 điều cần biết để không bị tiểu nhân ganh ghét, hãm hại

1. Khổng Tử - Bỏ bớt đi cho khỏi đổ

Một lần, Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Dám hỏi thưa thầy, có cách gì giữ cho đầy mà khỏi đổ chăng?”.Khổng Tử đáp: “Thông minh thánh trí thì giữ bằng ngu độn; công lớn tiếng to thì giữ bằng nhường nhịn; sức khỏe dũng đảm thì giữ bằng nhút nhát; giàu có hiển vinh thì giữ bằng nhún mình. Đó là cách bỏ bớt đi cho khỏi đổ”.

2. Lão Tử - Không ỷ thế, không tranh

Lão tử nói: “Công thành nhi phất cư. Phu duy phất cư, thị dĩ bất khứ” (Công thành mà không ỷ thế. Ta không ỷ thế, nên [công] còn mãi).Lão Tử đã để lại trí huệ uyên thâm về đạo lý “không tranh”. “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” (Ta không tranh, nên thiên hạ không tranh với ta).

Lại nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, thử nãi khiêm hạ chi Đức dã; cố giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi, tắc năng vi bách cốc vương” (Thiện như nước, nước có lợi cho vạn vật mà không tranh cùng vạn vật, đây cũng chính là đức khiêm nhường; cho nên biển lớn có thể làm vua của trăm dòng nước, lấy thiện đối đãi, thì có thể thành vua của trăm mạch).

3. Kinh Dịch, Chu Dịch và đạo lý “Minh triết bảo thân”

Minh triết có thể hiểu là sáng suốt, khôn ngoan, “vừa minh lại vừa triết”. Bảo thân là bảo toàn được tính mệnh và danh dự. Có người giảng: “Minh triết bảo thân” theo ý của câu: “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” trong Kinh Thi, ý nói người thông hiểu sự lý thì biết tự bảo vệ thân mình.

5 dấu hiệu nhận biết kẻ tiểu nhân

Thích nịnh nọt người khác

Những kẻ tiểu nhân khi đứng trước mặt chúng ta, họ ra vẻ rất nhiệt tình, từng lời nói "ngọt như mía lùi" khiến cho ai nấy cũng dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác.

Có những lời không nên nói, có những sự việc không nên làm nhưng bạn đã làm, đã nói trước mặt họ, vì bạn coi họ là người có thể tin cậy, nói sao biết vậy nhưng chỉ cần quay ngoắt một cái, sự việc đã đến tai người khác, đẩy bạn vào trạng thái bất lợi.

Gió chiều nào xoay chiều đó

Ở cơ quan, lãnh đạo thích ai, kẻ tiểu nhân sẽ tìm cách gần gũi người đó, lãnh đạo không thích ai, kẻ tiểu nhân sẽ ngày ngày tìm cách đả kích, ai có ưu thế sẽ đeo bám, ai thất thế sẽ xa lánh. Với những người không có giá trị lợi dụng, họ chắc chắn sẽ không bao giờ nghĩ đến việc gần gũi, kết thân.

Thích thể hiện

Trước mặt lãnh đạo, những kẻ tiểu nhân luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình nhưng khi cấp trên vừa đi khỏi, đâu lại vào đó! Trong công việc, họ nói và làm bất nhất.

Kiểu người này vô cùng giỏi trong việc kể công. Nếu công việc của người khác có một chút sơ suất, họ sẽ lập tức gọi điện thoại cho cấp trên và coi đó là "thành tích" của bản thân.

Thích bịa đặt dựng chuyện

Những kẻ tiểu nhân làm như vậy vì nhiều mục đích khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là để mua vui. Có những kẻ bịa đặt, dựng chuyện để mưu lợi cá nhân, gây bất lợi cho người khác, bôi nhọ đối thủ, nâng cao bản thân.

Sở trường đổ vấy trách nhiệm cho người khác

Nếu trong công việc mắc sai lầm hoặc hành động, ngôn từ của bản thân không đúng, kẻ tiểu nhân sẽ một mực không thừa nhận mà tìm một người thế thân gánh nạn.

Kiểu người này rất "mồm mép", có thể đổi trắng thay đen, có thể khiến mọi người nhầm lẫn mà lan truyền đi những thông tin sai sự thật.

Thậm chí có những lúc "chân tướng" vì thế mà bị giấu nhẹm đi và cho dù được phát hiện khi việc đã rồi, mức độ ảnh hưởng của nó cũng đã không còn nữa.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link