Vo gạo trước khi nấu là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, không ít người lo lắng rằng việc này sẽ khiến các chất dinh dưỡng trong gạo mất đi một lượng đáng kể. Vậy việc vo gạo nên thực hiện như thế nào cho đúng?
Vì sao cần phải vo gạo trước khi nấu?
Việc vo gạo trước khi nấu sẽ giúp loại bỏ các tạp chất, bụi bẩn bị lẫn trong gạo. Ngoài ra, vo gạo giúp cơm tơi ngon hơn.
Việc vo gạo có thể giúp loại bỏ phần tinh bột bên bên ngoài, giúp hạt cơm có kết cấu mềm dẻo hơn, không bị dính, vón cục với nhau, từ đó cơm sẽ tơi hơn.
Như vậy, ngoài việc loại bỏ bụi bẩn, vo gạo còn giúp cơm tơi hơn, không bị dính vào nhau.
Tuy nhiên, vo gạo cũng sẽ làm mất đi một phần chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi trong gạo. Việc vo và ngâm gạo trong nước quá lâu sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng.
Nên vo gạo bao nhiêu lần trước khi nấu?
Để đảm bảo không làm mất đi lượng dinh dưỡng quan trọng trong gạo, bạn không nên vo gạo quá kỹ.
Dù bạn đang dùng loại gạo nào, khi vo gạo cũng chỉ nên thực hiện một cách nhẹ nhàng. Vo gạo nhẹ tay trong khoảng 10 giây rồi gạn nước đổ đi. Không chà xát quá mạnh, quá kỹ làm mất dinh dưỡng trong gạo. Chú ý loại bỏ các mạnh vụn, hạt sạt lẫn trong gạo.
Với gạo mới, bạn chỉ cần vo tối đa 2 lần. Trong khi vo gạo, cần thực hiện một cách nhẹ nhàng rồi đổ bỏ phần nước. Không vo gạo quá kỹ, ngâm gạo quá lâu vì cách này sẽ làm mất đi một phần dinh dưỡng quan trọng trong gạo. Ngoài ra, vo gạo quá mạnh, chà xát kỹ sẽ khiến hạt gạo bị gãy, vỡ làm cơm không ngon.

Đối với gạo cũ, hạt gạo sẽ bị oxy hóa theo thời gian, đôi khi gạo không còn mùi thơm như ban đầu nữa. Để loại bỏ mùi lạ của gạo, bạn có thể vo gạo cùng một chút muối. Tuy nhiên, chỉ nên vo tối đa 3 lần và khi vo gạo cũng cần thực hiện thật nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.
Lưu ý, không được sử dụng gạo mốc. Loại gạo này sinh ra nấm aspergillus có chứa độc tố aflatoxin. Chất độc này có thể gây ra suy gan, ung thư gan nếu sử dụng các thực phẩm bị mốc (bao gồm cả gạo mốc) trong thời gian dài. Với lượng lớn, aflatoxin có thể gây ngộ độc cấp tính, đe dọa đến tính mạng của người sử dụng.
Phần nước vo gạo có thể giữ lại để rửa thịt, cá giúp loại bỏ nhớt và mùi tanh của thực phẩm. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước này để làm nước tưới cây. Nước vo gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nếu đem ủ lên men, các dưỡng chất sẽ càng tăng thêm. Dùng nước vo gọa lên men để tưới cho cây sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ, ra nhiều chồi non và hoa.
Một số lưu ý khác khi nấu cơm
Tùy theo loại gạo khác nhau mà lượng nước dùng để nấu cơm sẽ khác nhau. Theo kinh nghiệm dân gian, bạn sẽ cần đổ một lượng nước bằng khoảng 1 đốt ngón tay (tính từ bề mặt gạo) là được.
Nếu sử dụng nồi cơm điện, bạn chỉ bật nút nấu và chờ cơm chín là được.
Sau khi nồi cơm hoàn thành quá trình nấu và chuyển sang chế độ giữ ấm, bạn không nên vội vàng mở nồi cơm ra ngay. Hãy đậy nắp và ủ thêm vài phút cho cơm chín hoàn toàn.
Khi nấu cơm, bạn cũng có thể cho thêm một vài giọt dầu mè vào nồi trộn với gạo ngay từ đầu. Dầu mè giúp cơm thơm hơn, bóng bẩy hơn.
Như vậy, bạn chỉ cần vo gạo khoảng 2 lần là đủ, không nên vo quá nhiều vì sẽ làm mất đi một lượng dinh dưỡng quý giá của hạt gạo.