Đôi khi người lớn chủ quan rằng "trẻ con biết gì" nên hay trả lời đại khái, hoặc trả lời cho xong một số câu hỏi của trẻ. Đôi khi cha mẹ lại lảng tránh vấn đề mà con đang thắc mắc vì nghĩ chúng sẽ quên nhanh thôi. Nhưng sự thực thì trẻ không quên. Những câu nói của cha mẹ hôm nay có thể ấn định vào đầu con cái cả tư duy suy nghĩ về phần đời sau này.
Bạn đã bao giờ nghe con hỏi nhà mình nghèo phải không? Hay nhà mình rất giàu à? Đôi khi trẻ hỏi như vậy là vì nghe hàng xóm nói, trẻ so sánh điều kiện sống...
Có chuyện kể một người cha khi nghe con hỏi về điều đó, anh đã nói rằng nhà mình không nghèo, nhưng bố mẹ không dùng tiền đổi nhà to vì hiện tại chúng ta ở đây rất tốt, vui vẻ; bố mẹ cũng không chọn mua những đôi giày đắt tiền vì đôi giày này đi vẫn rất thoải mái, chúng ta cần dùng tiền đó cho nhiều việc ý nghĩa hơn, ví như để dành cho con đi đại học hoặc biếu ông bà, giúp đỡ người khác... Có thể nhiều người cho rằng ông bố sỹ diện lảng tránh hiện thực nhưng cũng có người thán phục vì câu trả lời của người cha không làm con tổn thương và còn chỉ ra cho con cách sống ý nghĩa khi nói về tiền.
Chuyện chúng ta nghèo, chúng ta tiêu tiền, sống thế nào với tiền rất quan trọng, nhất là khi lớn. Và điều đó lại được hình thành do cách cha mẹ dạy con từ nhỏ. Tâm thái của cha mẹ, câu trả lời của cha mẹ về vấn đề tài chính sẽ tạo động lực hoặc đánh một đòn chí mạng cho con trẻ.
Cha mẹ có thể lưu ý và tham khảo một vài điều sau:
Không nói dối về gia cảnh nhưng tránh gieo rắc tư tưởng nghèo khó lên con
Nhiều người thích gieo vào đầu con câu nói nhà mình nghèo lắm để nhấn mạnh khiến con không dám đòi hỏi gì. Cha mẹ nghĩ nói thế để con cố gắng và it mè nheo vòi vĩnh hơn. Nhưng họ không biết rằng việc cha mẹ nói nhà mình nghèo lắm có thể in hằn trong đầu trẻ sự ti ti và mệt mỏi, áp lực trói buộc. Hơn nữa đó cũng là cách tư duy không sáng không hướng tới điều tích cực. Điều đó có thể gây ra áp lực cam chịu và khiến trẻ có nhiều ẩn ức.
Nếu con bạn đòi hỏi, hãy dạy cho trẻ biết vì sao điều đó không tốt, hãy hướng con tới điều tích cực hơn như là chúng ta làm điều khác ý nghĩa hơn thay vì việc chặn đứt khao khát của con bằng việc không có tiền. Thay vì như thế hãy nói với con rằng chúng ta cần làm việc này trước, việc kia trước đã để cho trẻ học thêm được việc sắp xếp nhu cầu cuộc sống. Còn nếu trả lời nhà mình không có tiền nghĩa là bạn gieo cho con suy nghĩ thứ đó cần đấy nhưng vì bố mẹ không đủ tiền... Sự tự ti có thể khiến trẻ không dám bộc lộ bản thân mình, luôn kìm kẹp bản thân mình lại.
Tuy nhiên nếu bạn nói dối nhà mình giàu, nhiều tiền, và cố chiều theo ý con thì lại khiến con trở nên huênh hoang hư hỏng, phù du.
Hãy dạy cho con về việc tiêu tiền cho những thứ cần thiết, và có những thứ khác vui hơn so với sự đòi hỏi của con. Từ đó vừa ngăn chặn được sự tự ti của trẻ lại dạy trẻ biết sắp xếp tiêu tiền hợp lý và vươn tới những điều ý nghĩa hơn.
Hãy dạy trẻ về tiền bạc
- Khi con trẻ đặt câu hỏi liên quan tới tiền, hãy dạy con sớm về tiền bạc và ngay cả khi con không hỏi thì bạn cũng nên dạy con về tiền bạc.
-Cho trẻ biết tiền đến từ đâu: Trẻ con cần được dạy về giá trị lao động để trân trọng giá trị lao động, muốn có tiền thì phải làm việc. Trong độ tuổi trẻ cần được giao làm những việc phù hợp với độ tuổi từ việc nhà tới việc của cá nhân... Trẻ lớn hơn có thể tham gia kiếm tiền khi đi hỗ trợ công việc cha mẹ, họ hàng...
- Hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền: Cần dạy trẻ hiểu về việ "cần" và "muốn" để biết tiêu tiền đúng cách và để định hướng đúng liên quan tới tiền. Trẻ nhỏ, thậm chí cả người lớn cũng thường muốn trước khi cần. Thế nên cha mẹ cần hãy phân tích cho con hiểu những gì con muốn nhưng chưa thực sự cần... để giúp trẻ hình thành được thói quen tiêu tiền có ý nghĩa.
- Cha mẹ nên cho con khoản tiền tiêu vặt hàng tháng để con tự sắp xếp thay vì cho con theo từng ngày và chỉ định cho con mua gì.
Tiền bạc, giàu nghèo là vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống. Dạy con có quan điểm đúng đắn về tiền còn ảnh hưởng tới cuộc đời con sau này.