Nếu muốn tốt cho người, không họa cho mình thì lắng nghe cho họ than thở, đừng vội khuyên về giải pháp. Vì sao?

10:52, Thứ tư 10/07/2024

( PHUNUTODAY ) - Đôi khi bạn quá nhanh chóng đưa lời khuyên, nói cho họ giải pháp sẽ gây ra họa chứ không hề giúp họ giải quyết vấn đề.

Trong đời sống ai cũng có phiền muộn, ai cũng muốn tìm người than thở. Nếu bạn sẵn lòng nghe ai đó than thở hãy im lặng lắng nghe họ, cho họ trải lòng. Nhưng trong mọi vấn đề của họ chớ vội đưa ra lời khuyên nên thế này nên thế kia, giải pháp này giải pháp kia.

Trong đời sống nhiều người vì lo cho người khác đã vội vàng đưa lời khuyên trong lúc họ chưa kịp bình tĩnh, thậm chí có người còn hành động thay hoặc có thao tác tác động để họ hành động theo hướng mình khuyên. Điều đó không hoàn toàn tốt, thậm chí có thể gây họa lớn. Thế nên những người làm tư vấn viên tâm lý thường được nghe được học tới nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp là phân tích vấn đề rồi để đương sự tự đưa ra quyết định chứ không bảo họ nên làm thế này nên làm thế kia. 

Lắng nghe và phân tích chớ đừng áp đặt giải pháp cho người khác

Lắng nghe và phân tích chớ đừng áp đặt giải pháp cho người khác

Hãy phân tích đừng đưa giải pháp

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhận thức khác nhau, xuất phát điểm và các yếu tố điều kiện khác nhau. Mỗi người có nhân sinh quan và cả khả năng chịu đựng, khả năng vượt qua khác nhau. Thế nên giải pháp này có thể tốt với người này mà không tốt với người kia.

Do đó chỉ nên phân tích sự việc còn lại "kết bài" ra sao phải do mỗi người tự lựa chọn cho phù hợp với bản thân họ. Có rất nhiều người trong chúng ta vẫn tự hào với chính bản thân mình rằng nhiều người tìm đến mình khi muộn phiền. Nhiều người tự thấy mình là quan trọng, tự cho rằng mình là người “biết sống” bởi nhiều người đã tìm tới xin bạn chỉ dạy, mách lối. Bạn có vui không khi luôn được bạn bè người thân tin tưởng tìm đến nhờ tư vấn. Hẳn là ngoài việc cảm thấy một chút “nặng gánh” ra thì ai cũng len lén niềm vui khi được nhiều người tin tưởng cởi mở tâm tư. Thế nhưng hãy bình tĩnh, kìm chế lại đừng mang những lời khuyên có tính áp đặt rằng “Bạn phải làm…”, “Cách giải quyết phải là…”, “Tại không chịu làm theo tôi khuyên đấy, làm đi, làm đi”, “Chả có cách nào hay hơn đâu, thực hiện đi không thì muộn”… Hãy dừng lại ngay những lời khuyên mang tính chỉ đạo và áp đặt và có tính thao túng ấy!

Tùy theo từng cá nhân có sự chịu đựng, tính đáp ứng khác nhau, giải quyết khác nhau, phẩm chất khác nhau nên cùng một tình huống nhưng cách giải quyết đó có thể tốt cho người này mà lại không tối ưu cho người kia, thậm chí còn gây hại. Con người chỉ thực sự mạnh mẽ lên khi tự chịu được trách nhiệm với quyết định của mình thế nên mọi quyết định trong đời nên phải là tự mình quyết. 

Lặng lẽ kiên nhẫn lắng nghe đã là tốt

Khi một người đang muộn phiền, đôi khi họ tìm tới bạn là vì họ muốn được giải tỏa nỗi lòng, được nói, được kể ra với người mà họ tin. Họ chỉ muốn nói chứ chưa chẳn để đi tìm lời khuyên nên làm gì. Thế nên kiên nhẫn lắng nghe, cho họ được nói và đừng mang chuyện của họ đi "buôn bán" lại để tăng thị phi cho họ đã là bạn tốt rồi. Im lặng lắng nghe cũng là một dạng nhẫn. Không phải ai cũng muốn "chứa đựng" những câu chuyện buồn của người khác. Vì thế bạn có thể ngồi nghe họ, cho họ nói, họ cảm thấy an toàn khi nói, họ không sợ nói ra với bạn rồi bạn đi kể cho cả thiên hạ nghe đã là một cách an ủi vỗ về, xoa dịu tổn thương trong họ. Im lặng lắng nghe, không chỉ trích, bình xét, không kể lể truyền tai cho người khác là một phẩm chất tốt của một người bạn tốt rồi. Đừng cho rằng mình phải có giải pháp giúp bạn mới là tốt. Tuyệt đối không vội vàng khuyên nhủ, không vội vàng thúc đẩy họ thực hiện lời khuyên của mình để tránh gây họa cho người và rước thêm "nghiệp" cho bản thân. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên