Khoảng tháng 9/2018, Charlie O'Brien, một phát thanh viên và huấn luyện viên về cuộc sống ở Anh, đã chia sẻ một đoạn video về việc con gái cô, Luna thở bất thường trong khi ngủ. Khi đó, Luna mới được 4 tuần tuổi. Đến nay, đoạn video này đã đạt 2,4 triệu lượt xem cùng với hơn 34 nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Charlie đã chia sẻ: "Con bé có một ngày ngủ rất yên tĩnh và hầu như không khóc. Tôi đã quan sát nhìn con ngủ cạnh và nhận ra nó có điều gì đó không đúng".
Sau đó, Charlie đã cởi áo của con gái ra để kiểm tra và nhận thấy bé thở rất khó khăn, lồng ngực của cô bé co rút vào sâu bên trong theo từng nhịp thở.
Ngay sau đó, Charlie đã đưa Luna đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cô bé bị viêm tiểu phế quản và có nồng độ oxy trong máu thấp.
Do được đưa đến bệnh viện kịp thời nên sức khỏe của Luna đã nhanh chóng phục hồi.
Charlie chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội như một lời cảnh báo tới các vị phụ huynh luôn phải để ý các biểu hiện bất thường của trẻ. Khi thấy trẻ có vấn đề không ổn, cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh hô hấp khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ trong khoảng 3-6 tháng tuổi, trẻ sinh non hoặc bệnh tim hoặc phổi.
Nguyên nhân gây ra viêm tiểu phế quan là do virus hợp bào RSV (respiratory syncytial virus).
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất khi thay đổi thời tiết, khi trời trở lạnh: Vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam hoặc mùa đông ở các tỉnh phía Bắc.
Các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm lạnh thông thường: chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho và đôi khi bị sốt nhẹ. Sau đó nó tiến triển thành ho khan và khò khè.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái.
Phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời bệnh sẽ trong vòng từ 7-10 ngày. Chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Phần lớn các trẻ mắc viêm tiểu phế quản hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú. Trong quá trình điều trị, phụ huynh lưu ý cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho. Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý giúp trẻ dễ thở hơn và bú/ăn uống tốt hơn.
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, có thể chia thành nhiều cữ bú. Đối với trẻ lớn hơn, chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ, chia nhỏ bữa để trẻ dễ hấp thu.
Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc có thể làm trẻ sẽ trở nặng và dễ bị suyễn sau này hơn.
Uống thuốc đúng giờ và đủ liều theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần đi tái khám đúng hẹn.
Hiện nay, thuốc phòng ngừa đặc hiệu còn rất đắt tiền, chưa phổ biến trên thế giới và cũng chưa có ở Việt Nam nên biện pháp phòng tránh vừa hiệu quả vừa đơn giản là:
- Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ để tránh lây lan các loại virus gây bệnh.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác.
- Ngoài ra, tiêm vắc xin cúm cũng là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho trẻ.