Mỹ tăng gấp đôi máy bay chiến đấu gần Ukraine
Quân đội Mỹ hôm qua cho biết sẽ tăng gấp đôi số máy bay chiến đấu tham gia với NATO tuần tra ở Baltic nhằm trấn an các nước đồng minh châu Âu trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các máy bay F-15 của Mỹ được điều đến tuần tra trên bầu trời Baltic để bảo vệ các nước đồng minh châu Âu trước cuộc khủng hoảng Ukraine. |
Lầu Năm Góc sẽ điều thêm 6 máy chiến đấu F-15 và một máy bay tiếp liệu KC-135 tới châu Âu tuần này để tham gia nhiệm vụ tuần tra của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ tuần tra trên bầu trời các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Đây là công việc luân phiên giữa các nước thành viên NATO.
Mỹ nhận bàn giao nhiệm vụ tuần tra từ Bỉ hồi tháng 1, khi đó cam kết cung cấp 4 máy bay F-15 trước tháng 5. Các máy bay được điều đến để đáp trả bất cứ hành vi xâm phạm nào vào không phận Baltic.
Một quan chức quốc phòng khác nói có khoảng 10 nhân viên của lực lượng Không quân Mỹ đang ở Ba Lan để tăng cường huấn luyện sử dụng các máy bay chiến đấu của Mỹ, trong đó có chiến đấu cơ F-16. Việc làm này được cho là nằm trong kế hoạch tăng cường huấn luyện để hỗ trợ các nước đồng minh ở khu vực này trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Những nỗ lực của chúng tôi tập trung vào việc làm giảm leo thang khủng hoảng, ủng hộ chính quyền mới của Ukraine bằng viện trợ kinh tế và tái khẳng định cam kết của chúng tôi với các đồng minh ở Trung và Đông Âu", Bộ trưởng Hagel nói.
Hôm qua, Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng có phát biểu khẳng định thông tin trên. Demsey nói trước cuộc họp của Thượng viện Mỹ rằng ông đã chỉ đạo Bộ tư lệnh quân sự Mỹ vùng châu Âu "thảo luận và lên kế hoạch theo yêu cầu của Hội đồng NATO" để giúp ổn định tình hình tại Ukraine.
Mỹ đã thể hiện không theo đuổi giải pháp quân sự sau khi quốc hội Nga quyết định cho phép sử dụng quân lực ở Crimea. Động thái mạnh nhất mà Mỹ tiến hành là tạm ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga từ hôm 3/3.
Nga không thể ra lệnh cho lực lượng tự vệ ở Crimea rút lui
Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây hết sức thị uy quân sự, cũng như hăm dọa và lên án Nga liên tục nhưng các biện pháp ấy có vẻ không mấy ảnh hưởng đến sự cứng rắn của Nga.
Đại diện của các nước phương Tây và Nga gặp nhau tại Paris hôm 5/3 để thảo luận về những biện pháp tháo gỡ khủng hoảng tại Ukraina. Trước khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thủ đô của Pháp, phương Tây đề nghị Nga rút binh sĩ mặc quân phục xanh không mang phù hiệu về những căn cứ của họ trên bán đảo Crimea và cho phép quan sát viên quốc tế giám sát tình hình ở đây, Reuters đưa tin.
Những lính vũ trang mặc quân phục không phù hiệu bên ngoài một căn cứ quân sự Ukraina gần làng Perevalnoye thuộc khu vực ngoại ô thành phố Simferopol, bán đảo Crimea hôm 5/3. |
Tuy nhiên, ông Lavrov khẳng định Nga không thể ra lệnh cho lực lượng tự vệ của Crimea.
"Nếu các ngài ám chỉ những đơn vị tự vệ do người dân Crimea thành lập thì chúng tôi không thể ra lệnh cho họ, bởi họ không chịu sự chỉ đạo của Nga. Còn những binh sĩ Nga thuộc Hạm đội Biển Đen vẫn ở trong căn cứ. Chúng tôi sẽ thực thi mọi biện pháp để ngăn máu đổ", ông tuyên bố trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Tây Ban Nha tại thành phố Madrid.
Ông Lavrov nói thêm rằng chính quyền Crimea và Ukraina tự quyết định việc cho phép quan sát viên quốc tế tới Crimea hay không. Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận mà cựu tổng thống Viktor Yanukovych ký với phe đối lập vào ngày 21/2. Điện Kremlin cho rằng thỏa thuận đó là giải pháp cơ bản để chấm dứt khủng hoảng hiện nay.
Trước đó vào ngày 4/3, các binh lính trung thành với Moscow đã nắm quyền kiểm soát căn cứ không quân Belbek ở Crimea bắn chỉ thiên để cảnh cáo các binh lính Ukraine đang diễu hành quanh đó.
Cùng ngày, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc của Nga Vitaly Churkin cũng đã tuyên bố Nga có thể triển khai 25.000 quân tới Cộng hòa Tự trị Crimea (thuộc Ukraine). Ông Churkin nhấn mạnh, Nga có quyền hành động như vậy khi cảm thấy cần phải tăng cường bảo vệ các căn cứ quân sự của họ khỏi các cuộc tấn công cực đoạn theo khuôn khổ thỏa thuận về Hạm đội Biển Đen đã ký với Ukraine trước đó.