Ngày 19/7 ba nhắn 'cứ yên tâm', 4 ngày sau viện lại gửi giấy báo: 'Có nhầm không, ba tôi khỏe mà'

18:33, Thứ ba 27/07/2021

( PHUNUTODAY ) - Anh không ngờ, chỉ cách đây không lâu, anh còn được ba tặng quà sinh nhật. Vậy mà ba lại mất vì nCoV, nhanh đến mức không ngờ.

Những ngày này, Sài Gòn ảm đạm hơn bao giờ hết. Dịch bệnh hoành hành, các biện pháp giãn cách, giờ giới nghiêm được xác lập, mục đích là hạn chế tối đa của vius nCoV.

Anh Nguyễn Trọng Đạt (33 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) chẳng thể nào gặp được người ba mình kính yêu của mình một lần nào nữa. Cứ tưởng rằng đó là cuộc chia xa ngắn ngủi, ba cũng giống Sài Gòn, bệnh chút nên cần bác sĩ chữa thôi mà. Thế nhưng cuối cùng, đến anh cũng chẳng ngờ, đó lại là cuộc từ biệt mãi mãi.

Vừa nhận được món quà ba tặng sinh nhật cách đây không lâu, vậy mà ba anh lại mãi rời đi nhân thế vì bị ‘cô Vy’ tấn công. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, cứ như chỉ trong chớp mắt khiến người ta chẳng kịp trở tay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu chuyện trên được chia sẻ trên báo Thanh Niên ngày 25/7.

‘Bữa giờ con nghĩ ba giả bộ, chứ ba bự chà bá, mạnh bà cố sao ba đi được…’

‘Quá trình ba đi, con nhớ mãi những bức hình này. Đây là lần cuối, con không được gặp ba nữa rồi. Bữa giờ con cứ nghĩ là ba giả bộ, chứ ba bự chà bá, mạnh bà cố sao ba đi được. Giờ thì ba cũng ra đi mãi mãi. Rồi mai này ai chở cháu nội đi chơi? Ai sẽ đưa đón hai cháu nội đi học? Ai chăm sóc vợ của ba? Ai chăm sóc con gái của ba?

Từ nay, tất cả công việc của ba, hãy để con thay thế ba làm. Con yêu ba, chúc ba bình an và ra đi thanh thản. Những ai mà giờ phút này vẫn còn được ngồi ở nhà cùng gia đình, đầy đủ người thân yêu là quá may mắn rồi… Hãy trân trọng điều đó’.

Đó là những dòng thư anh Đạt viết gửi người ba kính yêu nay đã đi xa thật xa, đi rồi chẳng bao giờ trở về nữa. Anh đâu nghĩ rằng ngày ba mình bước lên chuyến xe ‘định mệnh’ ấy đã định sẵn rằng anh và ba mỗi người một ngả, âm dương cách biệt.

9

Ba mắc nCoV

Ba anh là ông N.C.D (70 tuổi). Ông D vừa mất sau khi nhiễm nCoV. Trước đó, ba anh Đạt và bà ngoại đều bị tai biến còn mẹ anh thường xuyên bị ngất xỉu. Anh Đạt đã lập gia đình và sống riêng nên không có tiếp xúc. Cũng vì vậy mà anh không phải cách ly. Anh ở bên ngoài tiếp tế lương tự và thuốc hàng ngày vào khu cách ly cho người thân.

Anh Đạt cho biết, ba anh từng làm điều dưỡng tại TP. HCM nhưng đã về hưu. Ngày 15/7, khi được đưa vào khu cách ly ở trường tiểu học Hà Huy Tập (Quận Bình Thạnh), ông D vẫn khỏe mạnh, còn nhắn tin, chụp hình, nói chuyện với gia đình.

Thế nhưng chỉ sau 4 ngày, tới hôm 19/7 gia đình anh mất liên lạc với ông D sau tin nhắn cuối cùng mà ông gửi cho vợ: ‘Yên tâm, anh sẽ về’. Gửi kèm tin nhắn là bức ảnh ông D tự chụp. Tới ngày 22/7, ông D mất. Hôm 23/7, gia đình anh Đạt nhận được tin, sau đó là giấy báo t.ử của bệnh viện và chuyển thi thể ông D tới lò thiêu.

Anh Đạt chụp ảnh cùng ba vào ngày sinh nhật

Anh Đạt chụp ảnh cùng ba vào ngày sinh nhật

Anh Đạt nói rằng mới hôm 3/7, ba anh còn tặng quà sinh nhật cho anh. Cứ nghĩ đó cũng là món quà sinh nhật bình thường như mấy chục năm qua. Vậy mà không ngờ đó là món quà cuối cùng mà anh nhận được từ ba mình. Và… đó cũng là lần cuối cùng anh được gặp mặt ba. Bởi tới ngày 10/7, con hẻm nơi ba mẹ anh sống bắt đầu có ca nhiễm và lây lan.

Giờ này, mẹ anh vẫn còn trong khu cách ly. Gia đình anh sẽ gửi cốt vào chùa đợi hết 49 ngày và đợi tình hình dịch bệnh lắng xuống, khu nhà anh hết phong tỏa.

‘Ngày đi cách ly, ba còn cõng mẹ lên, xách giỏ cho mẹ. Không ai nghĩ ba sẽ mất vì nCoV. Bữa bác sĩ báo tin, mình còn cứ nghĩ là bác sĩ báo nhầm rồi vì nhiều tên bệnh nhân nên bác sĩ nhầm thôi, chứ ba khỏe mạnh vậy mà…’, anh Đạt nói trong nước mắt.

Đồng thời, anh cũng nhắn nhủ với mọi người rằng: Qua câu chuyện của gia đình anh, mong mọi người hãy ý thức phòng dịch, không chủ quan để dịch bệnh qua nhanh. ‘Mình chưa bao giờ nghĩ câu chuyện này sẽ xảy ra với gia đình mình. Trước giờ, mình chỉ thấy trê phim thôi… Ai ngờ’, anh Đạt đau đớn nói.

Bởi vậy các mẹ ạ, phòng dịch là chuyện chung, ai cũng nên cố gắng ý thức mà phòng chứ đừng có ỷ lại cho mình chính quyền. Chính phủ cố gắng tới mấy mà người dân không ý thức thì cũng chịu thôi. Giờ này, mình có thân thì phải lo mà giữ lấy, vì chính mình cũng là vì người thân. Chứ cái cảm giác mất mát đi người thân… đau đớn vô cùng.

Bác sĩ nói người cao tuổi dễ mất vì nCoV hơn rất nhiều

Từng chia sẻ về vấn đề này, Hà Quốc Hùng (Trưởng khoa Khám bệnh Theo yêu cầu và Quốc tế, BV Lão khoa TƯ) cho hay: Người cao tuổi khó chống đỡ khi nhiễm nCoV hơn hẳn. Lý do là vì theo thời gian, quá trình lão hóa chức năng của các bộ phận cơ thể suy giảm. Lúc này, hệ miễn dịch dễ dàng bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Vì thế, nếu nhiễm nCoV, người cao tuổi dễ gặp nhiều biến chứng nặng, khiến tình trạng diễn biến nhanh và qua đời hơn người trẻ tuổi.

Không chỉ thế, người cao tuổi còn hay mắc nhiều bệnh cùng lúc, có thể đã có biến chứng của các bệnh này. Khi nCoV xâm nhập, nó sẽ đẩy nhanh tốc độ diễn biến của bệnh nền và cuối cùng khiến người bệnh qua đời. Nghiên cứu của BV Lão khoa TƯ cho thấy: Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi sẽ có 2,6 bệnh còn trên 80 tuổi là 6,8 bệnh.

Đồng tình với ý kiến này, TS. BS Trần Quang Thắng (Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ - BV Lão khoa TƯ) nhận định: Nhóm người cao tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất và tỷ lệ qua đời cũng là cao nhất. Bởi, đây là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính. Vì thế, sức đề kháng bị suy giảm hơn so với độ tuổi khác.

Một khi người cao tuổi bị nCoV sẽ thúc đẩy bệnh mãn tính đến giai đoạn cấp nên bệnh nhân rất dễ mất mạng.

Còn theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh (BV Đại học Y Hà Nội) cho hay: ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người caot uổi cũng bị suy giảm hệ miễn dịch khiến sức đề kháng giảm. Từ đó dễ mắc thêm bệnh khác. Người cao tuổi khi nhiễm nCoV thì rất dễ bị nặng. Đó là do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc.

Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại. Lại đồng thời khởi động một chuối rối loạn kèm theo trên bệnh nền mạn tính nên khiến việc điều trị phức tạp và khó khăn hơn.

Nói chung, không chỉ Sài Gòn mà còn nhiều địa phương khác cũng đang oằn mình chống dịch. Để tránh những chuyện thương tâm xảy ra, mỗi người dân nên chấp hành đúng chỉ thị của Nhà nước, ap dụng đúng 5k và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Đồng thời, hãy tiêm vắc xin phòng ngừa nCoV, có như thế tình hình mới có thể được cải thiện.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo
Từ khóa: nCoV tiêm phòng virus