Đó là chia sẻ của một người phụ nữ phải làm dâu trong một gia đình hà khắc, cổ hủ. Theo lời chị kể, ngày còn yêu nhau, chồng chị luôn hết lời ca ngợi gia đình anh nổi tiếng là có truyền thống gia giáo, sống rất tình cảm. Những tưởng sẽ luôn được che chở và bao bọc trong một gia đình thân thiện, nền nếp như thế, chị hoàn toàn sụp đổ khi bắt đầu chuỗi ngày làm dâu.
Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
“#11319: Sốc vì nhà chồng
Mình năm nay 30 tuổi và kết hôn đã được gần một năm. Anh và mình yêu nhau khi hai đứa còn là sinh viên, và anh có việc làm rất ổn định với mức lương cao ở một công ty nước ngoài. Nhiều lần mình được nghe anh kể về gia đình mình với tất cả sự hồ hởi và tâm đắc. Anh bảo rằng gia đình anh nổi tiếng là có truyền thống gia giáo, sống rất tình cảm.
Nghe anh nói làm mình cũng yên tâm vì mình được làm dâu cho một gia đình như thế sẽ luôn được che chở và bao bọc. Mình sẽ có một môi trường sinh hoạt thân thiện và nền nếp.
Nhưng thật không ngờ mọi hy vọng theo hướng tích cực ấy của mình đã hoàn toàn bị sụp đổ. Gần một năm làm dâu cho gia đình ấy là chuỗi ngày đắng cay và mệt mỏi. Những người mà anh hết lời ca ngợi lại mang trong mình tư tưởng nặng nền phong kiến hà khắc, cổ hủ và áp đặt. Mình không nghĩ ở cái thời đại tiên tiến này lại còn tồn tại một gia đình như thế.
Mặc dù dạy ở trường cách nhà chồng hơn 10km nhưng mình không được thuê phòng trọ hay ở lại trong khu tập thể của nhà trường. Vì từ ngày đầu bố mẹ chồng đã ra quy định phải đi đến nơi về đến chốn, không được ở lại hay la cà bên ngoài… Nhiều khi có tiết thao giảng hay dự giờ cần ở lại thì mình cũng phải xin phép nài nì mãi mới cho. Mẹ chồng mình còn gọi điện kiểm tra mình có làm như đã hứa không nữa.
Điều kỳ lạ là trong nhà chồng mình tồn tại một quy tắc rất độc đoán. Mỗi lần xin phép làm chuyện gì thì phải cúi gập người, đợi cho bố mẹ chồng đồng ý thì mới được ngẩng mặt lên. Có lần hai vợ chồng xin đi dự đám cưới mà phải mất gần 15 phút cúi đầu mới nhận được sự cho phép.
Từ ngày lấy chồng, tất cả váy vóc mình đều phải bỏ xó hoặc đem cho người khác. Trong ngôi nhà mang tính phong kiến này thì chuyện đó không được chấp nhận. Bố mẹ chồng mình bảo mặc váy chỉ dành cho những đứa đua đòi, lẳng lơ và nhìn rất xúc phạm đến danh dự của gia đình. Biết là phải nhập gia tùy tục nhưng bố mẹ chồng đâu nhất thiết phải suy nghĩ cổ hủ như thế chứ! Chẳng trách gì mà đến giờ ông bà nội vẫn còn giữ mấy bộ áo quần của đời trước như áo the khăn chít.
Mình nhớ có lần bố mẹ mình đến thăm thông gia, bố mẹ chồng đã mặc mỗi người một bộ quần áo kiểu dáng ngày xưa rồi ra ngồi đón tiếp khách. Lúc ấy, bố mẹ mình còn nhìn nhau cười ngạc nhiên vì không ngờ ông bà lại lạc hậu đến thế.
Bữa cơm của gia đình chồng mình cũng cực kỳ phong kiến. Nếu có ai đến chơi thì sẽ nhận ra trên mâm cơm được phân chia đẳng cấp rất rõ ràng. Bao giờ cánh đàn ông cũng ngồi riêng một mâm. Như hôm bố mẹ mình tới chơi, nhà chỉ có 6 người nhưng 2 mâm cỗ, 3 người một mâm.
Từ ngày lấy anh, mình đã cố hết sức làm tròn nghĩa vụ của một nàng dâu đảm và hiếu thảo. Tuy nhiên, trong mắt ông bà dường như mình vẫn là người ngoài không máu mủ nên chẳng có chút tình thương. Chưa bao giờ, ông bà gọi mình một tiếng con cho tình cảm. Lúc nào bố mẹ chồng cũng gọi mình là cô hoặc chị như người dưng nước lã.
Mới một thời gian lấy nhau nhưng bố chồng mình suốt ngày ca thán chuyện sinh cháu nội đích tôn khiến mình áp lực và mệt mỏi vô cùng.
Mẹ chồng mình lại là người cực kỳ khó tính, chỉ cần một chút không vừa lòng là bà lại mắng mỏ không tiếc lời. Mỗi lần thấy anh tỏ ra quan tâm mình thì bà lại cau mày, nhăn mặt nói mỉa mai rất nặng nề. Bà bảo anh như thế là làm hỏng vợ, có ngày vợ ngồi trên đầu hỏng hết cả tôn ti trật tự….
Mình không ngờ quãngng đời làm dâu của mình lại khổ cực và chán ngán đến thế. Đến nỗi một phút nghỉ ngơi hay than thở với chồng cũng không có.
Gần một năm làm dâu trong nhà anh mà mình tưởng chừng như hàng ngàn thế kỷ, bị đối xử như một nô lệ thời trung cổ.
Mình làm dâu đâu phải ngày một ngày hai, rồi sẽ đụng chạm va vấp không ít lần nữa nhưng cứ kiểu này thì mình biết ứng xử với nhà chồng sao cho đúng đây?”.
Ngay sau khi đăng tải, tâm sự của chị nhanh chóng thu hút sự chú ý cùng nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng xã hội.
Không ít người bức xúc cho rằng gia đình chồng chị quá cổ hủ, hà khắc và khuyên vợ chồng chị nên ra ở riêng.
Bạn Q.D. bình luận, “Lấy chồng là để hạnh phúc, một là ra riêng hai là ly dị đi chị ạ sống như thế chả khác gì địa ngục”.
Chị thật là giỏi khi ở cái nhà đấy hẳn 1 năm. Nếu là em, em biết mình sẽ không bao giờ sống nổi luôn. Chị nên suy nghĩ thật kỹ xem có nên sống tiếp tục như thế này, không pải lạc hậu mà cực kỳ cực kỳ lạc hậu luôn”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng nguyên nhân là bởi chị đã không tìm hiểu kĩ về gia đình chồng trước khi cưới.
Bạn H.T.H.N. cho rằng lỗi cũng một phần do chị, “Yêu nhau từ thời sinh viên 29 tuổi lấy nhau cũng ngót cả chục năm có lẻ mà chỉ biết nhà người yêu qua lời kể và tin sái cổ. Nếu về chơi thì cũng phải thấy trước nhiều cái, nhất là phong tục, nề nếp và cái kiểu chia mâm”.
Bạn N.C.V. cũng cho rằng “Trước khi về nhà chồng thì nên tìm hiểu 1 tí. Chẳng lẽ yêu nhau từ thời sinh viên mà chị chỉ biết đến nhà chồng qua những lời kể của anh chồng. Đọc đến đoạn anh chồng nói nhà anh rất nền nếp, gia giáo là kiểu gì cũng có phần gia trưởng rồi. Và con trai ở với bố mẹ thì mấy ai nhận ra đc mặt trái của cuộc sống gia đình. Tất nhiên là anh chồng chị sẽ nói với ý nghĩa như là nhà anh rất tuyệt vời rồi, chả ai lại tự đi chê bố mẹ mình cả”.