Ngủ trưa như thế nào mới khoa học?

10:20, Thứ sáu 27/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nếu bạn không có thói quen ngủ trưa hàng ngày, có lẽ bạn nên xem lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa không chỉ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn mà còn giúp cơ thể vận động và sáng tạo tối ưu.

- Một giấc ngủ ngắn giống như khoảng thời gian cần thiết khởi động lại hệ thống sinh học của bạn. Điều này giúp giảm căng thẳng, cung cấp cho bạn một khởi đầu mới và ngăn ngừa kiệt sức.

- Giấc ngủ trưa giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo và hiệu suất công việc được cải thiện rõ rệt, cải thiện tình hình mất cân bằng cơ thể nếu giấc ngủ ban đêm của bạn có trục trặc.

- Ngủ trưa giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Theo một nghiên cứu từ trường Y Tế Cộng Đồng Boston những người ngủ trưa ít nhất ba lần/ tuần khả năng mắc các bệnh về tim mạch ít hơn 37% người không thực hiện và với nam giới, tỉ lệ này là 64%. Một giấc ngủ ngắn giúp cơ thể khởi động lại tốt hơn để chống lại sự xâm nhập các căn bệnh về tim mạch.

- Giấc ngủ ngắn giúp nâng cao nhận thức các giác quan. Sự nhạy cảm về thị giác, thính giác và vị giác của cơ thể bạn sẽ được khôi phục lại, ngủ trưa giúp bạn cải thiện sự sáng tạo trong công việc bằng cách thư giãn toàn bộ tâm trí.

- Một giấc ngủ ngắn 30 phút giúp làm tăng năng suất người lao động, giúp họ có được trạng thái hăng say như khi bắt đầu một buổi chiều làm việc mà không uể oải hay mệt mỏi.

- Ngoài ra, một giấc ngủ trưa ngắn ngủi nếu bạn đã bị mất ngủ từ đêm hôm trước thực sự có thể giảm nguy cơ tăng cân vì ngủ trưa làm giảm hàm lượng cortisol.

Ngủ trưa như thế nào là tốt nhất?

- Thời gian:

Tiêu chuẩn của một giấc ngủ hợp lý là 20 phút. Tuy nhiên, số lần ngủ (một, hai hay ba), thời lượng ngủ (5 phút cho tới hơn 30 phút) tuỳ thuộc vào thời gian biểu, nhu cầu hay sở thích của mỗi người.

Một giấc ngủ ngắn trong 20 phút sẽ thêm tỉnh táo, tăng khả năng tập trung. Một giấc ngủ kéo dài 90 phút sẽ đưa bạn vào một giấc ngủ sâu, kích thích sự sáng tạo. Còn nếu ngủ rất sâu, không bị đánh thức suốt lúc ngủ và vượt 90 phút thì sẽ dẫn đến khó ngủ vào ban đêm. Cố gắng không ngủ hơn 45 phút vì khi thức dậy, sẽ cảm thấy mệt mỏi, đầu óc không được tỉnh táo. 

Nếu bạn có giấc ngủ trưa quá dài, khi thức dậy, bạn sẽ đang ở trong trạng thái ngủ sâu hơn. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chệnh choạng và thậm chí hơi mất phương hướng. 

- Tư thế:

Tư thế ngủ cũng không bắt buộc phải nằm dài ra trên giường, ta có thể dựa lưng, ngả đầu ra phía sau để “chợp mắt”. Và cách tốt nhất là thả lỏng cơ thể (chân tay không được bắt chéo), giãn đều các cơ bắp, nhắm mắt lại và thở nhịp nhàng. Trước khi ngủ, không nên ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, không nên ăn quá no. Không nên ăn xong là nằm xuống ngủ ngay, tốt nhất là sau khi ăn khoảng 10 phút mới đi ngủ trưa. Khi ngủ phải nằm với tư thế đầu cao chân thấp và nằm nghiêng về bên phải. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho tim.

Có những người khi ngủ gối đầu vào khuỷu tay, gục đầu xuống bàn, như vậy sẽ đè nén con ngươi mắt, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến mắt. Ngoài ra, gục đầu xuống bàn ngủ sẽ đè nén lồng ngực, ảnh hưởng đến hô hấp, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của máu và tác dụng dẫn truyền của hệ thần kinh, khiến cho hai bả vai và hai cánh tay bị tê, đau nhói, hoa mắt, chóng mặt.

Ngoài ra các yếu tố như bóng tối, độ ấm, âm thanh nhẹ sẽ giúp ngủ nhanh và ngon hơn. Ở Việt Nam, những công nhân nghèo phải làm việc cật lực và giấc ngủ trưa của họ diễn ra ngắn và không đảm bảo các yêu cầu của giấc ngủ.

Một số mẹo nhỏ để có giấc ngủ trưa chất lượng:

ngu trua

1. Thực hiện giấc ngủ nhất quán

Bạn nên cố gắng ngủ trưa vào cùng một thời điểm trong ngày. Điều này giúp ổn định nhịp sinh học của bạn và tối đa hóa các lợi ích mà giấc ngủ trưa mang đến.

2. Ngủ trưa ngắn

Để tránh theo quán tính của một giấc ngủ say và sâu khiến bạn có cảm giác lạm dụng thời gian và mất phương hướng khi thức dậy, bạn nên đặt đồng hồ báo thức để tránh ngủ quên. Một giấc ngủ ngắn 20 – 30 phút là đủ để không có tác động tiêu cực đến giấc ngủ ban đêm của bạn.

3. Tắt đèn

Ánh sáng kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động và điều đó khiến bạn khó đi vào giấc ngủ trong quỹ thời gian eo hẹp. Tắt đèn hoặc sử dụng kính mắt để giấc ngủ đến với bạn dễ dàng và chất lượng hơn.

4. Đắp thêm một tấm chăn mỏng

Khi ngủ, quá trình trao đổi chất của bạn làm việc giảm công suất đi, nhịp thở cũng chậm lại và làm nhiệt độ cơ thể bạn giảm xuống đôi chút. Mặc dù không bắt buộc, nhưng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong giấc ngủ khi sử dụng một tấm chăn nhẹ, mỏng.

Những người nào không nên ngủ trưa ngay sau khi ăn?

Nếu bạn bị bệnh trào ngược axit hoặc bị khó tiêu sau khi ăn, hãy thực hiện đi bộ hơn là để có một giấc ngủ ngắn. Với những người này, nếu nằm ngủ trưa ngay sau khi ăn sẽ khiến những triệu chứng của bệnh trào ngược càng nặng nề hơn và bạn có thể kết thúc bằng chứng ợ nóng. 

Nếu bạn là người luôn cảm thấy khó khăn khi thức dậy sau khi ngủ trưa hoặc bạn không hoạt động thì bạn cũng không nên ngủ trưa vì bạn sẽ phải đấu tranh mất nhiều thời gian, thậm chí một vài giờ để đạt đến sự tỉnh táo trở lại. 

Với những đối tượng không nên ngủ trưa trên, bạn hãy đi bộ hoặc nghe một số bài hát sống động, vui nhộn để thay thế. Đi bộ rất có lợi cho tiêu hóa miễn là bạn không di chuyển quá nhanh chóng (không chạy hoặc chạy bộ) bởi vì sau khi ăn thức ăn cần một thời gian để tiêu hóa. Bạn cũng đừng nên ăn quá nhiều vào bữa trưa vì chúng có thể làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự