Người bán ngô ven đường nhiều lần cứu giúp người gặp nạn

06:02, Thứ tư 31/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Ban đầu chỉ là chạy ra xem, rồi có lần thấy người bị nạn nằm trên vũng máu, thấy thương quá, thế là bà vội về nhà lấy khăn ra thấm máu, cõng người ta vào vệ đường, rồi tự tay lau rửa vết thương, sau đó đưa đi viện.

Dọc hai bên đường Đại Đồng - Thạch Thất (Sơn Tây - Hà Nội), quanh năm đều thấy những chiếc lán dựng tạm bợ, che mưa che nắng cho những nồi ngô luộc nghi ngút khói. Tôi tình cờ ghé chân vào một quán ngô dọc đường, người phụ nữ bán ngô ấy lại chính là người có thâm niên gần 20 năm cứu giúp người đi đường gặp tai nạn.

[links()]

Nán lại trò chuyện với bà lâu hơn, tôi lại được nghe bà kể về những nhọc nhằn, bụi bặm với nghề bán ngô và những lần bà “cõng” người bị tai nạn chạy đến bệnh viện trong đêm tối. Bà tên là Nguyễn Thị Lự, năm nay đã gần 50 tuổi (Đại Đồng, Thạch Thất)

Bụi bặm gió sương

Ngồi nói chuyện với bà Lự chỉ một lúc cũng nhận thấy sự gần gũi, thân thiện ở bà, bởi thế mà hình như hàng ngô của bà lúc nào cũng đông khách, bữa nào cũng bán xong sớm. Lúc nào bà cũng cười tươi, để lộ hàm răng trắng muốt trên khuôn mặt đen xạm, gầy gò góc cạnh.

Bà bảo: “Mấy chị em bán ngô dọc đường này cũng đoàn kết, giúp đỡ nhau lắm. Cùng là người làng người nước cả mà, ở nhà làm nông nghèo quá không đủ ăn, trồng được hoa màu thì tranh thủ bán, đất ở đây trồng ngô nổi tiếng ngon và năng suất, nên mọi người bảo nhau bám vào bắp ngô mà kiếm sống thôi...”. Nói xong, bà cười tươi, đoạn lại chạy ra thổi thổi cho cái bếp lò khỏi tắt.

Bà Lự có 4 người con, chồng làm nông dân, nên đời sống kinh tế gia đình cũng không dư giả, chỉ đủ ăn đủ tiêu. Mới ra bán ngô ở đây được độ vài tháng, nhưng mọi bụi bặm gió sương đều đã trải qua, bà Lự kể lại:

“Tầm chiều này còn đỡ nắng gắt, chứ những hôm trưa nắng nóng chang chang, ngồi dưới tấm bạt này, hơi nóng ở đường bốc lên cứ hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm, đầu óc thì ong ong khó chịu vì thời tiết. Mấy ngày nắng nóng ấy, phải kiếm cái khăn mặt, thấm đẫm nước, trùm lên đầu thì mới đỡ. Bên cạnh lại là nồi ngô luộc bốc hơi lại càng nóng...”

Nguyễn Thị Lự
Bà Nguyễn Thị Lự

Xoè đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ và bám đầy bụi than đen nhẻm, bà Lự vẫn cười và nói: “Nhem nhuốc lắm, vì bà vừa phải nhóm lại cái bếp. Mấy hôm trước trời mưa, bếp mà bị dính nước, tắt ngấm, thổi lên được có mà hết hơi, mắt mũi lại cay xè vì khói.

Còn những hôm nào có gió, gió quẩn, gió thổi lung tung, nên nhiều lúc nước mắt cũng cứ giàn giụa vì gặp khói...” Vất vả như thế, nhưng một ngày ngồi bán từ 6h sáng cho tới 20h tối, bà Lự cũng bán được khoảng 500-600 bắp ngô, tính ra lãi cũng chỉ được từ 100 - 200 ngàn đồng mà thôi. Nhưng với bao người nông dân chân chất, người lao động khác ở vùng quê thế là cũng khá khẩm lắm rồi.

Ngồi bán hàng quán dọc đường thế này, xe cộ đi lại tấp nập, nhất là tầm chiều tối hay sáng sớm, nhiều lúc xe máy, ô tô cứ nườm nượp qua lại, có muốn sang đường cũng phải đứng chờ lúc lâu. Nhắc tới chuyện đường sá đông xe cộ, bà Lự lại kể:

“Có lần, chắc vào khoảng chiều chủ nhật, nên xe đông lắm, vì ngày ấy mọi ngả đi về nội thành Hà Nội, lắm đứa chạy ẩu, cứ lạng lách, đánh võng, đầu lại chả thèm đội mũ bảo hiểm, đi qua mà phát khiếp. Có bận, có cậu thanh niên đánh võng thế nào, tông cả vào đống cây ngô đang nằm yên bên vệ đường, may mà không sao, chứ lần ấy đi nhanh hơn một chút, chắc đã nguy to...”

Đang nói chuyện rôm rả, bỗng một bác trung tuổi đi vào, vừa bốc thân cây ngô lên xe kéo, vừa quay lại nói xen vào câu chuyện giữa bà Lự và tôi. Bác bảo: “Bà này ấy hả, trông bé người thế thôi, mà gan to ra phết đấy. Mấy vụ tai nạn kiểu ấy là nhỏ thôi, bà ấy còn bao lần chạy ra xem tai nạn lúc nửa đêm, rồi cứ thế xắn tay vào, giúp người bị nạn mà không chút suy nghĩ, sợ hãi nữa. Cô bảo bà ấy kể cho mà nghe...”.

Như có người mở lời, bà Lự lại bắt đầu kể về những lần mình giúp người bị tai nạn dọc đường, không quản ban ngày hay ban đêm, chỉ cần nghe thấy có tai nạn, là bà lại chạy ra, và tìm cách cứu giúp họ.

Bao phen tình nguyện cứu người gặp tai nạn

Nhà bà Lự nằm ngay ở cạnh đường quốc lộ, nên việc thấy cảnh tai nạn xe cộ là thường xuyên, nhớ lại những câu chuyện đau lòng ấy, bà bảo: “Bây giờ còn đỡ, đường sá đẹp đẽ, phẳng phiu rồi, chứ như ngày xưa, đoạn chỗ nhà bà hay xảy ra tai nạn lắm.

Mỗi lần nghe tiếng “uỳnh” một cái, đoán ngay là có tai nạn, bà lại chạy ngay ra xem, cũng chỉ là tò mò thôi. Ban đầu thì chỉ là chạy ra xem, rồi có lần thấy người bị nạn nằm trên vũng máu, thấy thương quá, thế là bà vội về nhà lấy khăn ra thấm máu, cõng người ta vào vệ đường, rồi tự tay lau rửa vết thương, sau đó mới đưa đi bệnh viện.

Mấy người chạy ra xem lúc đó, cứ lắc đầu, lè lưỡi bảo mình bạo....”. Nhớ lại lần đầu tiên giúp người ấy, bà Lự thoáng rùng mình. Rồi bảo, không hiểu sao lúc ấy bà không thấy sợ hãi gì, chỉ cảm thấy cần làm gì đó giúp người gặp nạn ngay.

Thế là, thành thói quen lúc nào không hay, cứ nghe thấy có tiếng tai nạn, hoặc được mọi người bảo nhau là có tai nạn ở chỗ đó, bà lại bỏ công việc nhà, chạy ra tận nơi để xem. Có lần, đang gần đêm, bỗng có một vụ tai nạn giữa ô tô tải và xe máy đi ngược chiều, xe và người văng xa cách nhau cả chục mét.

Bà là người đầu tiên cầm đèn pin chạy ra xem. Bà kể tiếp: “Lúc chạy ra tới nơi, thấy một cô gái nằm sõng xoài giữa đường, chiếc mũ bảo hiểm vỡ làm đôi văng ra xa, cánh tay mài xuống đường, rách hết cả áo.

Lúc đấy tôi là người đầu tiên chạy ra, rồi mấy nhà người dân quanh đó cũng bật đèn, chạy tới. Gọi cảnh sát mãi chưa được, mà thấy cô này cứ kêu đau, gọi xe taxi cũng chưa tới, tôi vội xốc cô ấy lên lưng, cõng và chạy một mạch tới bệnh viện gần đó...”

Bao nhiêu lần giúp người bị nạn như thế, không lần nào giống lần nào, và chắc bà Lự sợ nhất là khi trông thấy trẻ con gặp tai nạn. Nhớ lại lần cách đây vài năm, khi trời vừa nhá nhem tối, đang dọn hàng ngô để ra về, thì thoáng thấy từ xa, bóng một thằng bé con chạy sang đường, liền bị một chiếc xe máy lao tới, hất văng ra vệ đường.

Vội vứt hết các thứ trên tay, bà chạy nhanh về phía thằng bé đang nằm bất động, bà nhớ rành rọt: “Lại gần nó, mà chân tay tôi bủn rủn, thấy thằng bé nằm sấp ở vệ cỏ, khoé miệng đang chảy ra một ít máu đỏ tươi.

Chả hiểu sao lúc ấy tôi thấy sợ quá, chỉ dám gọi gọi chứ không dám sờ tay vào người thằng bé. Nhìn quanh chưa thấy ai chạy tới, lại quay sang nhìn thằng bé nằm thấy thương quá, tôi thở nhanh một hơi, rồi sà tới, lật ngửa thằng bé ra, vỗ vỗ gọi mãi mà thấy nó cứ nằm yên bất động. Hoảng quá, tôi tức tốc bế nó chạy, có một bà ở gần đó cũng cứ thế chạy theo, đỡ bên cạnh giúp tôi...”

“Lúc tới bệnh viện rồi, mới giật mình khi nhận ra nó là thằng cu cháu ngay cạnh nhà, mới hơn 4 tuổi. Lúc được các bác sĩ băng khám xong rồi, nó mới khóc hét lên, cũng may lúc đấy bố mẹ nó chạy tới kịp, không thì không sao dỗ được nó nín...” bà Lự kể.

Sau lần ấy, gia đình thằng bé có mang quà cáp tới nhà để cảm ơn, nhưng bà nhất định từ chối. Bà bảo: “Hàng xóm láng giềng với nhau, thấy nạn thì giúp thôi chứ có ý mong được trả ơn, đền đáp gì đâu. Con người với nhau cả mà, mình làm thế sau này con cháu càng được nhờ...” Nói đoạn, bà lại cười tươi, khoe hàm răng trắng.

Rồi bà nói hơi duy tâm: “Cách đây vài năm, bà có cứu giúp một ông lão tầm ngoài 60 bị xe tải đâm rồi bỏ trốn. Thấy ông cụ nằm bất động, chân tay có vẻ không chỗ nào chảy máu, chắc gẫy xương, nên ông cố giữ nguyên tư thế, miệng lắp bắp chỉ chỗ cất điện thoai, rồi bảo gọi cho người thân.

Khi cô gọi xe đưa ông ấy tới bệnh viện, nhưng do bị chấn thương nặng quá, ông cụ đi ngay trong đêm đó, làm bà cứ áy náy, thương thương mãi...”.

Không biết có phải do suy nghĩ nhiều, mà ngay ngày hôm sau ông cụ mất, bà Lự nằm mơ một ông cụ tóc bạc phơ, dặn bà để lại đứa bé trai trong bụng mới được 8 tuần, chứ nhất định không được bỏ. Tỉnh dậy, bà nửa tin nửa ngờ, nhưng vẫn âm thầm kiểm tra, thì mới hay biết mình đã mang bầu một bé trai được gần 8 tháng tuổi.

Bà khẽ cười và nói: “Lúc ấy nhà bà được 3 đứa rồi, học hành cũng bình thường không được giỏi giang lắm. Bà không nghĩ là mình có thai nữa đâu, và thực sự thì hai vợ chồng cũng xác định chỉ đẻ thế thôi, có nếp có tẻ rồi mà.

Nhưng, vì giấc mơ hôm trước, làm bà cứ suy nghĩ, và cuối cùng thì quyết định để lại đứa trẻ. Bây giờ, nó mới học lớp 5, cơ mà học giỏi lắm, năm nào cũng là học sinh giỏi, đi thi còn được giải nọ giải kia ấy chứ....”

Mải câu chuyện với bà Lự mà trời đã sập tối lúc nào không hay, bà nhanh tay bó gọn lại đống ngô và chuẩn bị đồ nghề để ra về. Tôi chào bà lên xe, bà Lự còn gọi với theo:

“Lần sau đi qua lại vào ăn ngô cho cô nhá. Tối rồi, cháu đi về cẩn thận đấy, đường đông, nên đi chậm cho an toàn ...” Nói rồi bà lại nở nụ cười tươi, nhìn theo tôi đầy trìu mến..                                                                                                                                      

  • Minh Đức
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc