Người vợ trở về sau những tháng ngày lầm đường lạc lối

06:11, Thứ ba 31/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Sau khi chồng mất, chị tỉnh ngộ và trở về với gia đình trong sự hối hận muộn màng.

Chỉ vì hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng không còn hòa hợp, chị Hương (1967, ở Ân Thi, Hưng Yên) đã bỏ nhà ra đi với một người đàn ông khác và để lại lũ con thơ cho chồng và bố mẹ chồng già yếu. Sau khi chồng mất, chị tỉnh ngộ và trở về với gia đình trong sự hối hận muộn màng.
[links()]
Chị đáng trách nhưng hơn ai hết những đứa trẻ vẫn cần có một người mẹ để nương tựa và cảm nhận được một chút hơi ấm của gia đình.

Hạnh phúc gia đình tan vỡ

“Trong thôn xã có rất nhiều trường hợp các gia đình rơi vào bi kịch đau đớn. Mà những đứa trẻ của họ lại chính là nạn nhân gánh chịu những hậu quả ấy. Trong đó điển hình có trường hợp của chị Nguyễn Thị H. và anh Vũ Văn T.

Chỉ vì những mâu thuẫn đơn giản trong cuộc sống, họ không đủ bản lĩnh và nhận thức đúng đắn để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình và làm chỗ dựa cho con cái dẫn đến bi kịch con mất bố, hạnh phúc gia đình tan vỡ” - Chị Phạm Thị Phương, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Lộc, Ân Thi, Hưng Yên cho biết.

Đây là một trong những trường hợp mà tổ hòa giải của chị Phương phải mất nhiều thời gian và cũng đắn đo nhất khi những cảnh đời éo le cứ đeo bám họ mãi cho tới bây giờ. Anh T. thì quá hiền lành, nhu nhược, còn chị H. thì lại quá yếu đuối, không thể chịu khổ. Hơn nữa, cuộc sống khó khăn, nhận thức chưa cao dẫn đến hạnh phúc gia đình rất dễ bị tan vỡ.

Anh Nguyễn Văn T. và chị Vũ Thị H. kết hôn đã được gần 30 năm. Lấy nhau do sự mối lái của họ hàng nên cho tới khi kết hôn giữa họ mới nảy sinh tình cảm.

Đến nay họ đã có 3 người con gái và 1 bé trai. Những ngày mới sinh đứa thứ 1, thứ 2, cuộc sống dù khó khăn nhưng cũng không đến nỗi nào, họ vẫn thương yêu nhau và cùng nhau san sẻ gánh nặng của cuộc sống.

Nhưng rồi khi đứa thứ 3, thứ 4 chào đời, cái khó ngày càng khiến cho cuộc sống của cả gia đình trở nên bi đát. Bố mẹ già yếu, chồng thì không có nghề nghiệp, chị H. chỉ đi buôn con cá, mớ rau để chăm lo con cái và lo việc gia đình.

Người vợ trở về sau những tháng ngày lầm đường lạc lối
Người vợ trở về sau những tháng ngày lầm đường lạc lối

Anh T. cũng đã cố gắng làm thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám không buông tha cho gia đình anh. Khi những đứa con đã lớn, chị H. để chúng cho ông bà nội trông rồi xoay xở đi buôn. Thế nhưng một nguồn thu không đủ cho gần chục miệng ăn trong nhà. Chị chán nản, thất vọng và thường xuyên gắt gỏng với chồng con, đôi lúc mắng nhiếc chồng. Biết mình không kiếm được nhiều tiền như vợ, anh T. cũng đành im lặng.

Thế nhưng càng được nước chị H. càng lấn tới, cứ về tới nhà là chị cáu với chồng, kiếm cớ mắng con. Mâu thuẫn của hai vợ chồng ngày càng tăng. Nhưng mọi người trong gia đình cũng chỉ biết im lặng vì đến miếng ăn cũng không nổi, làm gì còn hơi sức để mà tranh luận, cãi vã nhau.

Chán cảnh nghèo túng, cứ vài ngày chị H. lại bỏ nhà đi vài ngày mới về. Các con và chồng chị có hỏi nhưng chị đều nói “tôi đi kiếm tiền chứ đi đâu, không đi để cả nhà chết đói à”. Và rồi cái không khí nặng nề lại bao trùm cả gia đình. Anh T. không còn biết nói thêm bất cứ một lời nào nữa.

Chị Phương cho biết: “Rất nhiều lần mọi người trong xóm thấy nhà anh T. chị H. to tiếng với nhau. Chị em trong xóm đã tới để nhắc nhở và khuyên gia đình chị nên hòa thuận để vượt qua đói nghèo, nhưng mọi chuyện vẫn không có gì tiến triển.

Tổ hòa giải cũng đã mời chị lên xã để tuyên truyền và phân tích giúp chị nhận thức đúng đắn để rút lại lá đơn ly hôn, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhưng chị vẫn quyết định ra đi”.

Từ hôm đó, những lần chị H. bỏ nhà đi càng nhiều hơn. Rồi bỗng một hôm chị về đưa lá đơn ly hôn cho chồng và tuyên bố với gia đình sẽ đi nơi khác làm ăn và không trở về nhà nữa vì không chịu được cảnh nghèo túng này nữa.

Cả nhà đều bất ngờ nhưng không lấy làm ngạc nhiên và cũng đành để chị ra đi. Làng xóm ai cũng biết, chị ra đi là để đến với một người đàn ông khác. Những đứa trẻ ngơ ngác nhìn theo, chúng khóc và không hiểu chuyện gì xảy ra, chúng chỉ biết gọi “mẹ” nhưng chị vẫn chẳng đoái hoài gì tới chúng cả.

Bất lực và thất vọng, anh T. đã vào Nam kiếm sống bằng mọi cách, anh làm nghề cửu vạn, phụ hồ… để có tiền gửi về cho ông bà nội nuôi các cháu.

Nhưng thật bất hạnh, năm 2009 vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của anh, khiến cho cha mẹ mất con, những đứa trẻ bơ vơ đã mất mẹ nay cũng không còn bố.

Cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi một mình cụ Cố phải làm lụng nuôi 2 đứa cháu nhỏ một đứa học lớp 2, và một đứa học lớp 4.

 Đứa lớn sau khi bỏ học cũng đã lấy chồng để giảm bớt gánh nặng cho bà, đứa thứ 2 cũng đi làm công nhân để kiếm thêm phụ giúp bà và các em. Cụ Cố nhớ lại: “Có những hôm bữa cơm chỉ có bát nước mắm mà mấy đứa trẻ vẫn cứ ăn cơm một cách ngon lành. Nhìn chúng mà tôi rơi nước mắt.”

Trở về sau những ngày lầm đường lạc lối

Khi nói về mẹ, bé Hường im lặng và cúi mặt buồn bã, em nói chỉ nhớ bố và có những lúc bật khóc vì nhớ bố quá. Có lẽ những ký ức về chị H. trong tâm trí những đứa con của mình quá mờ nhạt khiến chúng không còn nhớ và cũng không muốn nhớ.

Chị Phương cho biết: “Biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình cụ, chị em phụ nữ trong làng xóm cũng động viên, chia sẻ cũng như giúp đỡ về vật chất để gia đình cụ bớt khó khăn hơn. Mỗi tháng, hội cũng trích 50 nghìn đồng để giúp đỡ gia đình.

Hàng năm, ở thôn xã đều có những học bổng nho nhỏ để động viên các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn vượt khó học giỏi. Năm vừa rồi, chúng tôi cũng trao cho bé Hường suất học bổng trị giá 2 triệu đồng để cháu tiếp tục có động lực phấn đấu”.

Được giúp đỡ và ủng hộ về vật chất, Nhưng ai đâu biết rằng, dù có được sống sung túc, đầy đủ và sung sướng đến mấy thì đối với những đứa trẻ sự thiếu tình cảm của bố mẹ là một sự thiệt thòi lớn. Và không ai có thể thay bố mẹ chúng lấp đầy những khoảng trống ấy.

Trên đời này không có người mẹ nào có thể ruồng bỏ những đứa con mà mình dứt ruột sinh ra. Có chăng cũng chỉ bởi hoàn cảnh xô đẩy, nhưng quan trọng là sau đó họ biết nhận ra sai lầm và sửa chữa lỗi lầm.

Cuối cùng, sau cái chết của chồng, chị H. cũng đã trở về với những đứa con với những giọt nước mắt hối hận vì đã bị người đàn ông khác phụ bạc.

Những lần trở về, chị H. đều tâm sự với chị Phương, chị buồn rầu và nhận ra lỗi lầm của mình. Đúng là gia đình luôn là nơi để người ta nghĩ về và nương tựa những lúc khó khăn, thất vọng.

 Hơn nữa, ở gia đình và nơi quê hương ấy còn có những người thân, bạn bè và đặc biệt là những đứa con thơ dại của chị. Nhiều đêm nằm suy nghĩ lại chị thấy tủi thân, xấu hổ và cắn dứt lương tâm.

“Bỏ con bỏ cái ra đi là điều mà không người mẹ nào muốn. Sau những lầm lỗi đã gây ra, chị H. cũng đã nhận ra và trở về với gia đình. Chị vô cùng dằn vặt đau khổ khi những đứa con thờ ơ với tình cảm của chị. Làng xóm cũng nhìn chị bằng con mắt khác lạ. Nhưng người ta bảo “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người quay lại”.

 Thế nên biết chị có ý định trở về, mọi người cũng an ủi, động viên và khuyên nhủ những đứa con để họ tha thứ và chấp nhận chị. Và hơn hết chính là tấm lòng bao dung của mẹ chồng chị” – Chị Phương chia sẻ.

Gặp cụ Cố, nhìn vào đôi mắt ngấn lệ của cụ chúng tôi hiểu được sự vất vả cực nhọc và nỗi khổ tâm của cụ suốt thời gian qua. Nhìn những đứa cháu, cụ tâm sự: “Những năm qua, những đứa cháu chỉ biết sống với bố, ông bà.

Giờ ông và bố chúng mất rồi, chỉ còn mình tôi với vài sào ruộng. Dẫu biết mẹ chúng có tội lớn nhưng dẫu sao mẹ con không thể bỏ nhau được. Mọi người vẫn mong chị ấy trở về cho có mẹ có con, để chúng được nương tựa và dựa dẫm vào mẹ như bao đứa trẻ khác”.

Chị Phương cho biết những ngày mới trở về, tâm trạng chị H. lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi và bất an. Những lần về nhà chị chỉ dám ghé qua, nhìn con và ôm mặt khóc rồi đi ngay chứ không dám nán lại để trò chuyện với chúng.

Có lẽ chị vẫn chưa đủ can đảm và mạnh mẽ để đối mặt với sự thật, sự mặc cảm và tự ti trong chị còn quá lớn, chị vẫn chưa thoát ra khỏi sự cắn rứt lương tâm.

“Trong hoàn cảnh của chị, để có thể trở về và đối mặt với mọi người, với mẹ chồng và nhất là những đứa con là điều thực sự không dễ chút nào.

Sau gần chục năm bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc, niềm vui và sự sung sướng, bỏ mặc chồng, bố mẹ già và những đứa con nhỏ với biết bao nỗi lo toan bộn bề cuộc sống, chị chưa thể tha thứ cho bản thân mình để ôm các con trong vòng tay.

Nhưng rồi thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương. Mẹ chồng đã tha thứ cho chị, những đứa con cũng nguôi ngoai và cần có chị. Hạnh phúc sẽ đến với chị H. nếu chị ấy biết trân trọng và giữ gìn nó” – Chị Phương thở dài.

Rồi mai đây, những đứa trẻ sẽ lớn, chúng sẽ biết nghĩ và nhận thức về cuộc sống. Chúng không thể tự hào về người mẹ của chúng nhưng ít ra cũng sẽ nhớ, biết ơn khi mẹ chúng còn quan tâm, yêu thương và chăm sóc chúng.

Ngôi nhà vắng vẻ, hiu quạnh chỉ có những đứa trẻ và một bà cụ nhà vẫn ngày ngày nương tựa vào nhau để sống. Họ đã tha thứ và mong chị H. trở về. Sẽ có một ngày, khi tình mẫu tử lớn vốn có trong chị hơn tất cả, chị vượt qua được bản thân và sự cắn rứt lương tâm chị sẽ quay trở về.   
 

  • Song Lê
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc