Người xưa nói: “Không nghe lời người già, chịu thiệt ở trước mắt”. Người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm và từng trải, nên đối với thế giới này họ cũng nhận thức sâu sắc và thấu tỏ hơn.
Dưới đây là những câu nói của người xưa, sẽ mang lại ích lợi không nhỏ cho bất kỳ ai đọc nó:
Đối xử với cha mẹ 2 lượng, con cháu trả lại cả 1 cân
Ngày hôm nay bạn đối xử với cha mẹ như thế nào, tương lai con cháu bạn sẽ đối xử với bạn như vậy. Người ta thường ví gia đình là một cây cổ thụ, ông bà là gốc, cha mẹ là cành lá, con cái là quả. Chỉ có bón phân vào gốc thì cành lá mới phát triển tốt, trái mới đủ dinh dưỡng.
Khi một người hiếu thuận với cha mẹ của mình, họ sẽ trở thành tấm gương để con cái noi theo, hằng ngày, con cái của họ sẽ thấy cha mẹ của mình tôn kính và đối xử tử tế với người lớn trong nhà, con trẻ sẽ thông qua hành vi của cha mẹ và sẽ hiểu được hai chữ “Hiếu thuận”, sau này chúng sẽ biết cách hiếu thuận và chăm sóc cha mẹ của chúng một cách tận tình.
Người xưa răn dạy (Ảnh minh họa)
Tài do đức dưỡng, trí tùy tâm sinh
Người muốn kiếm tiểu tài thì dựa vào sức, kiếm đại tài thì lại phải dựa vào đức. Người mà đức không nhiều, tâm không thiện thì chẳng thể có được đại tài.
Cổ nhân có câu: “Hậu đức tải vật”, chỉ một người có đức đủ lớn mới có thể dung chứa được vạn vật. Muốn kiếm tiền, muốn phát tài thì trước tiên tu dưỡng tâm tính bản thân. Một người chỉ khi có đủ đầy đức hạnh thì mới có được tài phú tròn đầy.
Trên đời không có việc gì khó, khó là khó ở lòng người, có tâm ắt có hành động, có yêu ắt có phó xuất, có mơ ước ắt có hy vọng. Con người nhẫn nại bao nhiêu thì có được sức chịu đựng bấy nhiêu, có định lực bấy nhiêu, mấu chốt cũng lại là ở chỗ dụng tâm. Tâm chân thành, trời kính đất nể, người tương thân mọi việc thuận dòng.
Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù
Lòng tốt cũng cần có giới hạn và mức độ của nó, lòng tốt không có quy tắc thì sẽ là nhu ngược.
Một người gặp phải hoàn cảnh đói khát, cơ cực, bạn cho họ một bát gạo, họ liền có thể giải quyết được vấn đề lớn của họ, họ sẽ cảm thấy biết ơn bạn khôn nguôi.
Tuy nhiên, nếu bạn cứ tiếp tục cho họ như một thói quen, họ sẽ cảm thấy đó là điều hiển nhiên. Một bát gạo không đủ, hai bát gạo không đủ, dần dần, một gánh gạo cũng cảm thấy như một giọt nước trong biển cả, có cho bao nhiêu cũng cảm thấy không thỏa mãn.
Trong cuộc sống, chúng ta thường chứng kiến những sự việc tương tự. Lần đầu tiên bạn giúp đỡ ai đó, họ sẽ cảm thấy cảm kích và biết ơn bạn; lần thứ hai sự cảm kích cũng dần trở nên nhạt hòa. Dần dần, họ sẽ coi đó là điều hiển nhiên bạn cần phải làm cho họ. Thậm chí, khi họ không nhận được sự giúp đỡ của bạn, họ sẽ sinh ra tâm lý oán trách.
Bởi vậy, sự lương thiện cũng cần phải có chừng mực và mức độ.