Nhân viên lấy ráy tai quên cây móc trong tai khách hàng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau khi lấy ráy tai cho khách, nhân viên phát hiện thấy thiếu mất cây móc. Kiểm tra tai khách hàng thì thấy cây móc này nằm bên trong...

Chiều 9/3, BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận một nam bệnh nhân được nhân viên một tiệm hớt tóc trên địa bàn TP đưa đến trong tình trạng đau, ù tai phải với dụng cụ bằng kim loại lấy ráy tai nằm dính trong đó.

Bệnh nhân khai đi ráy lấy tai ở tiệm hớt tóc, khi lấy ráy xong thì phát hiện bị mất cây móc. Sau đó, nhân viên lấy ráy tai đã tìm và thấy có cây móc trong lỗ tai khách hàng. Kéo cây móc ra không được nên tiệm đã đưa  khách hàng đi bệnh viện.

BS Lê Khánh Huy, BV Tai  Mũi Họng cho biết kết quả khám và nội soi thấy đầu móc dụng cụ ráy tai là một dây thòng lọng quàng vào cán xương búa (sau màng nhĩ có ba xương dẫn truyền âm thanh: Xương búa, xương đe và xương bàn đạp). Các bác sĩ đưa bệnh nhân lên phòng mổ gây mê, nội soi tách xương búa và cái móc ra. Sau khi tách thấy xương búa bị trật khớp quay ra trước nên bác sĩ dùng dụng cụ chỉnh lại cho đúng. 

Nhân viên lấy ráy tai quên cây móc trong tai khách hàng
 Dị vật lấy ra từ tai bệnh nhân

Sáng nay, 10/3, sau khi chụp CT và đo thính giác thấy bệnh nhân bình thường, màng nhĩ bị chấn thương nên bệnh viện cho thuốc kháng sinh, đồng thời cho bệnh nhân xuất viện và hẹn ngày tái khám.

BS Huy cho biết thêm: "Bình thường nếu bệnh nhân không bị thủng màng nhĩ thì khi người lấy ráy tai đụng vào nhĩ sẽ gây đau, giựt mình. Đằng này bệnh nhân bị viêm tai xương chũm, màng nhĩ đã bị thủng (thể nặng hơn viêm tai giữa) nên người lấy ráy tai mới đưa móc tai qua màng nhĩ mà bệnh nhân không nghe đau. Khi thấy xương búa lò ra người ta tưởng ráy tai nên cố kéo ra. Trường hợp này, nếu không dừng đúng lúc có thể sẽ kéo đứt xương búa".

Ráy tai là chất tiết của da ống tai ngoài, bao gồm chất bã tiết ra từ nang lông, tế bào da ống tai, lông da ống tai. Tính chất vật lý của ráy tai phụ thuộc vào chủng tộc. Ráy tai có hai loại ướt và khô. Ráy tai ướt sền sệt, có màu vàng nhạt đến vàng nâu, có mùi hơi tanh. Ráy tai khô có màu xám. Bình thường ráy tai bị đẩy ra ngoài lỗ tai do hoạt động của khớp nhai phía trước ống tai.

Ráy tai có nhiệm vụ ngăn chặn bụi, vi nấm, vi trùng xâm nhập vào sâu bên trong ống tai ngoài để gây bệnh. Như vậy ráy tai là chất tiết sinh lý của da ống tai ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ tai và ráy tai sẽ tự đào thải ra ngoài lỗ tai. Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra.

Đã có nhiều nghiên cứu về nghe kém gây ra do ráy tai. Có người ráy tai nhiều làm bít ống tai ngoài gây nghe kém ù tai, cần phải lấy ráy tai. Không ít bệnh nhân đến khám vì biến chứng từ nhẹ (nhiễm trùng ống tai) đến nặng (thủng màng nhĩ) do tự lấy ráy tai.

Lời khuyên khi lấy ráy tai:

- Không lấy ráy tai thường xuyên.

- Không tự ý lấy ráy tai.

- Không nhờ người không có chuyên môn y khoa lấy ráy tai.

- Chỉ dùng khăn lau vành tai và lỗ tai, không cho bất cứ vật gì (que bông, móc tai kim loại...) vô sâu trong tai. Khi cần lấy ráy tai, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng là người hiểu biết, có kỹ năng giúp xử lý một cách khoa học.

- Nên tự vệ sinh ống tai bằng cách nhỏ vào tai vài giọt oxy già. Oxy già sẽ sủi bọt, đẩy ráy tai ra ngoài, ta chỉ việc dùng khăn lau sạch lỗ tai. Chỉ nên lấy ráy tối đa 2 lần trong tháng. Lưu ý sau khi nhỏ oxy già vô tai, bạn sẽ nghe tiếng lép bép trong tai. Tiếng lép bép này là do các bọt khí của oxy già bị vỡ ra, sau 5 phút sẽ hết.

Người cha già lo con trai mất trí đi lạc chết đói đã tìm được con
Người cha già lo con trai mất trí đi lạc chết đói đã tìm được con
(Xã hội) - (Phunutoday) - Sau 2 ngày tìm kiếm, gia đình ông Sơn vỡ òa trong hạnh phúc khi được cơ quan công an thông báo đã tìm anh Vũ....
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn