Tờ Sport Nippon nêu ra các lãnh thổ mà Nhật Bản có tranh chấp với các nước láng giềng gồm có quần đảo Dokdo tại biển Nhật Bản, đang do Hàn Quốc kiểm soát mà phía Nhật gọi là quần đảo Takeshima và quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hiện đang được Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng đòi quyền và gọi là Điếu Ngư.
Ngoài ra còn có quần đảo Kuril ở phía bắc đảo Hokkaido của Nhật, do Liên Xô tiếp quản từ cuối Thế chiến II và hiện do Nga quản lý, nhưng Nhật Bản vẫn đòi hỏi chủ quyền và gọi đây là Lãnh thổ phương Bắc.
Quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông được Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. |
Trước đó, hãng tin Kyodo News cho biết, chính quyền Tokyo tuyên bố “một số địa danh trong bản đồ điện tử trên các trang chủ không phù hợp với lập trường của chính phủ Nhật Bản”.
Chính phủ khuyến cáo các cơ quan nhà nước nên sử dụng các bản đồ do Quốc thổ Địa lý Viện của Nhật Bản biên soạn.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ các tổ chức này có thực hiện theo đề nghị của chính phủ Nhật Bản hay không bởi dường như dịch vụ bản đồ do Google cung cấp sử dụng thuận tiện hơn rất nhiều.
Đây không phải là lần đầu tiên những thông tin được đăng tải trên bản đồ Google bị phản ứng. Trước đó, Việt Nam đã phát hiện bản đồ trực tuyến Google Maps có chú thích không chính xác về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo đó, quần đảo Hoàng Sa, bị Google ghi tên trên bản đồ là "Tây Sa" - tên mà Bắc Kinh đặt cho Hoàng Sa sau khi quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974. Sau đó Google đã sửa chữa bằng cách dùng tên quốc tế của Hoàng Sa là Paracel Islands.
Trong năm 2010, dịch vụ bản đồ trực tuyến Google Maps cũng từng có những sai sót làm sai lệch chủ quyền Việt Nam, như cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn) hay một nửa thành phố Lào Cai lại nằm bên kia biên giới Trung Quốc. Sau khi Bộ Ngoại giao yêu cầu chỉnh sửa, Google cũng đã sửa lại các thông tin sai lệch này.