Francesca Borri, một nữ nhà báo tự do người Italy, viết bài này khi đang làm việc ở Syria. Bài viết xuất hiện trên tờ Columbia Journalism Review hồi tháng 7/2013. Cô từng xuất bản hai cuốn sách về các cuộc chiến ở Kosovo và Dải Gaza, với tư cách một nhà hoạt động nhân quyền.
Cuối cùng ông ta cũng gửi thư cho tôi, sau hơn một năm làm phóng viên tự do, kết bạn với bệnh thương hàn và bị thương ở đầu gối. Biên tập viên của tôi, vốn chỉ theo dõi tin tức, tưởng rằng tôi là một trong những nhà báo người Italy bị bắt cóc, và gửi một bức thứ với nội dung: "Nếu bắt được liên lạc, có thể gửi cho tôi chỗ cô bị giam không?".
"6.000 chữ và không ai chết sao?"
Tối hôm ấy, tôi trở về căn cứ của quân nổi dậy, chốn dung thân của tôi giữa địa ngục mang tên Aleppo, nơi chìm trong khói bụi, những cơn đói và sự sợ hãi. Tôi chỉ mong có được một người bạn, một câu nói ấm áp hay một cái ôm.
Vậy mà, tất cả những gì tôi nhận chỉ là một email khác từ Clara. Cô ta đang nghỉ dưỡng tại căn hộ của tôi ở Italy. Clara đã gửi cho tôi 8 tin khắn với tiêu đề "Khẩn!". Hôm nay cô ta muốn tìm thẻ spa của tôi để làm đẹp miễn phí. Những tin nhắn còn lại có nội dung đại loại như: "Bài báo hôm nay thật tuyệt vời. Nó hay như cuốn sách về Iraq của cô". Chỉ có điều, cuốn sách của tôi không viết về Iraq, mà là Kosovo.
Nữ nhà báo Francesca Borri. |
Mọi người thường có cái nhìn lãng mạn về cái nghề tự do này, khi chứng kiến một nhà báo sẵn sàng đánh đổi mức lương ổn định để được kể những câu chuyện họ hứng thú nhất. Sự thật hoàn toàn trái ngược: Chúng tôi không tự do đến thế. Tôi chỉ có có cơ hội việc làm ở Syria, nơi không ai muốn tới.
Nếu nói chính xác thì nơi này thậm chí chẳng phải Aleppo, mà là một chiến trường. Bởi vì các biên tập viên ở Italy chỉ thích máu và súng đạn. Tôi từng viết một bài về người Hồi giáo và mạng lưới phúc lợi xã hội cùng nguồn gốc quyền lực của họ. Đó là những vấn đề khó giải thích hơn nhiều việc đưa tin chém giết. Tôi đã cố gắng phân tích chứ không chỉ dừng ở việc đứng ngoài và đưa tin hời hợt. Vậy mà câu trả lời tôi nhận được là: "Cái gì đây? 6.000 chữ và không ai chết sao?".
Nếu biên tập viên yêu cầu tôi viết về Gaza, thì đó là vì như thường lệ, lại có bom nổ ở Gaza. Tôi từng nhận một thư điện tử với nội dung: "Cô thuộc Gaza như lòng bàn tay. Ai quan tâm việc cô ở Aleppo hay không chứ?". Chính xác. Sự thật là tôi đã đến Syria sau khi nhìn thấy những bức ảnh của phóng viên Alessio Romenzi đăng trên tờ Time. Anh ấy đến Homs, thành trì của phe nổi dậy, qua đường ống nước, trong lúc cả thế giới chẳng biết gì về sự tồn tại của một thành phố như Homs.
Tôi thấy các bức ảnh ấy khi đang nghe đài. Ánh mắt của những người sắp ngã xuống trước họng súng của quân đội Bashar al-Assad hướng thẳng về phía tôi. Vậy mà không ai biết một nơi tên là Homs. Lương tâm lên tiếng và tôi biết tôi phải đến Syria ngay lập tức.
70 USD cho một bài viết giữa chiến trường
Nhưng dù bạn viết từ Aleppo, Gaza hay Rome, các biên tập viên vẫn chẳng thấy gì khác biệt. Bạn vẫn chỉ được trả một mức giá cố định: 70 USD cho một bài viết. Thậm chí ở những nơi như Syria, vật giá còn đắt gấp 3 lần vì nạn đầu cơ. Ví dụ, việc ngủ trong căn cứ của quân nổi dậy, dưới làn đạn pháo, trên một cái đệm được trải thẳng xuống đất, với thứ nước màu vàng khiến bạn mắc bệnh thương hàn, sẽ mất 50 USD một đêm và chi phí thuê xe là 250 USD một ngày.
Điều đó có nghĩa là rủi ro chỉ đang tăng chứ không giảm. Bạn không bao giờ đủ tiền mua bảo hiểm, khoảng 1.000 USD một tháng, mà cũng chẳng có người giúp đỡ hay phiên dịch viên. Và bạn nhận ra mình đang cô đơn ở một nơi xa lạ.
Các biên tập viên thừa biết mức nhuận bút 70 USD một bài viết không đủ cho bạn chi tiêu. Họ cũng thừa hiểu, nếu bạn bị thương nghiêm trọng thì thà chết còn hơn, vì không có tiền để chữa bệnh. Nhưng dù thế nào thì họ vẫn cứ mua bài của bạn, ngay cả khi những con người ấy thậm chí không bao giờ bỏ tiền mua một quả bóng đá do những đứa trẻ ở Pakistan tự làm bằng tay.
Công nghệ thông tin hiện đại khiến người ta tin rằng, tốc độ là tin tức. Nhưng điều đó lại phụ thuộc vào một thứ logic phi lý là: nội dung báo chí đang được chuẩn hóa, và những tờ báo hay tạp chí của chúng ta giờ không còn mang tới sự khác biệt. Nhiều người cho rằng không có lý gì phải trả tiền cho nhà báo.
Borri ở thành phố Aleppo, Syria. |
Ý tôi là, để tìm kiếm thông tin, người ta có thể dùng Internet, hoàn toàn miễn phí. Khủng hoảng thông tin xảy ra là do lỗi của các cơ quan báo chí, người đọc không có tội. Độc giả vẫn ở đó, và trái với suy nghĩ của nhiều biên tập viên, họ là những người rất sáng suốt, luôn yêu cầu sự rõ ràng thay vì tối giản.
Họ muốn hiểu, chứ không chỉ đơn thuần là biết. Mỗi lần công bố với độc giả một bằng chứng về cuộc chiến, tôi lại nhận email từ họ với nội dung: "Làm tốt lắm. Cô có một bài báo hay và những miêu tả tuyệt vời. Nhưng tôi muốn hiểu điều gì đang xảy ra ở Syria".
Điều đó khiến tôi chỉ muốn nói thẳng với họ rằng, tôi không được phép viết những bài phân tích, vì các biên tập viên sẽ chỉ ném nó đi và xẵng giọng: "Cô nghĩ mình là ai thế, nhóc?", mặc dù tôi có 3 tấm bằng, từng viết hai cuốn sách và đã có 10 năm lăn lộn khắp các chiến trường. Tôi cũng từng là một nhà hoạt động vì nhân quyền và giờ đang làm báo. Tuổi trẻ quý giá đã không còn khi tôi phải chứng kiến những mảnh não vương vãi quanh mình giữa chiến trường Bosnia, khi tôi mới 23 tuổi.
Phóng viên tự do là những nhà báo hạng hai, ngay cả khi chúng tôi là những người duy nhất tác nghiệp ở đây, ngay tại Syria này, bởi đây là một cuộc chiến bẩn thỉu, một cuộc chiến từ thế kỷ trước. Người ta đào hào ngăn cách phiến quân và những kẻ trung thành với chính phủ. Hai đầu chiến tuyến gần nhau tới mức, họ có thể nghe thấy tiếng đối phương la hét trong khi đang xả súng.
Lần đầu tiên có mặt ở chiến trường, tôi gần như không thể chấp nhận điều đó, khi chứng kiến sự xuất hiện của những chiếc lưỡi lê tưởng như chỉ còn trong sách lịch sử. Giữa thời đại của chiến tranh công nghệ và máy bay không người lái, người ta lại đang tranh giành từng mét đất và từng con phố. Điều đó rất đáng sợ.
Thế nhưng tất cả những gì các biên tập viên ở Italy có thể làm là đối xử với bạn như con nít. Nếu bạn chụp một bức ảnh trang bìa, họ sẽ nói bạn chỉ đơn thuần gặp may, vì có mặt đúng lúc đúng chỗ. Nếu bạn sở hữu một câu chuyện độc quyền, giống như bài báo tôi viết hồi tháng 9/2012 về thành phố cổ Aleppo, một di sản UNESCO, đang bùng cháy trước trận giao tranh của quân nổi dậy và binh sĩ chính phủ, họ sẽ lại bảo: "Tại sao cô lại đến được đó còn các phóng viên của tôi thì không?". Tất cả chỉ vì tôi là nhà báo nước ngoài đầu tiên có mặt tại hiện trường. Một biên tập khác còn gửi thư nói: "Tôi sẽ mua bài viết ấy, nhưng nó sẽ được đăng dưới tên nhân viên của tôi".
"Đây không phải chỗ cho phụ nữ"
Một tối cách đây không lâu, khi khắp nơi là tiếng súng, tôi đang ngồi thu lu một góc, mang vẻ mặt mà bạn chỉ có thể thấy khi thần chết sắp ập đến, thì một đồng nghiệp nam tới, nhìn tôi từ đầu tới chân, và tuyên bố: "Đây không phải chỗ cho phụ nữ".
Tôi có thể nói gì với một tên đàn ông như thế? Đồ điên, đây không phải là chỗ cho bất cứ ai. Tôi biết sợ hãi vì đầu óc tôi vẫn bình thường. Vì Aleppo là một nơi chỉ có súng và nội tiết tố nam, nên ai cũng bị chấn thương tâm lý. Anh bạn Henri chỉ biết về chiến tranh còn Ryan thì mất kiểm soát vì lạm dụng thuốc kích thích.
Những đứa trẻ bất hạnh thường tìm đến chỗ tôi, một cô nàng "mong manh", và muốn biết tôi là ai. Tôi chỉ muốn nói rằng: "Cô cũng chẳng khác gì các cháu". Đêm đến là lúc tôi khoác lên mình vẻ mặt đau buồn, tự bảo vệ bản thân và gạt đi mọi cảm xúc. Đó cũng là lúc tôi tự cứu rỗi chính mình.
Bởi Syria không còn là Syria nữa. Nó đã biến thành một trại thương điên. Một gã người Italy thất nghiệp đến và xin gia nhập al-Qaeda. Gã bị mẹ đuổi khắp Aleppo hòng đánh một trận. Một tên người Nhật thì cố mò ra chiến trường, chỉ vì muốn có hai tuần "cảm giác mạnh". Một cử nhân trường luật từ Thụy Điển đến để thu thập bằng chứng về tội phạm chiến tranh. Mấy tay nhạc sĩ người Mỹ thích nuôi râu ngụy trang kiểu bin Laden, dù sự thật là họ có mái tóc vàng và cao tới 1,93 m. Họ còn mua cả thuốc chống sốt rét dù ở đây không người nào mắc bệnh đó.
Còn một số tay chuyên viên từ vài cơ quan của Liên Hợp Quốc, họ là những người sẽ chỉ biết giương mắt nhìn khi bạn đến và nói rằng, một đứa trẻ vừa mắc leishmaniasis, một căn bệnh do vết cắn của ruồi cát, và cầu xin họ đưa đứa bé tới Thổ Nhĩ Kỳ để chữa bệnh. Họ lạnh lùng tuyên bố chỉ quan tâm tới "trẻ em" nói chung, và từ chối giúp đỡ một cá nhân.
Nhưng dù sao chúng tôi vẫn là những phóng viên chiến trường. Chúng tôi đánh đổi mạng sống của mình để lên tiếng thay những người không thể cất tiếng nói. Chúng tôi chứng kiến những việc mà hầu hết mọi người không bao giờ thấy. Chúng tôi là nhân vật chính của các câu chuyện bên bàn ăn, là những vị khách thú vị mà chủ nhà nào cũng muốn mời tới.
Bí mật bẩn thỉu
Nhưng chúng tôi có một bí mật bẩn thỉu, đó là thay vì đoàn kết, chúng tôi lại là kẻ thù của nhau. Họ trả 70 USD cho một bài báo không phải bởi họ không có tiền. Họ luôn có tiền cho những bài báo về các cô bồ của Berlusconi. Nguyên nhân thực sự là nếu bạn đòi 100 USD thì sẽ có người khác sẵn sàng nhận luôn mức giá 70 USD. Đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất. Giống như Beatriz hôm nay đã cố tình chỉ đường sai cho tôi để cô ta thành người duy nhất viết bài về vụ biểu tình. Còn tôi ở đây, mắc kẹt giữa những tay súng bắn tỉa vì bị cô ta lừa, chỉ để viết về một vụ biểu tình, giống hàng trăm vụ khác.
Chúng tôi giả vờ rằng mình có mặt ở đây là để tìm hiểu về những diễn biến đang xảy ra ở Syria. Sự thật là, chúng tôi đến đây để tìm kiếm một giải thưởng, để chứng tỏ bản thân. Chúng tôi khiến người ta tưởng rằng giải Pulitzer đã ở trong tầm tay, trong khi thực tế đâu phải vậy.
Chúng tôi đã phạm sai lầm. Hai năm trôi qua mà độc giả gần như vẫn không thể nhớ Damascus ở đâu. Cả thế giới thì mơ hồ nghĩ về Syria như "một bãi chiến trường", chỉ toàn máu, máu và máu, bởi họ chẳng hiểu gì về Syria.
Chúng tôi chỉ cho thế giới thấy những thứ kiểu như tấm ảnh một em bé Syria 7 tuổi với điếu thuốc trên tay. Rõ ràng đó là một bức ảnh giả tạo, nhưng nó vẫn tràn lan trên mạng suốt tháng 3/2013, còn cả thế giới thì chỉ biết gào lên: "Lũ Syria mọi rợ!".
Nếu thực sự hiểu về chiến tranh, tôi đã không bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa phe nổi dậy và những người trung thành với chính phủ, giữa người Hồi giáo Sunni và Shia. Bởi câu chuyện duy nhất nên được kể trong chiến tranh là về cách sống mà không sợ hãi. Vì mọi thứ đều có thể biến mất trong vài giây.
Nếu biết trước điều đó, tôi đã không sợ hãi việc yêu thương và dấn thân trong cuộc đời; thay vì ngồi đây, ngay lúc này, tự ôm lấy bản thân trong bóng tối, giữa cái chốn hôi thối này, hối hận về những việc tôi chưa làm, những gì tôi chưa nói. Hỡi những người ngày mai vẫn còn sống, các bạn đang trông đợi điều gì? Sao các bạn không yêu đủ nhiều. Các bạn có tất cả, vậy sao các bạn còn sợ hãi?
Ngoài Alessio Romenzi, tên của tất cả nhân vật trong bài đều được thay đổi vì lý do an toàn.