(Con cái)- Mẹ sợ hãi nhưng không bao giờ hình dung được, ngày vượt cạn của mẹ lại đau đớn thế này. Hình như trong quãng đời 27 tuổi của mẹ từ trước đến nay, chưa bao giờ mẹ đau đớn gì như đau đẻ con.
Những ngày mẹ mang bầu tháng thứ 7, khi ấy bác của con cứ hay dọa mẹ chuyện đau đẻ. Mẹ sợ hãi nhưng không bao giờ hình dung được, ngày vượt cạn của mẹ lại đau đớn thế này. Hình như trong quãng đời 27 tuổi của mẹ từ trước đến nay, chưa bao giờ mẹ đau đớn gì như đau đẻ con.
Và cũng chưa có nỗi đau nào lại qua nhanh như khi đau đẻ. Vì bao nhiêu đau đớn như vậy, nhưng khi mẹ được gặp con yêu ngay phòng sinh nở, mẹ đã thấy người nhẹ bấc, những đau đớn hoàn toàn biến mất. Mẹ chỉ cảm nhận được những hạnh phúc vỡ òa.
Thế mà giờ Buggi của mẹ đã được gần 1 tuổi rồi. Điều này có nghĩa đúng cách đây gần 1 năm, Buggi của mẹ đã chào đời mang bao niềm vui đến cho gia đình nhỏ thân thương nhà mình đấy. Nghĩ lại cái ngày đi đẻ Buggi cách đây gần 1 năm, đến giờ mẹ vẫn không bao giờ quên được. Mẹ đã sợ, sợ lắm vì mẹ sợ mẹ không tự vượt cạn được và có thể làm con trai của mẹ bị đau.
Trước hôm vào viện sinh Buggi, chiều hôm trước bố con được nghỉ làm và đưa mẹ đi siêu âm. Bác sĩ nói, 1-2 ngày nữa mẹ phải chuẩn bị vào viện sinh.
Thế mà tối hôm đó về, bị bắt đầu đau bụng lẩm nhẩm. Rồi cơn đau ngày một lâm râm nhiều hơn. Mẹ biết là dấu hiệu sắp trở dạ, nhưng mẹ vẫn gan lì chưa muốn nhập viện vì sợ cảnh chen chúc mệt mỏi. Cứ thế, mẹ đau bụng lâm râm tới tối khuya.
Bố con nhìn thấy mẹ như vậy, gọi taxi bắt mẹ nhập viện. Bố bảo: “Nhập viện luôn thôi không đêm đằng nào cũng phải đi, lại cập rập nữa”. Lúc đến viện, mẹ càng đau nhiều hơn. Khi ấy, chẳng hiểu bố gọi điện lúc nào mà có cả bà nội, bà ngoại tới và cả các dì, các bác của con nữa.
Và như một phép màu kỳ diệu, mẹ thấy mọi thứ vỡ òa. Bác sĩ đã rút con ra khỏi cơ thể mẹ. Người mẹ lúc này bỗng nhẹ bẫng. Con đã chào đời. |
2h đêm, sau vài lần trèo lên bàn sinh thăm khám tử cung mở bao nhiêu phân, bác sĩ bắt đầu cho mẹ vào phòng cách ly để theo dõi chờ sinh và sinh nở. Lúc này, cơn đau bụng của mẹ ngày càng dồn dập. Mẹ sợ lắm, nhưng không dám kêu to vì sợ bác sĩ sẽ tiêm giảm đau. Mà mẹ thì sợ tiêm lắm. Và vì không có bố con ở trong phòng này nữa nên mẹ càng cần phải cố gắng hơn.
Nằm ở phòng chờ sinh với cơn đau dồn dập. Song mẹ vẫn biết, lúc này ở bên ngoài, bố con, bà ngoại và bà nội cùng những người thân khác chắc phải nóng lòng lắm. Mấy lần, mẹ nhìn qua cánh cửa phòng, còn thấy dáng bố con thấp thoáng muốn nhòm vào xem nhưng bị bác sĩ nhắc nhở ra ngoài luôn.
Đúng 2h 30 phút đêm, bác sỹ khám lại lần nữa và cho mẹ lên bàn sinh. Mẹ vừa hạnh phúc vừa sợ. Hạnh phúc vì mẹ sắp được gặp con. Còn mẹ sợ vì sắp phải vượt cạn một mình. Có lẽ vì thế, lúc trèo lên bàn sinh, mẹ còn sợ quá nói với bác sĩ: “Chị ơi, hay cho em sinh mổ”.
Cũng may người bác sĩ đỡ đẻ hôm ấy hiền. Bác sĩ nói với mẹ rằng: “Em khỏe mạnh lắm, cố sinh thường đi để tốt cho mẹ và con. Cố gắng lên nhé, có gì chị sẽ hướng dẫn”.
Và rồi, bác sĩ bắt đầu cùng 2 y tá khác đã đỡ đẻ cho mẹ. Những cơn đau bức cửa mình đến tê tái. Mẹ cứ rặn đẻ theo lệnh chỉ huy của bác sĩ hôm ấy. Có những lúc mẹ tưởng mình đã kiệt sức. Song sợ con ngạt, mẹ dùng hết sức bình sinh để đẩy con ra ngoài.
Và lần cuối cùng, dù vẫn rất yếu ớt, mẹ vẫn quyết tâm lần cuối cùng dùng sức lực còn lại để đẩy con ra với sự cỗ vũ của các bác sỹ. Và như một phép màu kỳ diệu, mẹ thấy mọi thứ vỡ òa. Bác sĩ đã rút con ra khỏi cơ thể mẹ. Người mẹ lúc này bỗng nhẹ bẫng. Con đã chào đời.
Bao đau đớn và yếu ớt là vậy, mà khi con chào đời, mẹ thấy những đau đớn, nặng nề trong mẹ trước đó tiêu tan hết. Nhìn các bác sĩ cân và tắm cho con, mẹ hạnh phúc, mỉm cười trong nước mắt đầm đìa.
Lúc này, đồng hồ đã chỉ tới 3h30. Và sau 30 phút nằm đó để các bác sĩ làm các công tác sau sinh cho mẹ, mẹ đã được đẩy về phòng và gặp cả nhà. Mẹ nằm ở giường, bên cạnh con trước đông đúc bao nhiêu người thân. Bố con cứ bế con lóng ngóng và nụ cười tươi như chưa bao giờ tươi như thế. Rồi bà nội, bà ngoại cứ nhìn con trầm trồ khen con giống mẹ, giống ba ở nét này nét kia.
Vì sinh thường, nên gần trưa hôm sau, mẹ đã ra viện về nhà. Thế là mẹ đã vượt cạn và sinh con thành công. Cảm ơn con nhiều lắm, con đã đến bên cuộc đời mẹ như thế. Mẹ yêu con hơn bất cứ thứ gì trên cuộc đời này, Buggi ạ.
- Mẹ Buggi