Anh P.Đ (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được xác định mắc Covid-19 vào cuối tháng 12/2021 do tiếp xúc với đồng nghiệp là F0. Sau đó 3-4 ngày vợ con anh cũng nhận kết quả dương tính.
Vợ anh Đ là chị P.T.T (26 tuổi) chia sẻ chị có triệu chứng ho, tức ngực, hụt hơi, đau đầu. Người chồng ho, rát họng và ngạt mũi; con trai sốt, ho, chảy nước mũi. Những triệu chứng này chỉ diễn ra một vài ngày đầu, sau đó hết hẳn. Giữa tháng 1/2022, cả gia đình đủ điều kiện khỏi bệnh, được kết thúc cách ly.
Đến nửa cuối tháng 2, cả nhà chị T lại một lần nữa mắc Covid-19. Ngày 12/2, gia đình chị ăn cơm cùng 1 F0. Ngày 20/2, anh Đ bắt đầu rát họng, test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Ngày hôm sau chị T và con trai cũng dương tính. Các triệu chứng lần này nhẹ hơn lần đầu. Chồng chị T rát họng, con trai sổ mũi còn bản thân chị xuất hiện mệt, mỏi cơ, hụt hơi.
Như vậy, cả gia đình chị T đã bị tái nhiễm sau chưa đầy 2 tháng.
Tương tự trường hợp của chị T, chị P.V.A (29 tuổi, quận 1, TPHCM) cũng vừa tái nhiễm Covid-19. Theo lời chị V.A đợt mắc bệnh đầu tiên của chị là khoảng tháng 8/2021.
Lần đó chị V.A bay từ TPHCM về Bình Định, trên chuyến bay có 1 F0 nên sau đó chị vào khu cách ly tập trung 14 ngày. Đến ngày thứ 14 xét nghiệm PCR dương tính nên chuyển tới bệnh viện điều trị. Trong quá trình nằm viện chị không có triệu chứng, sau hơn 10 ngày điều trị thì được công bố khỏi bệnh và xuất viện về nhà.
Ngày 18/2, sau 6 tháng khỏi bệnh, chị V.A. đột ngột xuất hiện đau họng, sốt nhiều ngày không dứt. Tới 21/2, chị xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, giá trị CT là 18,15. Ở lần tái nhiễm này chị V.A bị ho, tức ngực mỗi lần ho và ngứa cổ.
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số các bệnh nhân bác sĩ từng điều trị, trường hợp có hiện tượng tái nhiễm sớm nhất là 3 tuần sau khỏi bệnh. "Các bệnh nhân tái nhiễm đa phần đều có triệu chứng nhẹ", bác sĩ cho hay.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Nguyên Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tình trạng tái nhiễm Covid-19 (tức đã mắc bệnh và khỏi, sau đó mắc lại) có thể xảy ra do một số nguyên nhân.
Thứ nhất là do kháng thể do SARS-CoV-2 tạo ra sau lần mắc đầu tiên sẽ bị giảm xuống. Cũng giống như việc tiêm vắc xin, khoảng vài ba tháng sau tiêm kháng thể sẽ giảm dần.
Thứ hai là hiện nay virus SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng như chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron. Bệnh nhân đã mắc chủng này có thể nhiễm thêm một chủng khác do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch tạo ra bởi chủng trước không “ngăn chặn nổi” chủng sau.
GS.TS Kính khuyến cáo những người từng nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để tránh nguy cơ tái nhiễm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khẳng định đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này.
“Chúng ta cần phải có số liệu để đánh giá cụ thể về vấn đề tái nhiễm, có thêm những biện pháp ứng phó cho phù hợp. Cần xem xét tỉ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, khoảng cách giữa hai lần mắc như thế nào? Ngoài ra, phải giải trình tự gene để xem chủng mắc là gì, có phải mỗi lần mắc là một chủng khác nhau hay không? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh”, TS Phu nói.