Ở bé trai, độ tuổi dậy thì thông thường rơi vào khoảng 12 – 17 tuổi, và trung bình mỗi bé trai phải mất 4 năm để quá trình dậy thì trở nên ổn định.
Theo “các giai đoạn Tanner” (thuật ngữ được dùng khi nghiên cứu về dậy thì), hai dấu hiệu phát triển chính ở nam giới trong độ tuổi dậy thì là sự phát triển cơ quan sinh dục và phát triển lông mu. Ngoài ra, còn có những thay đổi như vỡ giọng, chiều cao hay cân nặng tăng vọt.
Các phép đo được giới thiệu bởi Tanaer đưa ra những con số khá cụ thể. Ví dụ, với các bé trai bắt đầu tuổi dậy thì, mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch được xuất ra là 3 ml. Đến giai đoạn Tanner 5, giai đoạn phát triển cuối cùng cho thấy tuổi dậy thì đã kết thúc là khi “cậu bé” có khối lượng tinh dịch lớn hơn 20 ml mỗi lần xuất ra và dương vật của dài khoảng 15 cm.
Đó là những dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trẻ trai càng ngày càng dậy thì sớm.
Năm 2012, một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khảo sát trên hơn 4.000 bé trai trong 41 tiểu bang Hoa Kỳ. Phân tích dựa trên “các giai đoạn Tanner”, nghiên cứu cho thấy nam giới có dấu hiệu dậy thì khi chưa đầy 10 tuổi. Trước đây, các bé trai thường dậy thì ở độ tuổi trung bình là 11,5.
Những trẻ dậy thì sớm tuy có dáng dấp của người lớn trước tuổi nhưng cũng lại ngừng phát triển rất sớm và có xu hướng thấp bé hơn so với người bình thường.
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia nghiên cứu thì hiện nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin, trẻ dễ dàng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ăn nhiều thức ăn được nuôi trồng có chứa chất kích thích tăng trưởng bằng hoóc-môn,… nên khả năng dậy thì sớm càng tăng.
Trẻ ăn uống quá nhiều dưỡng chất nhưng lại lười vận động khiến tỷ lệ béo phì gia tăng, góp phần khiến trẻ dậy thì sớm. Ngoài ra, tác động của phim ảnh với những “pha” tình cảm, hoặc vô tình thấy người lớn làm “chuyện ấy” cũng kích thích các bé trưởng thành trước tuổi.
Cách phòng tránh
Các ông bố bà mẹ nên giúp trẻ trang bị những kiến thức về giới tính một cách đúng đắn để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ nên dạy con nhận biết, gọi tên và hiểu chức năng của các bộ phận trên cơ thể ngay từ khi trẻ nhận biết tốt.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dạy con trẻ phải biết tự bảo vệ mình, không cho người khác đụng chạm vào những chỗ riêng tư trên cơ thể, cũng như không được nghịch ngợm của bạn khác, khuyên con chuẩn bị tốt tâm lý để đón chào một trong những bước ngoặt lớn trong cuộc đời.