Bộ Công an đang soạn thảo dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có việc bỏ vân tay; đổi nơi thường trú, thành cư trú; dữ liệu trên CCCD và liên thông dữ liệu tới các bộ ngành... Điều này dẫn đến nhiều thắc mắc, lo ngại về việc những thay đổi này sẽ khiến người dân phải làm CCCD mới, trong khi chỉ mới cách đây 1-2 năm, người dân đã phải thay đổi CCCD/CMND vốn có thành CCCD gắn chip.
Mẫu thẻ Căn cước công dân mới sẽ thế nào?
Theo đề xuất của Bộ Công an, mẫu thẻ Căn cước công dân mới sẽ thay đổi một số nội dung in trên thẻ. Cụ thể như sau:
- Trên thẻ căn cước công dân sẽ bao gồm 13 thông tin cơ bản như: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Ảnh khuôn mặt;...
+ Số Căn cước công dân sẽ được đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như hiện hành).
+ Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh.
+ Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú...
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải).
Ngoài ra, về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, dự thảo Luật Căn cước công dân quy định gồm 23 thông tin cơ bản của cá nhân, từ họ tên, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân…; Đặc điểm nhân dạng; Nghề nghiệp; Trình độ học vấn… Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước...
Có phải làm lại CCCD theo mẫu mới sửa đổi?
Tính đến thời điểm này người dân có thể sử dụng 4 loại giấy tờ tùy thân, với giá trị pháp lý như nhau gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.
Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ đã cấp.
Hiện nay về cơ bản, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND cơ bản không tác động đến công dân; quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng CMND cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ CCCD và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử.
Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ (không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp).
3 đối tượng được cấp Thẻ CCCD mẫu mới:
- Đổi thẻ CCCD.
- Cấp mới thẻ CCCD gắn chip.
- Đối tượng đang sử dụng CMND.
Nội dung Luật Căn cước công dân 2014 đã quy định, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về nhân thân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, thẻ CCCD còn được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Do vậy, thẻ CCCD là loại giấy tờ có giá trị quan trọng, dùng để chứng minh nhân thân của công dân ở phạm vi trong nước và có thể cả nước ngoài. Quy định này vẫn được Bộ Công an giữ nguyên trong Dự thảo luật sửa đổi.
Vì đóng vai trò quan trọng nên thẻ CCCD đòi hỏi cần có sự chuẩn chỉnh, thống nhất đồng thời phải có tính ổn định về khuôn mẫu. Do đó, khi có sự thay đổi về mẫu thẻ, đương nhiên sẽ có sự thắc mắc tại sao cùng là một loại giấy tờ tùy thân nhưng lại có nhiều phiên bản cùng có hiệu lực song song.