Nguyên nhân gây bệnh giang mai
Xoắn khuẩn giang mai nhìn qua kính hiển vi.
Giang mai (syphilis) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây ra. Đường lây truyền của bệnh giang mai hầu như luôn luôn là qua đường tình dục, mặc dù có những ca thí dụ về bệnh giang mai bẩm sinh do truyền từ mẹ sang con trong tử cung hoặc khi sinh.
Biểu hiện của bệnh qua từng giai đoạn
Giai đoạn 1
Nốt đỏ giang mai xuất hiện ở lòng bàn tay.
Đây là giai đoạn rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Khoảng 3-90 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (trung bình 21 ngày), sẽ xuất hiện tổn thương da ở các điểm tiếp xúc. Vết loét xuất hiện ở những nơi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai, thường là ở bộ phận sinh dục như: môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung, quy đầu, dương vật hoặc trực tràng. Tổn thương này, được gọi là săng, là một dạng viêm loét, có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục kích thước 0.3 đến 3 cm, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng và kèm theo nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau.
Giang mai xuất hiện cả ở lưng bệnh nhân.
Các triệu chứng trên có thể tự biến đi sau 3 đến 6 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác.
Giai đoạn 2
Nốt ban giang mai xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể bệnh nhân.
Giang mai sau khi xâm nhập vào cơ thể từ 6-8 tuần sẽ chuyển sang giai đoạn 2, người bệnh sẽ có những triệu chứng thông thường như: Xuất hiện những nốt ban màu đỏ trên khắp cơ thể, không ngứa, không đau.
Dấu hiệu giang mai ở giai đoạn này thường là: sốt, hạch bạch huyết sưng to, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, cơ thể mệt mỏi.
Ngoài ra có những triệu chứng khác như rụng tóc, rụng lông, nốt ban chuyển sang màu nâu. Các tổn thương trên da lan rộng nhưng ngứa không rõ ràng.
Giai đoạn này khả năng lây bệnh cao, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Giai đoạn 3
Gôm giang mai.
Giai đoạn này thường đến rất muộn, khoảng chừng 10 - 15 năm kể từ khi xuất hiện săng giang mai. Đây là giai đoạn cuối của bệnh khi mà trên cơ thể xuất hiện những củ, gôm giang mai.
Các gôm, củ giang mai thường xuất hiện ở cơ quan sinh dục, nếp gấp hậu môn, cơ xương, nội tạng...
Gôm giang mai thường tập chung thành những cùng lớn, có màu hồng, đỏ...
Biến chứng của bệnh giang mai
Rối loại chức năng co thắt:
- Bệnh giang mai biến chứng gây tổn thương đốt thứ 2 -4 ở lưng, ảnh hưởng cảm giác ở bàng quang. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như: buồn tiểu mà không có nước tiểu, dẫn đến bí tiểu và tiểu không kiểm soát.
Biến chứng ở khu vực mắt:
- 90% người bệnh có dị thường ở đồng tử mắt, thông thường là biểu hiện Argyll-Robertson pupil, khiến đồng tử nhỏ hẹp, không bình thường, mất phản xạ ánh sáng, nhưng vẫn tồn tại phản xạ điều tiết. Đại đa phần cơ mắt tê bì, mí mắt không đồng, thần kinh thị giác bị tổn hại.
Nguy hiểm ở nội tạng:
- Giang mai khi biến chứng có thể ảnh hưởng đến nội tạng. Thường gặp nhất là các vấn đề ở dạ dày, với những biểu hiện như: đau đột ngột ở phần bụng trên, có thể mở rộng thêm ở phần ngực, lồng ngực có cảm giác co thắt, buồn nôn.
Sau khi phát bệnh, người bệnh có cảm giác kiệt sức và đau da bụng. Các triệu chứng ở ruột non xuất hiện như đau bụng, ỉa chảy. Cổ họng và thanh quản xuất hiện triệu chứng khó nuốt, hô hấp khó khăn, trực tràng mót buốt gây khó khăn trong việc bài tiết nước tiểu.
Bệnh giang mai là bệnh lý nguy hiểm có thể làm cho bệnh nhân tử vong vì xuất hiện các biến chứng đột ngột cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Việc phát hiện, điều trị và áp dụng các biện pháp phòng tránh là rất cần thiết.