Những “món ngon vật lạ” tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết dùng để tiến vua ngày Tết, nay vẫn xuất hiện

( PHUNUTODAY ) - Tưởng chừng có những món ngon vật lạ chỉ có trong truyền thuyết từ xa xưa, nhưng nay vẫn tìm thấy, nhất là những ngày Tết đến gần, các món ăn này lại được nhiều người tìm mua.

“Gà chín cựa” thực sự có thật

"Gà 9 cựa" là món lễ vật tưởng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh được lưu truyền trong dân gian. Nhưng loại Gà chín cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết này lại có thật và trở thành loại gà được nhiều người lùng mua mỗi dịp Tết đến.

Được xem là đặc sản quý của vùng đất Tân Sơn (Phú Thọ), gà chín cựa, hay còn gọi là gà nhiều cựa, được nhiều người ưa chuộng, lùng mua mỗi dịp Tết Nguyên đán.

mon an tien vua12

Sở dĩ gà có đủ chín cựa được nhiều người săn lùng trong dịp Tết Nguyên đán là bởi giống gà này gắn với truyền thuyết xưa kia, mang ý nghĩa tâm linh, nhắc nhớ mọi người về gốc gác con Lạc cháu Hồng, biết ơn nguồn cội. Thêm nữa, người xưa thường quan niệm, đồ cúng lễ thì chọn số 9 là số lẻ đẹp nhất, tượng trưng cho sự vĩnh cửu, may mắn, tài lộc.

Bên cạnh đó, loại gà đặc sản này có nguồn gốc là gà rừng, thích hợp với hình thức nuôi thả đồi nên chúng chạy rất khỏe. Thức ăn chủ yếu là ngô, lúa, đặc biệt giống gà này còn có khả năng tự kiếm ăn. Thế nên, chất lượng thịt cũng thơm ngon đặc trưng, chắc và ngọt thịt khác hẳn các giống gà bình thường.

mon an tien vua14

Song, những năm gần đây, loại gà bộ từ 8-9 cựa vẫn vô cùng hiếm. Đây cũng chính là lý do dù giá lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không phải cứ có tiền là mua được.

Cá anh vũ – linh vật để cúng tế

Từ xa xưa, có một loài cá chỉ xuất hiện ở vài vùng sông nước. Sở hữu hình dáng kỳ dị, loài cá này chỉ dùng để mang tiến vua, dân thường đâu có được ăn. Được xem là loài có vị thịt thơm ngon, đậm đà nhất trong các loại cá nước ngọt, ấy là cá Anh Vũ.

Tưởng chừng như phải nói lời chào với loài cá quý này, nhưng may mắn đã có một hộ gia đình bảo tồn và thuần phục loại cá này trên đỉnh Ái Au khá tiềm năng. Núi Ái Au quanh năm xanh tốt, nước suối trong lành, tuy vậy việc chăn nuôi loài cá này vô cùng khó khăn vì chúng rất kén môi trường sống. Cá anh vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ).

mon an tien vua1

Với những thớ thịt trắng, quánh và đặc biệt là khối sụn môi giòn sần sật, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài cá nào của sông nước. Vì vậy, từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại.

Tương truyền, cá Anh Vũ xuất hiện ở nước ta từ 2000 năm TCN. Đến khoảng thế kỷ XIV, tức đời Hùng Vương thứ 3, một ngư dân bắt được cá Anh Vũ tại khu vực sông Lô, liền mang tiến vua. Trông lạ mà ăn ngon, vua cho đây là loài cá quý hiếm, và từ ấy, người dân bắt được đều phải mang dâng lên.

Trong Đại Nam Thống Nhất Chí có ghi: "Cá Anh Vũ còn có tên Giả Ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa". Đặc biệt hơn, trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi còn viết: "Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh…".

Cá Anh Vũ khó săn bắt, không dễ tìm, chuyên sống dưới hang đá ngầm. Năm 1992, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã ghi nhận cá Anh Vũ trong sách đỏ Việt Nam phần động vật, là loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.

Giá cá Anh Vũ không phải hạng "xoàng" 1 hay 2 triệu mà có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Cá Anh Vũ rất khó bắt vì chúng chỉ sống dưới hang đá sâu ở khu vực đáy sông. Thợ lặn phải dùng dụng cụ chuyên biệt xuống dưới hang để vây bắt.

Gà Đông Tảo, tuy đắt nhưng nay ai cũng có thể mua

Nói đến những món ngon vật lạ của tỉnh Hưng Yên, không thể bỏ qua đặc sản Gà Đông Tảo - một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam với ấn tượng đặc biệt về đôi chân khổng lồ.

Gà Đông Tảo từ lâu đã được xem là giống gà quý hiếm thuần chủng của Việt Nam, thường được dùng để tiến vua vào thời xa xưa, hiện nay chúng là đặc sản chỉ dành cho những người giàu có, thậm chí còn có cả các cuộc thi sắc đẹp dành riêng cho gà Đông Tảo.

Empty

Phần lớn số lượng gà Đông Tảo hiện nay vẫn được nuôi ở làng Đông Tảo, mặc dù cho nguồn gốc chính xác của giống gà vẫn chưa được xác định nhưng chúng đã tồn tại hàng trăm năm.

Tuy nhiên, gà Đông Tảo còn được ưa chuộng bởi hương vị thịt thơm đặc biệt, mà theo một số người là "như thịt bò", cũng như không có loại gà nào khác có được.

Có lẽ chính bởi các yếu tố này, cộng thêm sự quý hiếm khi nhân giống nên gà Đông Tảo ngày càng có giá bán tăng cao. Từ khoảng 2-3 năm trước, giá trị một con gà Đông Tảo trưởng thành đã dao động từ 1,5-3 triệu đồng.

Chuối ngự, loại chuối ngon nhất nước được người xưa chọn để tiến Vua

Chuối ngự ở Việt Nam ban đầu có nguồn gốc từ Làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân xưa, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, được nhiều người biết đến bởi đây là quê hương của nhà văn Nam Cao.

Đây là giống chuối ngon xếp đầu bảng trong hơn 30 giống chuối ở Việt Nam. Gọi là chuối ngự vì xưa kia là chuối tiến vua, món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện (Vua dùng bữa). Cây chuối ngự có dáng từa tựa như cây chuối goòng, chuối mật nhưng nhỏ hơn, mảnh mai hơn.

mon an tien vua3

Tương truyền, vào thời Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Cảm kích trước tài năng và đức độ của các bậc trị nước, dân thành Nam đã trồng một sản vật quý để dâng vua, đó chính là chuối ngự.

Vẫn còn được trồng cho đến ngày nay, chuối Ngự cho quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh tao đầy quyến rũ...

Chuối ngự quả nhỏ và trông đẹp mắt, vỏ mỏng, khi chín vàng thẫm, thịt ngọt đậm và thơm. Điểm đặc biệt là chuối ngự không bị nẫu, chuối chín không chỉ ngon, dẻo, ngọt, thơm mà còn để được hàng tuần vẫn nguyên hương vị.

Cam tiến vua – “đệ nhất cam”

Cam Xã Đoài ở Nghệ An xưa để tiến vua, nay chỉ bán vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Mỗi quả cam Xã Đoài có giá từ 70.000 đồng. Ngoài ra, nhiều cây cam đã được khách đặt mua với giá 25-40 triệu đồng/cây.

Không chỉ nức tiếng ở Nghệ An, cam Xã Đoài còn được khách thập phương xếp vào loại “đệ nhất cam”. Với giá bán đắt đỏ, mỗi quả có giá từ 70.000 đồng, cam Xã Đoài vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng.

mon an tien vua147

Từ lâu, cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã trở thành đặc sản nức tiếng xứ Nghệ, được khách thập phương xếp vào loại “đệ nhất cam”.

Theo người dân Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì đây là nơi duy nhất trồng được cam Xã Đoài. Giống cam này ngày xưa được dùng để tiến vua. Bởi vậy cam Xã Đoài còn được biết đến với cái tên "cam tiến vua".

Có lẽ ít thứ quả của Việt Nam vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp như cam Xã Đoài. Vị ngon của cam "tiến Vua" cũng đã đi vào ca dao, thơ văn.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng có những câu thơ khái quát chân thực và rất "sắc" về thứ quả này: "Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong".

Nhờ đặc tính thơm, ngon vượt trội hơn hẳn tất các loại cam khác nên cam Xã Đoài được nhiều người chọn làm món quà Tết thượng hạng. Tuy được mua với giá cao, nhưng hiện tại diện tích trồng loại cam đặc sản này ở làng Xã Đoài đang có xu hướng thu hẹp, vì thiếu quỹ đất.

Theo cuốn biên niên sử của xã Nghi Diên, giống cam Xã Đoài đã được trồng cách ngày nay khoảng 150 năm; là giống cam dùng để dâng cho các bậc vua chúa, vỏ mỏng có màu vàng tươi khi chín, sau đó sẽ chuyển dần sang màu vàng sẫm, mùi hương thơm dịu, ruột vàng óng và nước cam ngọt thanh, không chua, ăn vào có chất kết dính như mật ong.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn