Vì sao không nên cố đánh thức con dậy bú đêm?
Thường trẻ sơ sinh rất ít khi ngủ liền mạch tới sáng mà sẽ tự động thức dậy khi bụng đói. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ cần bú mỗi ngày khoảng 8 cữ và chia đều trong cả ngày. Có bé sẽ khóc đòi bú mỗi đêm khi đến cữ nhưng cũng có bé ngái ngủ nên không đòi. Nếu sau 4 tiếng mà bé vẫn chưa đòi bú thì mẹ nên nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để “nạp năng lượng”.
Đối với bé từ 3-4 tháng tuổi trở đi, một số bé đã có khả năng ngủ xuyên đêm. Nếu bé ngủ suốt đêm mà không thức dậy để bú, bố mẹ cũng đừng quá lo lắng, chỉ vì cơ thể trẻ muốn như thế mà thôi. Nếu bé đã bú đủ ban ngày, ban đêm bé sẽ ngủ ngon và sâu giấc, vì thế, mẹ hãy căn cứ trên lượng sữa con bú trong ngày và nhu cầu của cơ thể con, đừng cố đánh thức con dậy giữa đêm vì có thể khiến bé bị mất ngủ.
Các chuyên gia nhận định, giấc ngủ đêm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ở giấc ngủ đêm, lượng hormone tăng trưởng GH tiết ra nhiều hơn ban ngày, đạt đỉnh trong khoảng từ 10h đêm đến 3h sáng. Trẻ nên được ngủ trước đó 1-2 tiếng để giấc ngủ sâu diễn ra cùng thời điểm hormone GH tiết ra nhiều nhất.
GH là hormone kích thích sự tăng trưởng của tất cả các mô trong cơ thể, kể cả xương. Hormone này thúc đẩy quá trình tạo xương, duy trì cấu trúc xương, đồng thời làm tăng quá trình trao đổi chất, tăng cường tổng hợp protein ở tất cả tế bào, làm tăng khối lượng cơ, tăng kích thước các phủ tạng, từ đó cơ thể trẻ lớn lên.
Nếu trẻ đang ngủ sâu, đặc biệt là trong khoảng thời gian GH đạt đỉnh, việc mẹ đánh thức con dậy sẽ làm gián đoạn quá trình tăng tiết của hormone này, dần dần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nhất là chiều cao. Trẻ ngủ không đủ sẽ chậm lớn, còi cọc, chậm phát triển trí não.
Ngoài ra, việc cố cho bú khi con vẫn rất buồn ngủ có thể khiến bé bị sặc sữa, lượng sữa đọng lại trong khoang miệng về lâu dài có thể gây ra các vấn đề về răng miệng. Chưa kể, điều này có thể tạo thói quen xấu khi trẻ lớn hơn, không bú sẽ trằn trọc khó ngủ dù trẻ không đói.
Đa phần sau 6 tháng tuổi bé có thể ngủ thẳng giấc đêm, bố mẹ nên để bé ngủ nhưng cố gắng cho bé bú no trước khi ngủ khoảng 1 tiếng. Lưu ý rằng mỗi trẻ mỗi khác, có trẻ sớm ngủ thẳng giấc được, có trẻ chậm hơn, bố mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu, giảm dần theo tháng và đến khi 1 tuổi nên cai hoàn toàn việc bú đêm.
Lưu ý cho trẻ thêm cao
Trẻ con có cần phải ngủ đúng giờ?
Các nghiên cứu cho thấy, chiều cao của một đứa trẻ do nhiều yếu tố quyết định, trong đó: 70% nhờ gen của bố mẹ, 30% thuộc về yếu tố bên ngoài tác động đến. Và trong số 30% yếu tố bên ngoài này thì giấc ngủ là yếu tố đầu tiên và tiên quyết ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chiều cao của trẻ.
Trong nhiều nghiên cứu với số liệu cụ thể còn chứng minh giấc ngủ quyết định đến chiều cao của trẻ nhỏ hơn cả chế độ ăn uống và vận động. Lý giải điều này không khó. Khi một đứa trẻ đi vào giấc ngủ, được thả lỏng hoàn toàn thì khi đó cơ thể mới tiết ra hormone sinh trưởng để giúp trẻ đạt được mức tăng trưởng tốt nhất.
Trẻ càng đi ngủ muộn càng bất lợi trong việc phát triển chiều cao và trí tuệ. Trong các nghiên cứu khoa học, các chuyên gia cho thấy có 2 giai đoạn trong ngày mà hormone sinh trưởng tiết ra nhiều nhất là từ 21 giờ tối đến 1 giờ sáng và 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Thậm chí lượng hormone sinh trưởng được sinh ra trong khoảng thời gian này còn được chứng minh cao gấp 5 – 7 lần so với thời gian ban ngày.
Do đó, để trẻ có thể tận dụng được tốt nhất khoảng thời gian vàng này thì các bé nên được bố mẹ cho lên giường từ 8h30’ tối, muộn nhất cũng không được quá 9h30 tối và để trẻ thức dậy sau 7h sáng hôm sau. Nếu bé đi ngủ muộn hơn so với 2 thời điểm vàng này thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển chiều cao và tăng lượng chất xám.
Tuyệt chiêu để bé lên giường là ngủ ngay
– Tạo môi trường thuận lợi cho giấc ngủ của trẻ: Đèn sáng, tiếng ồn từ tivi, ánh sáng từ smarphone… sẽ khiến bé không thể nào đi vào giấc ngủ dễ dàng. Thay vào đó nên tập cho trẻ có một vài thói quen tốt trước khi ngủ như: Đánh răng, rửa mặt, đọc truyện cổ tích, nghe 1 bản nhạc,… Những việc đơn giản này thôi sẽ tạo ra một thói quen ngủ tốt cho trẻ.
– Tránh khiến cho não của trẻ quá hưng phấn trước giờ ngủ: Không để con khóc hoặc chơi đùa quá nhiều trước giờ ngủ vì não bộ ở trạng thái hưng phấn sẽ làm cho trẻ không muốn đi ngủ và khó ngủ sâu.
– Không để trẻ ngủ ngày quá lâu: Cơ chế sinh học của cơ thể sẽ quen với một nhịp độ giấc ngủ mang tính ổn định. Chẳng hạn ngày ngủ 8 tiếng là 8 tiếng, ngủ trưa 1 tiếng là 1 tiếng… Do đó, nếu bé ngủ nhiều hơn vào ban ngày thì ban đêm sẽ khó ngủ. Nếu tập cho trẻ thành thói quen ngủ ngày thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Nó không những khiến tốc độ tăng trưởng của trẻ bị chậm lại mà thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung, ghi nhớ, sáng tạo và các kỹ năng vận động ở trẻ.
– Tắm nắng: Tắm nắng là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển của bé, đặc biệt là các bé sơ sinh. Bởi tia hồng ngoại có trong ánh nắng mặt trời có tác dụng giảm đau, chữa bệnh về cơ, xương, khớp. Còn tia cực tím lại có hiệu quả trong diệt khuẩn, chống viêm, kích hoạt da sản sinh vitamin D3 làm tăng cường hấp thụ canxi và phốt pho – hai thành phần chính cấu tạo nên xương.
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh hay còn gọi là để trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để da tổng hợp được vitamin D. Dưới tác dụng tia cực tím của ánh sáng mặt trời chiếu vào da chuyển hóa thành vitamin D.
Vitamin D đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể. Bởi nó là chất để hấp thu canxi và photpho. Thiếu vitamin D sẽ gây giảm hấp thu canxi làm giảm canxi trong máu khiến bé bị còi xương, biến dạng xương. Vì vậy đề phòng còi xương cho bé, biện pháp tốt nhất và đơn giản nhất là các mẹ nên cho bé tắm nắng hằng ngày.
Theo các chuyên gia sức khoẻ, tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt Nam còn chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Vì thế, để tránh con mình rơi vào tình trạng “nấm lùn” thì mẹ nên thử áp dụng các tuyệt chiêu trên xem sao nhé!