Lá chuối
Với người dân Việt Nam, lá chuối có ở khắp mọi nơi nên chỉ cần ra vườn hoặc ra bên bờ sông, bờ ao là có thể lấy cả bó mang về. Giá mua lá chuối loại đẹp cũng chỉ 8.000-10.000 đồng/kg (giá loại lá đã róc bỏ xương lá). Lá chuối được dùng để gói các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh giò hoặc để gói giò chả, gói xôi,... Song, số lượng lá chuối được dùng vào những việc này khá khiêm tốn.
Vì vậy khi thấy lá chuối Việt được rao bán trên các trang thương mại điện tử với giá "trên trời" nhiều người mới thấy ngạc nhiên. Ở Nhật lá chuối được bán với giá với giá 2280 yên (khoảng 460.000đ/lá). Nếu mua càng nhiều thì giá càng rẻ. Mua 3 lá, giá chỉ khoảng 760.000 đồng và nếu mua 5 chiếc lá chuối thì giá chỉ còn lại là 1.168.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này cũng vô cùng đắt đỏ.
Có lẽ những người nước ngoài đã thấy được công dụng của loại lá này mà đất nước của họ lại không có nên chúng mới trở thành của hiếm ở nước bạn như vậy.
Lá chanh
Lá chanh là loại lá rất quen thuộc với người Việt Nam, thường được dùng để rắc lên món gà luộc như một loại gia vị. Người Việt thường chú ý đến quả chanh hơn lá chanh. Nông dân Việt hiếm khi coi lá chanh là một nguồn thu nhập. Ở nhiều nơi, lá chanh không được đem bán hoặc có bán thì cũng có giá "rẻ như cho". Ở chợ thành phố, lá chanh có giá rất rẻ, chỉ 1.000-2.000 đồng/mớ.
Ở nước ngoài, lá chanh có giá bán khá cao. Tại trang bán hàng trực tuyến Amazon, lá chanh lại được rao bán với giá khoảng 7 USD/1 oz, tương đương 25g. Như vậy, 100g lá chanh có giá khoảng 28 USD (635.000 đồng), 1kg sẽ có giá khoảng 6,35 triệu đồng. Lá chanh được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn ở phương Tây.
Nhận thấy nguồn lợi nhuận rất lớn từ loại lá bình thường này, từ vài năm trước, lá chanh đã được một số công ty thu gom với số lượng hàng chục tấn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thu về cả triệu USD.
Lá chanh xuất sang thị trường châu Âu có 2 dạng, dạng gia vị được đóng gói chung với sản phẩm riềng, ớt hiểm và sả cây. Còn dạng thông thường thì chỉ bao gói lá chanh thành những túi nhỏ và được cấp đông hoàn toàn. Lá chanh Việt Nam được thị trường châu Âu ưa chuộng vì thơm, đậm đà hơn so với lá chanh từ các nước khác.
Trái thù lù
Trái thù lù, hay còn gọi là trái tầm bóp hay trái lồng đèn, mọc dại ở các bờ, bụi vùng quê Việt Nam, gắn liền với tuổi thơ của bao người. Vậy mà ở Nhật Bản và Trung Quốc, trái thù lù có giá lên tới khoảng 700k/kg.
Thân cây chuối
Mới đây trên mạng xã hội bất ngờ chia sẻ lại một bài đăng từ nhiều năm trước nhưng cũng khiến mọi người đặc biẹt quan tâm. Một người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã bắt gặp những khúc thân cây chuối được bọc lại đẹp mắt và bày bán trên kệ của siêu thị với giá rất cao nên đã chụp lại và chia sẻ cho mọi người cùng xem. Với một khúc thân chuối dài khoảng 10cm có giá tới 1.400 yên tương đương với khoảng 280.000 đồng. Như vậy, tính ra toàn thân cây chuối cũng có giá cả triệu đồng.
Thực hư thông tin trên như thế nào hiện vẫn chưa được xác thực nhưng điều này cũng làm nhiều người Việt ngỡ ngàng. Bởi ai cũng biết thân cây chuối ở Việt Nam rất nhiều, thậm chí cho không ai lấy vậy mà lại là món đồ có giá trị cao bên nước bạn. Có lẽ người Nhật thích những món ăn làm từ thân chuối như nộm, gỏi, rau sống hoặc đơn giản là chấm với nước tương cũng rất ngon.
Lá tre
Tre bát độ, hay còn gọi là cây bương, là loại cây mọc hoang, được trồng rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng. Trước người dân trồng tre bát độ chỉ dùng cây còn lá thì bỏ đi. Nhưng vài năm lại đây, lá tre bát độ tươi và khô lại trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Trên chợ mạng và các group bán hàng online, rất nhiều tiểu thương công khai thu mua lá tre bát độ với số lượng không giới hạn và giá không hề rẻ. Họ thu mua rồi bán lại cho các thương lái xuất khẩu sang Đài Loan với giá 10.000 đồng/kg lá tre tươi và 40.000 đồng/kg lá tre khô.
Lá tre bát độ có kích cỡ to hơn hẳn lá tre thường. Chúng được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm...
Cùi dưa hấu
Dưa hấu là loại trái cây được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên hầu hết mọi người, nhất là người Việt chỉ ăn phần lõi đỏ của quả dưa còn phần hạt và vỏ kèm với cùi sẽ bỏ đi. Vậy mà tại một siêu thị ở Nhật Bản những miếng cùi dưa hấu được cắt gọn gàng để trong một chiếc túi sạch đẹp và được bán trong siêu thị. Sự khác biệt về cách ăn uống này khiến nhiều người cảm thấy thắc mắc. Hóa ra ở Nhật Bản người ta thường sử dụng cùi dưa hấu để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: xào tỏi, nấu canh, làm mứt,...