Những xét nghiệm cần làm trước khi kết hôn

14:20, Thứ hai 26/10/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết đối với các cặp vợ chồng để có thể sớm phòng ngừa, phát hiện và điều trị những căn bệnh nguy hiểm.

Tại một số nước, các đôi yêu nhau phải có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng mới được phép đăng ký kết hôn. Ở Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được đưa vào trong quy định pháp luật nên còn rất ít người thực hiện cũng như nhận thức được sự quan trọng của nó trong cuộc sống sau này. 

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là trách nhiệm đối với người chồng. người vợ. Khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản, phát hiện bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới mình và bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm.

nhung xet nghiem can lam truoc khi ket hon
Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm cần thiết đối với mỗi cặp vợ chồng

Những loại xét nghiệm cần làm trước khi kết hôn

Tại một số bệnh viện, các bác sỹ sẽ đưa ra một số mức độ khám sức khỏe khác nhau. Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng có nét tương đồng với khám sức khỏe địn kỳ tổng quát. Dưới đây là quá trình thăm khám cơ bản cho các cặp vợ chồng khi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.

1. Kiểm tra đường huyết

Lượng đường trong máu tăng cao quá mức trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trọng yếu như mạch máu, thần kinh, mắt, thận, tim mạch và hệ thống miễn dịch. Bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tình dục. Kiểm tra đường huyết giúp phát hiện và điều trị sớm tiểu đường, ngăn biến chứng nguy hiểm. Để có kết quả xét nghiệm chính xác, mẫu máu nên được lấy vào buổi sáng, khi chưa ăn uống.

2. Công thức máu 

Máu tĩnh mạch được lấy ra bằng một kim tiêm nhỏ, đem quan sát trong buồng tối đếm dưới kính hiển vi hoặc bằng máy tự động để phân tích các thông số cần thiết. Dữ liệu thu được cho phép đánh giá số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… thông qua đó phát hiện những rối loạn huyết học như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu, từ đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

3. Viêm gan siêu vi B 

Viêm gan siêu vi B lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Thống kê cho thấy rất nhiều người bị nhiễm loại virus này. Mặc dù bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao nhưng người mang siêu vi B vẫm có khả năng kết hôn và sinh con bình thường nếu được tư vấn cách tự chăm sóc bản thân, tiêm ngừa cho vợ hoặc chồng và con ngay khi mới sinh ra.

4. Chức năng thận 

Khi thận suy yếu sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thậm chí tử vong. Thận suy yếu khiến chúng ta kém tập trung, giảm trí nhớ, dễ bị kích thích, giảm ham muốn tình dục, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Xét nghiệm chức năng thận giúp đánh giá chính xác khả năng hoạt động của thận nhằm đưa ra biện pháp phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu.

5. Chức năng gan 

Gan tham gia vào hầu hết các hoạt động chuyển hóa và bài tiết của cơ thể. Chức năng gan giảm sút sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm men gan còn giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương tế bào gan. 

6. Điện tâm đồ 

Nếu tim suy yếu sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày. Người bệnh thường hay ngất, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực, khó thở, có thể gặp khó khăn, nguy hiểm tính mạng khi quan hệ vợ chồng.

Điện tâm đồ được xem như một phương tiện cơ bản để rà soát những bất thường ở tim. Phương pháp này phần nào đánh giá được cấu trúc, hoạt động và chức năng của tim, giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

7. Tổng phân tích nước tiểu 

Mẫu nước tiểu (lấy giữa dòng) sẽ được xử lý và khảo sát các thông số như tỷ trọng, độ pH, cặn lắng, đạm, đường tế bào và vi trùng học. Kết quả phân tích giúp phát hiện một số bệnh tiềm ẩn như các tổn thương ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu… Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối và duy trì nòi giống như giao hợp đau, rối loạn cương dương, lãnh cảm, bất lực, vô sinh…

nhung xet nghiem can lam truoc khi ket hon 2
Làm các xét nghiệm cần thiết giúp sớm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm.

8. X-quang ngực phẳng

Phim X-quang chụp ngực phẳng cho một cái nhìn tổng quan về tim, phổi và các cơ quan lân cận. Dựa vào những dấu hiệu điển hình trên phim chụp, bác sĩ có thể nhận ra nhiều bệnh lý nguy hiểm hay có khả năng lây lan như bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phổi hay lao phổi…

9. Xét nghiệm HIV

Để hạn chế lây nhiễm và bảo vệ mọi người trước hiểm họa HIV, một số quốc gia yêu cầu các đôi nam nữ phải kiểm tra HIV trước khi đăng ký kết hôn. Vẫn còn rất nhiều người e ngại khi đề cập đến xét nghiệm này. Nếu thực sự yêu nhau xét nghiệm HIV không phải là trở ngại lớn cho hôn nhân. Xét nghiệm này đơn giản chỉ giúp củng cố lòng tin và bảo vệ lẫn nhau mà thôi. 

10. Khám phụ khoa 

Đây là việc mà cô dâu tương lai nào cũng nên làm để đảm bảo sức khỏe, giữ hôn nhân hạnh phúc. Trong quy trình khám phụ khoa, cô dâu sẽ được soi tử cung, kiểm tra vòi trứng... 

Những xét nghiệm, thăm khám này không mất nhiều thời gian và thường có kết quả sau 7 - 10 ngày. Nếu có một sức khỏe sinh sản ổn định, cô dâu sẽ tự tin và hạnh phúc hơn để bắt đầu cuộc sống gia đình. Trong trường hợp nếu kết quả khám không như mong muốn, uyên ương sẽ có sự chuẩn bị về tâm lý và cách giải quyết thích hợp trước đám cưới.

11. Xét nghiệm tinh dịch đồ

Với chú rể, việc xét nghiệm tinh dịch đồ cũng là điều quan trọng và nên làm. Đây là xét nghiệm giúp đánh giá khả năng sinh con của nam giới, nhằm giúp bạn chuẩn bị cho cuộc sống sau đám cưới. Các chú rể tương lai có thể tìm tới những phòng khám nam khoa, bệnh viện để thực hiện xét nghiệm. Trước ngày khám, chú rể nên kiêng đồ uống có cồn cũng như giữ tâm lý, sức khỏe ổn định.

12. Tiêm trước sinh

Nhiều uyên ương kết hôn và muốn sinh con ngay sau đám cưới. Như vậy, cô dâu sẽ phải tiêm phòng sớm, vì sau khi tiêm, cần kiêng có thai ít nhất 3-6 tháng. Việc tiêm phòng trước cưới nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của mẹ cũng như em bé trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh ra.
Thường cô dâu tương lai được bác sĩ tư vấn tiêm một số loại như phòng uốn ván, thủy đậu, vắc-xin cúm và mũi tiêm 3 trong 1 để ngăn ngừa sởi, quai bị, rubella. Cô dâu có thể đến những cơ sở y tế của quận, huyện, thành phố để tiêm chủng.

13. Tìm hiểu biện pháp tránh thai

Trái ngược với những người muốn có con ngay sau cưới, nhiều cô dâu chú rể lại muốn hoãn việc sinh con vì muốn ổn định cuộc sống, tận hưởng cuộc sống riêng hay công việc bận rộn. Lúc này, hai người nên cùng nhau tìm hiểu các biện pháp tránh thai như dùng thuốc, tiêm, dùng bao cao su... từ đó tìm ra cách hợp lý nhất với sức khỏe và điều kiện.

Lợi ích của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân

Theo các chuyên gia, mỗi người tự đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn để xem mình có đủ sức khỏe bước vào cuộc sống hôn nhân, có thể mang lại hạnh phúc cho nhau không. Điều này không chỉ giúp hiểu rõ tình trạng của nhau để “cân nhắc” việc ăn đời ở kiếp với nhau, mà còn giúp họ có cơ sở để biết cách chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống sau này; giúp họ tự tin hơn khi bước vào cuộc sống gia đình.

Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân giúp:

  • Chuẩn bị kiến thức tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng.
  • Phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật (nếu có) có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai và sinh đẻ về sau.
  • Chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái, thỏa mãn và an toàn.
  • Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất.
  • Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau...
Những điều nhất định phải làm trước khi cãi nhau với chồng
Những điều nhất định phải làm trước khi cãi nhau với chồng
(Xi nhan) - (Phunutoday) - Hãy thử áp dụng một, hai điều thôi, hôn nhân của bạn nhất định sẽ ngày càng tốt đẹp!
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành