Im lặng trong hôn nhân đáng sợ hơn “tiểu tam”
Với hôn nhân, đôi khi ngoại tình và các “tiểu tam” không phải là điều tệ hại nhất, mà đáng sợ nhất là sự im lặng khiến tình yêu chết dần, chết mòn và… tan vỡ.
Hạnh phúc gia đình luôn đến từ sự chia sẻ, một thời các ông chồng hay đùa rằng: "Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì". Còn những bà vợ thì than vãn: "Chồng tôi cạy răng cả ngày chả được nửa lời, về nhà cứ im lặng, chán lắm".
Im lặng vô cùng đáng sợ, bởi sau một ngày làm việc vất vả thì tối đến vợ chồng quây quần bên mâm cơm để chia sẻ, tâm sự việc nước, việc nhà, nhưng họ chẳng muốn nói gì với nhau, mỗi người một chiếc điện thoại, hay làm việc riêng…
Vì sao ai cũng sợ im lặng?
Im lặng trong hôn nhân bắt đầu từ những khoảng trống vô hình với ý nghĩ "không còn muốn nói vì vợ/chồng có nghe đâu", dần thành thói quen, rồi họ không cần nhau nữa. Tệ hơn là một người chẳng muốn nói nữa, còn một người lại đợi để được lắng nghe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến im lặng nhưng cơ bản là:
- Im lặng khi có mâu thuẫn vợ chồng: Rất hay xảy ra - khiến họ né tránh sự việc và im lặng "nuốt cục tức" vào bụng. Giá họ bộc lộ cảm xúc, hoặc cãi cọ cho ra vấn đề, hoặc trò chuyện để giải quyết vấn đề sẽ tốt hơn. Nhưng vì im lặng nên cục tức vẫn trong lòng, sẽ có lúc lại bùng ra và im lặng làm tình yêu ngày càng lụi đi.
- Sợ cãi nhau: Là hậu quả của việc cả hai im lặng mỗi khi có vấn đề, cứ nói vài câu lại đổ lỗi và cự cãi khiến tình hình tệ hơn. Vì không dám đối diện với vấn đề, vì sợ cãi nhau nên im lặng thành quen và mất dần hạnh phúc.
- Im lặng vì không còn gì để nói: Là kiểu im lặng đáng sợ nhất trong gia đình, bởi giao tiếp giữa vợ chồng là chìa khóa để mở cửa trái tim.
- Im lặng không trả lời tin nhắn: Rất nhiều người dùng cách này để "trả đũa" nửa kia và hậu quả là tình cảm thêm xa cách.
Vợ chồng thường im lặng là vì họ có cảm giác tổn thương, không muốn nói về nhau - thường là do không hài lòng với bạn đời - và đó là một yếu tố dễ dẫn đến ly hôn. Bình thường người vợ thích nói chuyện và có nhiều yêu cầu, trong khi các ông chồng thường lẩn trốn bằng sự im lặng. Đương nhiên "nửa kia" sẽ nghĩ đó là thái độ không hài lòng, không còn hứng thú nên mới không thể giao tiếp với nhau. Người nhận sự im lặng sẽ rất bực tức, giận hờn. Nếu việc này lặp đi lặp lại thì khoảng trống giữa hai vợ chồng ngày càng xa dần. Vì thế giải pháp im lặng để giải quyết vấn đề giữa hai vợ chồng rất độc hại cho hôn nhân.
Nếu trót im lặng rồi thì thay đổi ngay, muốn gì thì cũng phải nói ra cho hết để hiểu nhau. Đừng để "ngày mai sẽ nói, hay sau này sẽ nói…" bởi bạn sẽ quên khiến "nửa kia" không được nghe, không thể thấu hiểu.
Hãy để hôn nhân mang một định nghĩa đơn giản và tích cực hơn, đừng nghe người khác nói về hôn nhân mà nghĩ tiêu cực, để rồi tự khiến bản thân rơi vào vòng luẩn quẩn không đáng có, và đánh mất tình yêu của mình lúc nào không hay.